Xuân này con không về


_Augustin_


Ngồi suy nghĩ miên man về chủ đề của bài viết kỳ này mà chị phụ trách mảng báo chí mới thúc viết bài, chủ đề khá rộng: “Tam Phúc Tâm Giao” (Năm Thánh, Giáng Sinh, Tết). Biết viết gì đây? Tôi chợt lóe lên một ý tưởng trong trí. A ! mình sẽ viết về chủ đề XUÂN . Giờ mới đầu tháng 10 mà viết về Xuân (Tết) thì hơi sớm nhưng chắc tại vì hơn 2 năm không gặp ba má và mọi người nên nhớ quá chăng. Ôi sao cũng được, miễn là vẫn trong tâm tình tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa và tri ân quý Dì, quý Chị, Ba Má, gia đình và những ai đã yêu thương cầu nguyện giúp đỡ tôi cả về thể chất và tinh thần. Xin cảm ơn cuộc đời.

Ban đầu, khi lựa chọn ơn gọi Dòng kín, tôi biết là sẽ không được về quê nữa (chỉ trừ những trường hợp rất đặc biệt). Thế mà tôi vẫn muốn chọn ơn gọi này. Lúc ấy, tôi đầy can đảm, nghị lực, ý chí và lòng yêu mến nên lòng chẳng hề sợ hãi hay nao lòng với 3 chữ “không được về”. Thế mà, bây giờ tôi mới nhận ra mình yếu đuối hay mạnh mẽ như thế nào!

Xuân này con không về, xuân sau con cũng không về, xuân sau nữa con cũng không...”. Chúa ơi! Con nhớ quá...! Năm tiền tập, xuân đầu không về nhưng Ba Má vẫn được thăm nên còn thấy đỡ đỡ nhớ. Xuân sau, năm tập nhất, không được về thăm gia đình mà Ba Má lên thăm cũng không được gặp. Giờ mới thấm nỗi nhớ, nỗi thương Ba Má.

Tôi nhớ Ba Má và gia đình quá. Xuân kế tiếp, năm tập thứ hai cũng vậy Ba Má lên thăm cũng không được gặp, nhưng Mùng 1 Dì Nhất xót xa, cho các chị em nhà tập được gọi điện về Chúc Tết gia đình.

-“Alô, con chào Ba năm mới, con Trang nè, con gái của Ba nè!"

-“Ừ, con Trang hả, thế thì khi nào con mới về ?

-“Dạ, Ba ơi, năm nay con không được về, con đang trong năm tập mà!"


Trả lời Ba tôi như thế thôi chứ tôi nào dám nói với Ba là: “Ba ơi!, năm nay con không về mà năm sau con cũng không về và những năm sau nữa con cũng sẽ không về Ba ạ, ngoại trừ Ba Má có chuyện gì"

Trước khi đi vào Dòng kín, Ba tôi hỏi tôi: “Con đi tu Dòng này không được về hả con?” Lúc đó, tôi đã trả lời Ba tôi thật rõ ràng rồi là “con đi tu Dòng kín không được về quê đâu Ba ạ, trừ khi về làm giấy tờ cần thiết hay Ba Má bị bệnh nặng thôi”. Ba lúc đó, im lặng một lúc rồi Ba nói: "Sao con đi tu Dòng gì mà khó vậy con ?" (Ba tôi nói thế thôi nhưng Ba không cản). Tôi tưởng lúc đó Ba tôi hiểu rồi chứ. Tôi nhớ lúc trước đây là đệ tử, còn được về thăm gia đình, đang chơi, nói chuyện với cả nhà, Ba tôi chọc tôi là: “Nè, Trang ơi!, mày đi tu Dòng kín thì khi nào Ba bị ốm 90kg thì mày được về thăm phải không?” Có phần còn chưa hiểu nên mặt tôi ngơ ngác, Ba tôi giải thích: “Tại vì, mày nói là đi tu Dòng kín không được về trừ khi Ba Má bệnh nặng mới được về thì giờ Ba được 49kg mà khi “ốm nặng” tăng lên 90kg (mập lên) là ốm nặng rồi còn gì là được về thăm phải không?” Cả nhà cười ầm lên và tán đồng câu nói chí lý của Ba ra vẻ rất tâm đắc. Mọi người dặn tôi: “Nhớ nha, ốm nặng 90kg là phải về đó!"

Nhớ năm ấy, khi còn là đệ tử còn được về Tết mà ở nhà Dòng có việc bận nên mùng 2 Tết tôi mới về, Ba tôi tưởng tôi Xuân này tôi không được về, rồi nhìn các Thầy, các Sơ hoạt động về quê ăn Tết với gia đình mà mặt Ba tôi buồn rười rượi. Chờ mãi mà con gái đi tu không thấy về, đêm Mùng 1 Tết, Ba tôi lên góp vui văn nghệ Xuân trên Nhà xứ bằng bài hát “Xuân này con không về”, nghe buồn làm sao! Tôi nghe một người bạn của tôi kể lại. Hôm sau, Mùng 2 Tết khi tôi gọi điện thoại báo là tôi được về, Ba tôi vui ra mặt, ăn cơm sớm, mặc quần áo chỉnh tề ra trạm xe khách chờ đón tôi, để khi nào tôi về đến là đón ngay. Ôi! Con thương Ba quá, Ba ạ!

Gia đình tôi có 11 anh chị em, mà Ba tôi chưa từng nói thương đứa nào nhưng những việc Ba làm, những vất vả hy sinh Ba chịu tất cả anh chị em chúng tôi ai cũng hiểu Ba thương chúng tôi lắm. Qua đó, tôi cũng có được một chút kinh nghiệm về tình thương của người Cha trên trời là như thế nào. Ba thương, Ba không nói nhưng Ba làm thật nhiều, hy sinh thật nhiều. Ba vắt cạn sức sống nơi Ba để lo cho con cái và gia đình. Ba ít học nhưng cách giáo dục của Ba hoàn toàn tinh tế và khéo léo, không dựa vào sự khôn khéo nhưng dựa vào tình thương. Chúng tôi mà sai lỗi thì Ba sửa dạy bằng những ngọn roi khi còn bé để cho nhớ, còn khi lớn Ba không đánh mà dùng lời. Ba nói: “Lớn rồi, biết suy nghĩ rồi, Ba không phải đánh, chỉ cần nói thôi”. Khi Ba muốn sửa dạy đứa nào, là ăn cơm tối xong, để mọi người đi hết rồi Ba gọi lại và nói riêng. Nhưng kết thúc luôn là câu “con đã làm Ba buồn” thế thôi, vậy mà tôi cảm tưởng như những cây roi vô hình đánh vào mình và bất giác tôi bật khóc. Tôi đã làm Ba buồn, tôi thật bất hiếu. Tôi đã đáp lại tình thương và hy sinh của Ba như thế đó. Cách giáo dục đó của Ba tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, mấy anh chị em chúng tôi đứa nào cũng kính trọng, xin lỗi Ba và tự sửa đổi. Ba biết chúng tôi có lỗi nhưng Ba không làm chúng tôi phải quê, phải bẽ mặt ngay cả trước anh chị em của chúng tôi. Điều đó làm cho chúng tôi được lớn lên và biết rằng chúng tôi được yêu thương, được tôn trọng.

Ba ơi! Con thương Ba nhiều lắm vì Ba dạy cho con biết sống nên người tốt mà không làm con đau hay bị tổn thương. Nhưng Ba biết không qua Ba mà con nhận ra tình thương của Người Cha trên trời đối với con và Ba còn hơn thế gấp ngàn lần nữa Ba ạ. Cha trên trời cho con nhận ra tình thương của Cha trong cuộc sống qua bao nhiêu là hồng ân mà con có thể nhận ra hay không nhận ra. Cha sửa dạy con cũng hết sức tinh tế và khéo léo gấp ngàn lần Ba mà không làm con đau. Cha cho con được lớn lên trong tình thương qua sự yêu thương sửa lỗi nâng niu của Ba Má, gia đình và đặc biệt là cộng đoàn đan viện qua các Dì Lớn. Cha không cần hình phạt hay đánh đòn nhưng chỉ bằng ánh nhìn yêu thương. Cha buồn là hình phạt lớn nhất dành cho con rồi. Thật sự với tính cách của một đứa con gái đầy nam tính như con thì những ngọn roi không thể làm con rơi lệ nhưng mà là việc con làm cho những người con yêu thương phải buồn đó chính là hình phạt lớn nhất dành cho con.

Ba ơi! Xuân này con không về, Xuân sau con cũng không về và Xuân sau nữa con cũng.... Con biết Ba buồn, Ba nhớ con. Nhưng con đã hứa với lòng mình là không bao giờ để Ba phải buồn vì con nữa thì giờ đây phải chăng việc con theo đuổi ơn gọi này lại là điều gây buồn phiền cho Ba sao! Không phải thế. Vì con biết, con đi theo con đường này là điều làm Ba an lòng và vui nhất. Vì không phải con đang sống theo lời Ba dạy đó sao! Từ bé, khi con chưa hiểu gì Ba đã dạy con làm dấu Thánh giá, đi Nhà thờ hằng ngày để tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Chúa ban cho gia đình. Ba dạy con đọc kinh tối sáng, dạy con cố gắng sống sao thật tốt để tri ân Chúa. Thì giờ đây, con đang làm điều đó đây Ba ạ. Con biết, con đi tu như thế là Ba mừng lắm vì có một người con được tạ ơn Chúa thay cho Ba, cho gia đình mình. Nhưng vì thương con, nhớ con nên Ba nói thế thôi. Lòng người Cha người Mẹ mà.

Xuân vừa rồi, tôi được gọi điện thoại về thăm gia đình, Ba tôi nói: “Con cầu nguyện nhiều cho Ba để Ba luôn vâng theo ý Chúa, Ba khỏe cũng được, bệnh tật cũng được, giàu có hay nghèo khó gì cũng được. Xin cho Ba luôn vâng theo ý Chúa.” Trời! tôi nghe xong câu nói đó của Ba mà tôi không nói được lời nào. Tôi nghĩ tôi đi tu được nghe Lời Chúa nhiều, phải thấm Lời Chúa hơn và tôi phải là người nói với Ba câu ấy mới đúng chứ. Tôi lại còn được ở gần Chúa, sát bên Chúa mỗi ngày thế mà tôi có nói được như Ba không hay gặp thử thách, đau khổ con lại than vãn, trách móc Chúa đủ điều rồi muốn thoái lui. Ấy vậy mà!..Ba lại nói “xin cho Ba luôn vâng theo ý Chúa, giàu có, nghèo khó, khỏe mạnh hay đau bệnh cũng xin vâng.”

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì đã ban cho con một người Ba như thế. Xin Chúa ban cho Ba Má và gia đình con được mạnh khoẻ, bình an, luôn biết sống theo ý Chúa. Xin cho mọi người trong gia đình con luôn biết sống hòa thuận yêu thương nhau như vậy là con an lòng rồi. Con cũng xin cho các bậc làm Cha mẹ luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái. Đồng thời xin cho các ngài cũng biết nêu gương sáng cho con cái qua lời nói và việc làm trong đời sống thường ngày. Còn những Cha mẹ nào thiếu trách nhiệm hay thiếu ý thức xin Chúa thương hoán cải và thương nâng đỡ những người con để họ nhận được bình an và niềm vui sống.

Cuộc chia ly nào không đem lại nỗi nhớ nhung và đau khổ nhưng con tin rằng như cuộc chia ly của Chúa Con với Chúa Cha để cứu độ nhân loại hay như cuộc chia ly của Chúa Giêsu với các môn đệ khi về trời và chỉ trong thời gian ngắn tất cả đã được đoàn tụ trong yêu thương và hạnh phúc thì cuộc chia ly của con với Ba và mọi người cũng như thế đó. Mà trong Chúa nào có xa lìa, nào có chia ly!

Xuân này con không về, Xuân sau con cũng không về và Xuân sau nữa con cũng... nhưng con tin sau này, thời gian ngắn thôi con sẽ được cùng Ba và mọi người đón một mùa Xuân hạnh phúc trong nhà Cha trên trời đến muôn đời Ba nhé. Xuân vĩnh cửu.