_Hoa Thiêng_
Đã thương chọn Mẹ cho đời cậy trông,
Ba Ngôi Thiên Chúa khoan dung,
Chương trình cứu độ khắp cùng trần gian”
(Thánh thi kinh sáng lễ Đức Mẹ Bảo trợ Dòng)
"Trọng tâm của lịch sử cứu độ là mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Kế hoạch này đã được Chúa Cha xếp đặt từ muôn thuở và trong chương trình ấy, Người đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình và không ngừng ban cho Mẹ nhiều đặc ân trong suốt hành trình ơn gọi của Mẹ. Đối với Mẹ Maria, tất cả là hồng ân của Chúa và Mẹ đã đón nhận những ân sủng ấy qua lời “Xin Vâng” (Lc 1, 38). Khi thời gian tới hồi viên mãn, Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa loan báo việc Con của Người đến trong thế gian. Niềm tin ấy của Mẹ đã được thể hiện khi Mẹ chấp nhận lời đề nghị của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel." (Trích bài giảng tĩnh tâm của cha cố Đaminh Đinh Viết Tiên, OP). Cũng chính nhờ niềm tin Mẹ đặt nơi Thiên Chúa và việc Mẹ mở lòng đón nhận các ân huệ của Người mà Mẹ đã được tuyên xưng là “Đấng đầy ân phúc”(Lc1,28). Sau lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong ngày truyền tin: “Kính chào Bà là Đấng đầy ân phúc” thì bà Elizabeth, người được Thánh Thần thôi thúc cũng ca ngợi Mẹ khi bà kêu lên: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết”. (Lc 1,45)
Tuy nhiên, từ khi nói lời “xin vâng”(Lc1,38) với Thiên Chúa, cuộc đời của Mẹ không hẳn chỉ trải qua những giây phút bình yên, êm ả nhưng trong nhiều biến cố, Mẹ đã phải lần mò bước đi trong một đường hầm tăm tối. Các biến cố liên quan đến Chúa Giêsu hẳn đã làm cho Mẹ phải ngạc nhiên và phải cố gắng để có thể hiểu nhưng đó lại là những mầu nhiệm không dễ giải thích với sức của con người. Với sự khôn ngoan của Mẹ, Mẹ đã chọn cách âm thầm giữ gìn các mầu nhiệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc2,19). Trong suốt cuộc đời Mẹ, nhờ sự gắn bó và mong muốn thấu hiểu Chúa Giêsu, Mẹ đã hiểu Chúa ngày một nhiều hơn nhờ lòng tin cùng với sự nhạy bén và tình mẫu tử của một người mẹ. Thêm vào đó, cùng với sự suy niệm liên lỉ trong lòng, Mẹ đã hiểu phần nào sứ mạng của Đức Giêsu, Con của Mẹ. Nhờ đó, Mẹ đã đứng vững trong đức tin cũng như trong sự dâng hiến cho Thiên Chúa trọn vẹn bản thân của Mẹ.
Con người và cuộc đời của Chúa Giêsu thật là mầu nhiệm đối với Mẹ và Mẹ đã không ngừng kiên trì để khám phá mầu nhiệm đó trong khi đồng hành cùng với con của Mẹ trong suốt cuộc đời nơi dương thế của Người. Trong các dịp đó, có lần, Mẹ đã chứng tỏ một lòng tin táo bạo khi xin Chúa làm phép lạ đầu tiên. Nhưng câu trả lời của Chúa là: “Giờ của Con chưa đến” (Ga 2,4). Khi Chúa Giêsu nói với Mẹ lời đó, chắc hẳn Mẹ không hiểu đó là một lời từ chối của Chúa nhưng Mẹ khắc ghi lời đó để âm thầm chờ đợi “Giờ” thật sự của Chúa. “Giờ” của Chúa Giêsu cuối cùng đã đến. Đó là thời điểm mà Chúa Cha ấn định cho Người phải rời bỏ thế gian để về với Cha. Đó là giờ “vượt qua” để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Trong giờ phút tối tăm khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã cùng chịu đựng nỗi đau của Chúa Giêsu không phải trên thân xác của Mẹ nhưng là trong trái tim, trong tâm hồn của Mẹ như lời tiên tri của cụ già Simêon năm xưa: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà” (Lc 2,36).
Cũng trong giờ phút quan trọng đó, dưới chân thập giá, Đức Giêsu, con của Mẹ đã gửi gắm người môn đệ yêu dấu cho Mẹ: “Hỡi Bà, này là con bà”. Rồi Người nói với người môn đệ yêu dấu: “Này là mẹ anh” (Ga 19,26-27). Đó là lời trăn trối của người Con sắp ly trần của Mẹ, những lời mà Người thốt ra trong lúc cao điểm nhất của cuộc đời Người. Mẹ tin chắc đó là điều rất quan trọng. Đó là ý muốn cuối cùng của Con Mẹ đối với Mẹ. Vì yêu Đức Giêsu, Mẹ đã tiếp tục thưa tiếng “xin vâng”. Với tiếng xin vâng trong hoàn cảnh rất đau thương này, Mẹ đã được chính Chúa Giêsu uỷ nhiệm cho Mẹ trở thành Mẹ của các anh chị em của Người, những người tin vào Người. Cũng kể từ giờ phút đó, bất cứ ai là môn đệ của Chúa cũng mong muốn đón “rước Mẹ về nhà” của mình và của cộng đoàn mình. Ngay từ thời sơ khai, Dòng Đa Minh đã “nhận Đức Maria là Đấng Bảo Trợ của Dòng và không ngần ngại tuyên xưng, lại luôn cảm nghiệm sự bảo trợ ấy, cùng khuyên nhủ mọi người ghi lòng tạc dạ ơn ấy, để nhờ sự phù trợ của Hiền Mẫu, mọi người cùng gắn bó với Đấng Cứu Chuộc” (LG 62). Trong truyền thống tốt đẹp ấy, Đan viện Đa Minh cũng nhận Mẹ là Đấng bảo trợ của cộng đoàn với tước hiệu: “Đức Maria Thánh Linh”.
Lạy Mẹ Maria, hôm nay Đan viện chúng con mừng kỷ niệm 10 năm thiết lập. Mẹ ơi, thế là chúng con đã được 10 tuổi rồi mẹ ạ! Cảm ơn mẹ đã chăm sóc giữ gìn yêu thương chúng con. Như xưa kia, Mẹ đã dắt dìu từng bước chân của Chúa Hài Đồng thì hôm nay xin mẹ cũng bao bọc, chăm sóc cộng đoàn Đan Viện trong những bước chân đầu đời hiện diện tại Việt Nam, Mẹ nhé!
Đoàn con tôn kính Đức Maria Thánh Linh.
Mẹ Là Trinh Nữ đầy ơn thánh Chúa tuôn trào,
Mẹ luôn sẵn sàng trong từng lời nói xin vâng,
Là Eva mới sáng ngời ở giữa gian trần.
Mẹ ơi, đoàn con dâng trước nhan mẹ
Mái nhà thân yêu, nguyện xin mẹ chở che,
Mẹ ơi đoàn con phó thác mẹ yêu,
Cộng đoàn con đây nguyện mẹ thương sớm chiều.
(Lời bài hát của Lm Giuse Công Hạnh, SVD tặng Đan viện Đa Minh)
Về bản thân con, con xin cảm ơn sự quan phòng kỳ diệu của Chúa đã cho con được làm người và làm con Chúa, được gọi Đức Maria là Mẹ của mình và dẫn đưa con bước vào hành trình dâng hiến, trở nên một thành viên trong Đan Viện Đa Minh Đức Maria Thánh Linh trên con đường tiến về nhà Cha. Con xin tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Maria, cảm ơn Quý Đức cha, quý Cha, quý Thầy, Quý Hội dòng, cảm ơn quý Dì tiên khởi trong cộng đoàn Đan Viện đã vun đắp từng viên gạch và nâng đỡ tinh thần giúp Cộng đoàn Đan Viện thành hình một mái ấm, cùng chung chia một niềm tin, thêm xác tín, đầy vững mạnh và niềm vui. Cảm ơn quý chị em đã cùng chung nhịp bước, cảm ơn những năm tháng êm đềm bên gia đình có ba, có mẹ, có anh trai và các em luôn yêu thương nâng đỡ, cảm ơn quý ân nhân trong những tháng ngày qua, cho con có thể từng bước tiến lên đến bên cạnh bàn thờ Chúa và xin thưa: “Dạ con đây, Chúa gọi con”.
Đời con hai tiếng xin vâng.
Bước theo chân Mẹ hiến dâng cuộc đời.
Giúp con mến Chúa yêu người,
Mọi nơi mọi lúc cả đời xin vâng.