Mẫu gương các gia đình



Lễ Thánh Gia Thất năm C

“Khi Đức Giêsu được 12 tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.” (Lc 2,42)


Suy niệm

Đoạn Tin Mừng Lc 2, 41-52 được đọc trong bối cảnh của ngày lễ kính Thánh Gia Thất hôm nay càng làm nổi bật lên hình ảnh của một Gia Đình Thánh - là mẫu mực cho các gia đình trong thời đại hôm nay noi theo. Có lẽ chưa bao giờ các vấn nạn về gia đình ngày càng trở nên khó khăn và nhiều thách đố như hiện nay. Tình trạng ly dị, ly thân, bạo lực gia đình tràn ngập khắp nơi, ngay cả trong các gia đình công giáo. Giáo Hội trải qua hơn 2000 năm vẫn tha thiết kêu gọi con cái mình hãy nhìn vào gương sống của Thánh Gia, để nơi đó, từng thành viên trong các gia đình được mời gọi phác hoạ lại hình ảnh của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria và thánh Cả Giuse, trong vai trò là cha, là mẹ và là con trong gia đình.

Lần giở lại các trang Tin Mừng, hẳn nhiên chúng ta đều nhận ra rằng: Thánh Gia ngày xưa đã từng nếm trải biết bao nhiêu sóng gió và thử thách. Có đau khổ nào mà các Ngài chưa từng kinh qua: nào là hiểu lầm (Mt 1, 19-20); bị hất hủi, xua đuổi, phải sinh con nơi đồng hoang giữa đêm đông giá rét (Lc 2,7); những lúc phải lưu lạc sang xứ người để tránh sự lùng bắt, giết hại của vua Hêrôđê (Mt 2, 13-15). Cha mẹ Chúa Giêsu cũng có lúc buồn bực vì thấy con không “vâng lời”, tự ý ở lại Đền thờ mà không xin phép (Lc 2, 48), hoặc như Mẹ Maria phải đau đớn tận tâm can khi phải chứng kiến con mình bị người ta đóng đinh và chết nhục nhã trên cây thập giá (Ga 19)... Thế nhưng gia đình Nazareth vẫn hạnh phúc và bình an. Bởi vì các ngài luôn tìm và thi hành ý Chúa, qua những lần thưa xin vâng của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về sự khiêm hạ và vâng phục tuyệt đối. Người vâng ý Chúa Cha trong mọi sự, nhưng đồng thời khi mang thân phận con người, Người cũng một lòng vâng phục cha mẹ Người, như Kinh Thánh thuật lại: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài.” (Lc 2, 51). Thánh Gia còn là trường dạy chúng ta bài học về sự thinh lặng. Thánh Giuse thinh lặng và âm thầm đến nỗi kinh thánh không ghi lại được lời nào của người. Mẹ Maria chìm sâu trong thinh lặng bằng cách suy đi nghĩ lại trong lòng. Sự thinh lặng không làm cho bầu khí gia đình căng thẳng nhưng thinh lặng để lắng nghe và hành động, vì thật ra: không nói mà đã nói nhiều, khi tình yêu lên tiếng trong mỗi cử chỉ hành động và sự quan tâm.

Qua việc ngắm nhìn hình ảnh Thánh Gia, chúng ta ta như đang soi vào chính bản thân mình. Các gia đình, các cộng đoàn tan vỡ có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa vẫn là do chúng ta không còn đặt Chúa là trung tâm của đời sống chúng ta. Nếu các gia đình ngày nay cũng biết noi theo Thánh Gia Thất: cùng nhau đến tham dự các buổi thờ phượng, cùng nhau đọc kinh, cùng nhau làm việc, mỗi người biết hy sinh cho nhau, biết lắng nghe nhau, thì chắc chắn gia đình hay cộng đoàn chúng ta sẽ ngày càng gắn bó với nhau hơn, tình cảm gia đình của chúng ta sẽ ngày càng thắt chặt và triển nở, dẫu cho sóng gió của cuộc đời vẫn luôn không ngừng vây bủa chúng ta.


Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết nỗ lực để góp phần của mình vào việc xây dựng gia đình, xây dựng cộng đoàn thành nơi ngập tràn yêu thương, và bình an. Xin Chúa cũng nâng đỡ những gia đình đang gặp khủng hoảng, hàn gắn những rạn nứt để gia đình thật sự là nơi đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Amen