_Giang Thanh Thi, OP_
Ngày 25 tháng 3, Hội Thánh long trọng mừng đại lễ Truyền Tin. Đây là biến cố rất trọng đại, là niềm vui vô bờ cho toàn thể nhân loại. Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Trinh nữ Maria để trở nên một người anh em ở giữa nhân loại. Suy niệm biến cố này tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trong thời gian, Ngài bắt đầu thi hành kế hoạch cứu độ loài người. Trong mầu nhiệm cứu độ, tôi cũng khám phá ra mầu nhiệm tự hủy tuyệt vời của Ngôi Lời Thiên Chúa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra theo mẫu gương của Mẹ Maria, tôi học được cách cộng tác của loài người cho chương trình cứu độ.
1. Kế Hoạch Cứu Độ
Adam-Eve kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, muốn có sự hiểu biết thông sáng như Thiên Chúa.Tính kiêu ngạo dẫn Adam-Eve đến tình trạng bất tuân lệnh Thiên Chúa. Thực ra, trong ý định nguyên thủy, Thiên Chúa đã muốn cho con người được giống Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn chia sẻ sự cao trọng của Thiên Chúa cho con người, vì thế Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa cho con người được đi vào tương quan thân tình với Thiên Chúa (St 3, 8-9). Nhưng ân huệ này do chính Thiên Chúa thực hiện chứ không phải do mưu mô nào khác xấm chiếm được. Satan cám dỗ Adam-Eve đi đánh cắp, qua việc ăn trái cấm (St 3, 1-25). Ôi thật điên khùng!
Bản tính Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vô hạn và vô vị lợi. Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đem hạnh phúc cho con người bị gãy đổ. Sự công chính nguyên thủy của con người bị đánh mất là do sự khờ dại của con người nghe theo sự xúi bẩy, lừa đảo của Satan. Thiên Chúa tình yêu, yêu đến cùng, nên tình yêu lại tiếp tục lên kế hoạch cứu độ – Đối lại bệnh kiêu ngạo của con người nên Thiên Chúa phải dùng bài thuốc khiêm nhu. Thiên Chúa dùng bài thuốc chữa trị bệnh kiêu ngạo của con người là vị thuốc tự hủy. Satan cám dỗ con người theo con đường bất tuân. Thiên Chúa dạy con người con đường vâng phục qua mẫu gương của Con Một Thiên Chúa. Kế hoạch này thâm sâu đến độ đi đến tận cùng vực thẳm. Satan kiêu xa và quỷ quyệt đến đâu cũng không thể ngờ được con đường tình yêu sâu thẳm tự hạ của Thiên Chúa.
2. Ngôi Lời Nhập Thể sống Mầu Nhiệm Tự Hủy
Mầu nhiệm Truyền Tin khởi đầu mầu nhiệm cứu chuộc bằng con đường tự hủy. Ôi thẳm sâu thay! vô hạn kết hợp với hữu hạn - Đấng Tạo Hóa nên một với tạo thành - Bản tính Thiên Chúa sánh duyên cùng bản tính nhân loại - Thiên Chúa làm người để con người được thần hóa. Một vị Thiên Chúa cao cả đến độ “Ai bằng Thiên Chúa?” (x. Dn 10,13-21; Kh 12,7), vậy mà giờ đây lại chấp nhận mặc xác phàm nhân, một loài thụ tạo do chính Ngài dựng nên.
“Đức Giêsu Kitô,
vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì,
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế"
(Pl 2, 6-7) .
Hơn thế nữa, vì Thiên Chúa dựng nên con người, cho nó quyền tự do, nên Thiên Chúa cũng không bỏ đi quyền này khi muốn con người cộng tác trong chương trình cứu chuộc. Thiên Chúa sai Thiên sứ đến hỏi ý kiến một trinh nữ, để xin cô cộng tác trong chương trình này. Có phải vì cô trinh nữ này cao trọng mà Thiên Chúa phải cần đến cô, Thiên Chúa phải xin cô cộng tác? Thưa không, cô chỉ là một thôn nữ bình thường, sống ở Nazareth, một làng quê nghèo đến độ có câu hỏi: “từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46) Dẫu thế Thiên Chúa không dùng quyền áp đặt cô, nhưng để cô tự nguyện đáp trả. Lạ lùng thay con đường của Thiên Chúa! tất cả là khiêm nhu, tự hủy. Chính trong sự tự hạ này lại chứng tỏ uy quyền cao cả của Thiên Chúa. Chiến lược thâm sâu của Thiên Chúa nhằm đánh gục mưu manh kiêu hãnh của Satan. Tự hủy đến độ:
“Người lại còn hạ mình
Vâng lời cho đến nỗi
Bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự”
(Pl 2,8)
3. Chúa Thánh Thần, Đấng tác động trong mầu nhiệm tự hủy
Thiên Chúa lên chương trình cứu độ nhân loại bằng con đường tự hủy. Ngôi Lời Thiên Chúa thi hành mầu nhiệm tự hủy qua con đường nhập thể, nhập thế “ Người nên giống chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi” (Dt 4,15) . Mầu nhiệm tự hủy nơi Ngôi Lời Thiên Chúa được thực hiện nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
- Thiên sứ nói cùng Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35)
- Suốt cuộc đời của Đức Giêsu hoàn toàn theo tác động của Chúa Thánh Thần để sống mầu nhiệm tự hủy, một vài biến cố kể ra để minh họa: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ta và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” (Lc 3,21) .
- “Thần Khí liền đẩy Người vào sa mạc. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú” (Mc 1,12-13).
- “Được đầy Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).
- Cuộc đời Đức Giê-su luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Trước khi tắt thở, Ngài đã trao Thánh Thần cho nhân loại, cho Hội Thánh: “nhắp xong, Đức Giêsu nói: ‘thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30)
4. Đức Maria sống mẫu gương tự hủy của Chúa Giêsu
Thiên Chúa yêu nét khiêm nhu nên thích đoái nhìn đến những người bé mọn. Cô Maria, cô chẳng có gì đặc biệt để Thánh sử Luca giới thiệu về cô trong Tin mừng ngài viết, ngoài vài hàng vắn tắt: “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27). Cuộc trao đổi giữa Thiên sứ Gabriel và cô thôn nữ Maria cũng rất vắn gọn. Thiên sứ giải trình vắn tắt kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và mời cô Maria cùng cộng tác. Maria chân thành trình bày thắc mắc với sứ thần, để biết Thiên Chúa muốn cô thực hiện bằng cách nào? Thắc mắc của cô được Thiên sứ giải đáp bằng một chứng từ, mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi bà Elizabeth, bà đã cao niên nhưng mới được thụ thai. Chỉ thế là đủ, Maria mau mắn đáp lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” ( Lc 1, 38).
Cô Maria đã sống tinh thần khiêm nhu, tự hủy trong niềm tin, từ lúc nhận biến cố truyền tin cho đến lúc đứng lặng nhìn con, thân mình tan nát, bị treo trên thập tự. Maria trước khi thưa tiếng xin vâng với sứ thần, cô không đòi phải muốn biết trước những điều sẽ xảy ra cho cuộc đời cô sau này. Cô hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, chính Chúa là Đấng cô phó dâng trọn vẹn cuộc đời, dù trải qua niềm vui hay nỗi sầu; thanh thản hay thử thách…, cô trung thành sống mầu nhiệm tự hủy. Trong tinh thần đó, Thiên Chúa mỗi ngày mỗi huấn luyện cô lớn mạnh trong niềm tin yêu trọn vẹn qua những nghịch cảnh:
- Khi anh chồng Giuse đặt vấn đề về bào thai cô đang cưu mang (Mt 1,19-23) Maria vẫn thinh lặng, không tự thanh minh, không tự bào chữa.
- Ngày giờ con Thiên Chúa trong cung lòng cô sắp chào đời, thế mà Giuse và Maria vẫn lang thang không tìm được chỗ trọ cho Ngài hạ sinh. Cô và anh chồng đành vào trú ngụ trong một hang lừa. Cô sinh con và đặt con nằm trong máng cỏ (Lc 2,6-7).
- Đang đêm, được tin sứ thần thúc giục, Maria đã vội vàng chỗi dậy ôm con theo chồng trốn sang Ai Cập, để tránh sự truy nã của vua Hê-rô-đê đang tìm giết Hài Nhi (Mt 2,13-15).
- Ngày con Thiên Chúa đi vào thánh điện của Ngài trong ngày mẹ dâng con, thế mà cô lại được nghe lời tiên báo u sầu của ông Simeon và bà Anna về Hài Nhi (Lc 2,33-38)?
- Maria cực lòng biết bao vì hài nhi Giêsu bị lạc khi trẩy lễ đền thờ Giê-ru-sa-lem. Khi tìm thấy con đang ngồi trong đền thờ giữa các bậc thầy Do Thái, cô sung sướng trách yêu cậu con. Nhưng cô đã phải nín lặng suy nghĩ về câu trả lời thật khó hiểu của con” sao cha mẹ lại tìm con…?” (Lc 2,49).
- Maria đau đớn cùng con đi trên hành trình thập giá, ngậm ngùi nhưng thật can trường đứng cạnh thập giá, để chứng kiến những giây phút cuối cùng đau thương của con yêu dấu trên thập giá. Đồng thời đón nhận lời trăn trối của con trước khi phải giã biệt (Ga 25-27).
- Con đường của Mẹ Maria, dõi đúng theo con đường của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su Con Mẹ. Chính vì thế Thiên sứ đã chào Mẹ với một danh xưng thật tuyệt vời và thật thân thương: “…hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).
Lạy Chúa, kỳ diệu thay con đường của Chúa! Cao cả thay lối bước của Ngài! Con yêu mến bước đường của Chúa- Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tự hủy vì yêu con, để sống gần con. Xin Chúa giúp con biết sống tự hủy để con được nên một với Chúa - Lạy Mẹ Maria, gương Mẹ dạy con cứ tin tưởng vào Thiên Chúa, dù qua đường hầm, cuối đường hầm sẽ thấy ánh sáng ơn cứu độ - Lạy Chúa Thánh Thần, xin làm cho con nên một với Đấng cứu độ con, Amen.
Hôm nay vũ trụ sum hòa
Ánh hồng rực rỡ bông hoa tươi cười
Mừng Con Chúa đã vào đời,
Ẩn thân trong dạ một người Nữ Trinh.
Kỷ nguyên mới đẹp bình minh
Hoàng kim thời đại thành hình vẻ vang
Phàm nhân gặp gỡ Thiên Hoàng
Trần ai gần gũi thiên đàng từ đây
Giêsu xin hát dâng Ngài,
Là con Thánh Mẫu trọn đời đồng trinh,
Muôn câu hát, vạn lời kinh,
Cùng dâng Thánh Phụ, Thánh Linh muôn đời.
( Thánh Thi kinh Sách đại lễ Truyền Tin).