Đầy và tràn


Chúa Nhật 2 - Mùa Vọng năm C


“Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa” (Lc 3,10)



Suy niệm

Chúa Giêsu có lần đã nói với các môn đệ rằng: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Quả thật, khi lòng con người ta khao khát và thao thức điều gì đó đạt ngưỡng maximum thì nó sẽ bộc lộ ra bên ngoài bằng sự tìm kiếm. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy khát mong của dân chúng đã chín muồi, họ “lũ lượt” đến xin ông Gioan làm phép rửa. Khi nghe nói đến “dân chúng”, ta nghĩ đến một số lượng người đông, ở đây thánh sử Luca còn nói đến “dân chúng lũ lượt”, tôi mường tượng ra cảnh đoàn đoàn lớp lớp đến với ông Goan. Tại sao họ đến với ông Gioan - một người sống trong hoang địa, ăn uống khắc khổ và rao giảng về Đấng Cứu Thế? Phải chăng như ánh mặt trời chiếu vào trong hầm tối thì có một “tia sáng” cũng đang rọi vào tâm hồn của dân chúng thời bấy giờ. Con người thời nào cũng có những cám dỗ, những mảng tối lôi cuốn, thế nhưng trong tận sâu thẳm tâm hồn của họ vẫn còn đó tiếng nói vang vọng về một lời kêu mời ta quay về với Chúa. Trong thời đại 4.0 này thì sao? Dân chúng cũng lũ lượt nhưng không phải đến với Chúa mà đến với “các bác” danh vọng, tiền tài, quyền lực…họ phớt lờ hoặc cố gắng phớt lờ tiếng mời gọi bên trong bởi sống trong một thế giới “khôn sống mống chết”. Điều đáng buồn là không riêng gì các Kitô hữu, một số linh mục, chủng sinh, tu sĩ cũng bị cuốn theo sự tục hóa. Tuy nhiên, lời mời gọi của Tin Mừng luôn đặt ra cho mỗi Kitô hữu những câu hỏi căn bản: Tại sao tôi lại chọn con đường hẹp, con đường của thập giá? Tại sao tôi phải sống theo lời mời gọi của Tin Mừng? Tại sao tôi phải chọn sự thua thiệt? Những câu hỏi này không phải là dấu chấm hết cho đức tin, mà là lời mời gọi chúng ta dừng lại, lắng nghe tiếng Chúa nói trong sự hồi tâm, tĩnh lặng và cầu nguyện.

Trở lại với đoạn Tin Mừng, tôi thấy một bức tranh đẹp và thú vị, trong đó có những người “nhỏ bé” đến với ông Gioan, họ là ai vậy? Dân chúng nói chung, còn nói riêng là những người thu thuế, những binh lính. Họ đến với một trái tim đơn sơ, chân thành và hỏi câu hỏi như bé thơ hỏi ba mẹ mình: “Chúng tôi phải làm gì?” Nếu họ không muốn “đổi đời” và sống một cuộc sống lành thánh, tôi thiết nghĩ họ sẽ không hỏi và cũng không dành thời giờ để đến gặp ông Gioan. Khi đọc tới đây, tôi thấy tâm hồn tràn đầy niềm vui. Tôi vui vì sự sống mới và sức sống mới xuất hiện. Tạ ơn Thiên Chúa đã gửi ông Gioan đến đúng thời điểm để dẫn đưa các tâm hồn đi theo chính lộ ngàn đời. Những chỉ dẫn cụ thể mà ông Gioan đề nghị họ làm là gì? Đó là có hai áo thì chia cho người không có, cả thức ăn cũng vậy. Đó là đừng đòi hỏi những gì quá mức ấn định, đừng hà hiếp, đừng chiếm đoạt của ai. Chung quy là hãy sám hối và quay về với Đức Chúa. Lời kêu gọi sống quảng đại, sẻ chia của ông Gioan nghe thật dễ dàng, nhưng khi đối diện với thực tế cuộc sống, tôi nhận ra rằng việc thực hành những lời dạy đó lại không hề đơn giản. Việc cảm thấy khó khăn khi áp dụng lời dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả vào cuộc sống là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều này có thể giải thích bởi bản tính tự nhiên của con người chúng ta. Chúng ta thường có xu hướng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, sợ mất mát và so sánh bản thân với người khác. Những tâm trạng này khiến chúng ta ngại chia sẻ và khó có thể sống quảng đại. Tuy nhiên, lòng quảng đại không chỉ là việc cho đi mà còn là hành trình khám phá bản thân sâu sắc hơn. Khi chúng ta mở lòng đón nhận và chia sẻ với người khác, chúng ta không chỉ mang lại niềm vui cho họ mà còn phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tình yêu thương trong chính trái tim chúng ta.

Đến phần hai của bài Tin Mừng, ta thấy dân chúng tin ông Gioan và tự hỏi biết đâu ông Gioan là Đấng Mêsia. Dân chúng có lý do để tin như vậy vì dấu chứng của cuộc đời ông. Thật vậy, chính cuộc đời ông, với những hành động và lời nói nhất quán, đã trở thành bằng chứng sống động, khiến dân chúng không thể không nghĩ ông là Đấng họ đang mong đợi. Qua đó, tôi thấy ông Gioan luôn trung thành với sứ mạng là một vị tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông sống khiêm hạ và đã khẳng định với mọi người: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Có thể nói cuộc sống khiêm tốn và những lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đã khiến dân chúng tin rằng ông là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã khẳng định mình chỉ là người đi trước để chuẩn bị đường cho Chúa Giêsu. Qua đó, chúng ta học được sự khiêm tốn và sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mỗi Kitô hữu. Mỗi Kitô hữu mang trong mình sứ mạng “cưu mang” và đem Chúa đến với mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta quá chú tâm vào bản thân, quên mất rằng tất cả những gì mình có đều là ân huệ từ Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Chúa ơi, giữa một thế giới văn minh, hiện đại, thay vì hội nhập thì chúng con lại cuốn mình theo cơn lốc của thời đại 4.0 và hoà tan chính mình vào trong đó. Chúng con mải miết chạy theo tiếng gọi của những vị thần hư ảo và quên lãng Chúa, không nghe được tiếng thì thầm của tâm hồn đang ngày ngày gọi mời chúng con lắng đọng và trở về. Lạy Chúa, xin đến và ban sức mạnh nội tâm để chúng con can đảm nghe được tiếng Chúa và trở về cùng Chúa dẫu cho có nhiều “thương tích”. Amen