Lễ Kính Các thánh Dòng Giảng Thuyết, ngày 7 tháng 11.
"Thưa Thầy chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy." (Mc 10, 28a)
Suy niệm
Trong ngày mừng lễ kính các thánh Dòng, tôi cảm thấy thật hãnh hiện và vui mừng. Hãnh diện vì tôi là thành viên của dòng dõi “Trâm Anh” dòng dõi họ Đa. Vui mừng vì tôi được gọi là em của các vị thánh một cách rất gần gũi và thân thiện. Tôi thầm tạ ơn Chúa đã gọi và dẫn đưa tôi đến với ơn gọi chiêm niệm này. Trong sâu thẳm cõi lòng tôi cảm ơn cha thánh Tổ Phụ và các Thánh trong Dòng cũng như các chị em trong Đan viện đã đón nhận tôi và cho tôi được cùng với các thành viên trong Dòng ca ngợi, chúc tụng và tôn vinh Chúa nơi Gia Đình Thánh này.
Giờ này, trong tôi đang gợi lên một vài suy nghĩ: các thánh là những người được Chúa yêu thương sinh ra trong thế giới này, tôi cũng vậy. Nếu nói thêm, các thánh ở trong dòng Đa Minh thì tôi cũng hãnh diện mà nói tôi cũng là con cái cha Đa Minh nơi Đan viện mà ngài đã sáng lập hơn tám trăm năm nay. Hơn nữa, các thánh là những người được Thiên Chúa chọn lựa hiến thánh thì tôi cũng dám nói rằng tôi cũng thế. Vậy thì giữa tôi và các thánh có gì khác biệt không? Chúng tôi là con cùng một Cha trên Trời và cùng một tổ phụ, cùng một linh đạo, cùng một lời khấn. Thật vậy, tất cả chúng tôi đều khấn vâng lời Thiên Chúa và vâng lời Dòng qua hiến pháp và các chỉ thị của Dòng. Thế thì tôi cũng sẽ làm thánh như các ngài! Đây không chỉ là niềm hy vọng, mà nên thánh là ơn gọi của tôi và tất cả mọi Kitô hữu.
Vậy tôi tự hỏi các thánh đã làm gì để trở thành những người thánh và giờ đây các ngài được cả Giáo hội tôn kính? Phải chăng, các ngài là những người đã sống trọn vẹn ơn gọi của các ngài trên cuộc đời dương thế này? Hay các ngài đã vâng phục Thiên Chúa và vâng phục Dòng một cách trọn hảo? Có phải các ngài đã hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa và Dòng trao phó và giờ đây các ngài đang được hưởng phần phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban?... Tôi thấy tất cả đều đúng và có thể nói, các ngài là những người được Chúa chúc phúc và yêu mến.
Thật vậy, khi nhìn lại cuộc đời các thánh, tôi càng thêm xác tín như thánh Phaolô đã nói ở đâu đó: tôi tự hào trong những yếu đuối của tôi để sức mạnh của Chúa lớn lên trong tôi. Đúng là các ngài đã sống một cuộc đời bình thường với một sức mạnh phi thường nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Trong các ngài vẫn còn đó những khó khăn của thân phận con người. Quả nhiên đã là thân phận con người các ngài không được miễn trừ khỏi hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Chắc hẳn, các ngài cũng đã phải chiến đấu từng giây phút với niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, Đấng mà các ngài đã dâng hiến cả cuộc đời để bước theo. Để rồi sức mạnh của tình yêu đáp trả Tình Yêu của các ngài đã giúp các ngài đến gần và sống giống Chúa hơn mỗi ngày. Trong Tin mừng Chúa Giêsu đã từng nói: “Ai muốn theo tôi phải vác thập giá hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Nhưng ở đời có mấy ai thích thập giá? Chẳng phải là đâu đó chúng ta vẫn thường nghe mọi người than van, năn nỉ với Chúa cất bớt thánh giá cho họ đấy sao? Nhưng đối với các thánh thì chính từ những điều không thích, mà các ngài đã coi đó như là phương tiện để làm đôi cánh bay lên hàng “Chư Thánh”.
Thế giới của chúng ta ngày nay rất đề cao chủ nghĩa cá nhân, do đó khi nói về sự từ bỏ thì quả là một thách đố lớn. Đây quả là một thánh giá của thời đại. Nhưng đối với các thánh thì đây lại là một đôi cánh thật tuyệt vời, giúp các ngài bay cao trong bầu trời tự do. Các ngài đã không ngần ngại đặt cuộc đời mình dưới quyền quyết định của bề trên thông qua lời tuyên khấn vâng phục. Một lời khấn dâng trọn ý chí của mình cho Thiên Chúa để cho Ngài tự do quyết định xếp đặt cuộc sống của mình. Thánh Tôma đã không ngần ngại coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất (maximum est) trong tất cả các lời khấn”, vì qua đó người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống của mình. Và chính thánh nhân đã sống sự từ bỏ khi dám bỏ đi những gì mình có để chỉ chọn Chúa. Thánh nhân đã bỏ gia đình quyền quý để vào Dòng hành khất (đi xin ăn mỗi ngày) cho dù bị gia đình phản đối gay gắt. Thánh nhân còn bỏ tất cả công trình nghiên cứu vĩ đại của mình để chọn chính Chúa, vì ngài coi mọi sự chỉ là rơm rác so với chính Chúa.
Để có một Martino de Porres như chúng ta vẫn biết, có mấy ai nhớ đến và suy nghĩ về cuộc sống thường ngày của ngài. Bạn và tôi sẽ nghĩ gì khi có người gọi mình (với giọng miệt thị của sự phân biệt chủng tộc) là “thằng chó lai”, một tên đạo đức giả, một thằng lừa đảo... Với công việc thường ngày như quét nhà, coi cổng, chăn nuôi súc vật trong nhà… thì tôi có cảm giác như thế nào khi chỉ được phân công làm những công việc đó? Khi tôi được mời gọi dâng hiến cuộc đời cho Chúa trong ơn gọi tu trì, tôi có nghĩ rồi mình sẽ làm những việc như vậy suốt cuộc đời không, hay tôi sẽ có những dự phóng khả quan hơn cho ơn gọi của mình? Làm những thứ đó có phải là ơn gọi mà tôi hướng tới không? Vậy còn thánh Martino, ngài đã nghĩ gì khi đối diện với số phận và cuộc đời của ngài. Bạn thử nghĩ xem thánh nhân có buồn, có giận không? Tôi nghĩ chắc hẳn là có. Nhưng ngài đã làm gì và đã đối xử như thế nào với những người đã lăng nhục mình? Với lòng khiêm nhường thẳm sâu, ngài đã cầu nguyện và tâm sự với Chúa tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống của ngài. Nơi Thập Giá, ngài thấy rõ con người mình với những yếu đuối và tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Ngài thấy hạnh phúc với những gì ngài đang có. Hạnh phúc khi được Chúa thương yêu ban cho ngài quá nhiều hồng ân mà ngài không dám nghĩ tới. Mỗi khi bị khiển trách thánh nhân đều khiêm nhường nói lên: “Tôi xứng đáng bị nhiều hơn thế. Chúa đã chẳng chịu đau khổ nhiều hơn tôi sao?” Thế nên, Thánh Martino đã vui vẻ đón nhận và còn cảm ơn người đã xúc phạm đến mình. Ngài cầu nguyện cho họ và hứng lấy sức mạnh từ tình yêu của Chúa nơi Thập Giá rồi an bình vui sống. Thánh nhân đã chấp nhận bỏ đi chính con người mình với những cảm xúc, danh dự và cả phẩm chất của mình. Bỏ đi ở đây không phải là chối bỏ mà ngài nhận ra rõ những cảm xúc đó nơi thâm tâm mình. Thật vậy, thánh Martino đã cảm nhận rất rõ nỗi đau của Chúa Giêsu khi chính Chúa cũng từng bị như vậy nên ngài đã hân hoan cùng chịu đau khổ với Chúa. Thánh Martino bỏ mình để cùng sống lại với Chúa Giêsu nơi các thương tích của Ngài nơi trái tim tràn đầy thương tích của tình yêu. Ngài bỏ mình để nên giống Chúa.
Thật vậy, nếu chỉ có ý chí của con người mà thôi, thì chúng ta khó lòng sống thánh được với cuộc sống ngày nay. Nhưng với ân sủng Chúa và lòng mến chúng ta dễ dàng bước lên hàng chư thánh như các thánh. Vì trong tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ cho người mình yêu mến. Trong mối tình của chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy, những kế hoạch quan phòng của Ngài tuy bất ngờ đối với chúng ta, nhưng đã có từ ngàn xưa đối với Ngài. Và giờ đây, Ngài đang chờ những bất ngờ đến từ tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Chúng ta chọn Ngài hay chọn cái gì? Chọn lối sống thánh thiện theo lời mời gọi của Tin Mừng hay chọn lối sống của thế gian của xác thịt. Vậy đó, làm thánh tưởng chừng khó mà lại rất dễ. Tưởng chừng cao siêu mà lại rất đơn giản. Người giàu kẻ nghèo, người học thức kẻ bình dân đều có thể làm thánh. Miễn sao chúng ta thành tâm xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của tình yêu của Ngài, để chúng ta sống là một người con hiếu thảo với Chúa, để Chúa sống và làm chủ cuộc đời chúng ta. Nói cách khác, khi chúng ta chọn Chúa làm gia nghiệp, làm mục đích hướng tới của cuộc sống, thì chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Cũng như thánh Gioan tẩy giả, tôi cũng cần xác tín để Chúa lớn lên và tôi phải nhỏ lại cho đến khi nào Chúa tròn đầy trong chúng ta và chúng ta mất hút trong Chúa và không còn ta nữa. Tôi sống mà không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Con có gì để từ bỏ nếu không phải là chính con đây. Con xin dâng lại cho Chúa tất cả mọi sự mà Chúa đã ban cho con: ý chí và lý trí, tự do và ước muốn, tương lai và cả cuộc đời con. Con nguyện ước nụ cười trên đôi môi con là chính nụ cười của Chúa. Ánh mắt con nhìn mọi người là ánh mắt dịu hiền của Chúa. Việc làm là chính đôi tay Chúa đang làm. Nẻo đường con đi là chính đôi chân Chúa bước. Tất cả lạy Chúa! Chính Chúa trong con. Chính Chúa sống trong con chứ không phải con. Amen!