Những thách đố của đời sống ẩn dật của các đan sĩ




_Đs. Maria Têrexa Thánh giá, OP, chuyển ngữ_

Một năm trước đây tình cờ tôi đến rạp chiếu phim và xem một bộ phim “Sự Tĩnh lặng Tuyệt” - một phóng sự về đời sống của các tu sĩ ở Grande Charteuse. Rạp chiếu phim chật cứng người và trong suốt buổi chiếu ba tiếng đồng hồ thậm chí không nghe một tiếng ghế cót két nào. Một bộ phim về cuộc sống ẩn dật của các tu sĩ. Mọi người rời khỏi rạp trong thinh lặng, và khi buổi chiếu kết thúc mọi người cũng không vội vã ra về ngay.

Đi qua hội trường người ta nhìn thấy những tấm áp phích đầy màu sắc quảng cáo nhiều bộ phim khác nhau. Chúng dường như còn sáng hơn bao giờ hết. Bộ phim này đã được chiếu ở Warsaw trong một thời gian dài và luôn có khán giả. Vì vậy bộ phim chắc hẳn đã cuốn hút mọi người - những người bình thường của một thành phố hiện đại. Họ đã thấy gì trong phim này? Trong cuộc sống giản dị bình thường của một đan viện, họ đã nhìn thấy những người hạnh phúc với đức tin của mình, những người được biến đổi nhờ cầu nguyện, ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa Hằng Sống mà họ tìm kiếm và họ đã thấy Ngài.

Tôi nghĩ rằng, mỗi đan viện chiêm niệm muốn nhắm đến con người hiện đại không phải theo phong cách phim ảnh, nhưng cũng không kém phần dứt khoát và rõ ràng. Là một dấu chỉ và một thách thức để nhìn sâu hơn xem ước muốn hạnh phúc và nhu cầu cảm nghiệm cuộc sống là gì, vốn được viết trong trái tim của mỗi người. Các đan viện như vậy chưa bao giờ chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số, những người hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa trong các dòng chiêm niệm tạo thành một phần nhỏ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, họ vẫn là “men” vốn là điều thiết yếu cho sứ mệnh của Giáo Hội. Và mặc dù số lượng của chúng ta rất nhỏ, và cuộc sống của chúng ta thì ẩn giấu, chúng ta được nhìn thấy. Những người tin và những người không tin nhìn chúng ta - một số vì tò mò, một số với sự tôn trọng, một số thì chỉ trích, và những người khác với vẻ khó chịu. Họ đòi hỏi khắt khe. Bộ các Tu Hội Đời sống Thánh hiến đã tổ chức vào năm 2005 một hội nghị chuyên đề về “Đức mến trọn hảo”. Một trong những bài nói chuyện là kết quả của việc nghiên cứu cách người ta nhìn đời sống tu trì ngày nay. Hóa ra là ý kiến của mọi người tập trung không quá nhiều vào những gì chúng ta làm, nhưng vào chất lượng cuộc sống của chúng ta. Lời chứng cuộc sống của chúng ta càng đáng tin cậy thì nó càng mang sự cứu chuộc và cứu rỗi cho thế giới. Điều cần thiết duy nhất trong cuộc sống tu sĩ của chúng ta là Tin Mừng. Chúng ta phải trung thành bước theo, phải hiện thực hóa đời sống Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng hôm nay cũng đang cứu chuộc thế giới. Người đã hành động thông qua việc Người là ai và Người đã sống như thế nào. Người ta đã xin Người các dấu chỉ và những phép lạ, nhưng khi Người càng đến gần cái chết, Người càng bỏ đi những dấu chỉ và chỉ vào chính Người – là người đã vâng phục Chúa Cha cho đến cùng. Trong Tin Mừng, có sức mạnh của sự cứu chuộc và thánh hóa, chúng ta phải nhắc nhớ cho thế giới về điều đó. Cuộc sống của Chúa Giêsu mà chúng ta kéo dài trong Giáo Hội có sức mạnh đó. Chúng ta sẽ là bằng chứng rằng Thiên Chúa hiện hữu, rằng Ngài là Tình yêu, Chân lý và Vẻ đẹp - đó là điều mà con người khao khát, dù họ có biết hay không. Ngài có thể được ví như bầu trời trải dài khắp thế giới. Nhiều người không thể nhìn thấy các ngôi sao trên bầu trời bởi vì mắt họ bị mù bởi những ánh sáng ở gần mắt họ hơn nhiều: ánh sáng chói lòa của các siêu thị, nơi giải trí, những quảng cáo, ánh sáng của thành phố khiến người ta không thể rời xa.

Trong ơn gọi của mình, chúng ta có cơ hội đi ra ngoài đồng, vốn dĩ là nơi không có gì cản trở ta nhìn ngắm bầu trời. Chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng của những ngôi sao, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta càng nhìn lên bầu trời, nó càng lấp lánh các vì sao. Quà tặng đó không chỉ dành riêng cho chúng ta! Chúng ta phải là một thách thức đối với mọi người; Xét cho cùng, bầu trời trải rộng trên tất cả mọi người. Là một bằng chứng rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu, điều đó thật đáng giá khi tìm kiếm Ngài. Đó là ý nghĩa của nội vi của chúng ta. Thinh lặng là một cách diễn tả đời sống ẩn dật của chúng ta. Thinh lặng vốn dĩ là “mặt khác của nội vi”; nó làm cho chúng ta có thể học được sự quan trọng và sức mạnh của lời. Lời của Thiên Chúa và lời của con người. Thế giới tràn ngập nhiều thông tin khác nhau, thường bỏ lỡ thông tin quan trọng nhất- rằng Thiên Chúa hiện hữu, Ngài nói với con người, rằng mỗi người đều được yêu thương, được mời gọi đến hạnh phúc, đến Sự sống viên mãn.

“Các đan sĩ tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách tuân theo những quy tắc của đời sống thuần chiêm niệm, bằng cách duy trì sự rút lui khỏi thế giới bằng nội vi và thinh lặng”; sống theo kiểu này, chúng ta không giữ nhiều giới luật khôn ngoan đến mức đã được thử nghiệm qua nhiều thời đại, nhưng chúng ta mở ra cho lời của Sự Thật vốn có thể biến đổi và thanh tẩy chúng ta, vốn có thể làm cho chúng ta ngày càng trở nên cách mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành. Người ta nói rằng đi du lịch thì mang tính giáo dục, nhưng ở đây, trong đan viện, chúng ta ở nguồn suối. Tôi nghĩ chúng ta giống như mảnh đất nơi dòng suối Lời Chúa tuôn trào. Nó có sức mạnh. Nước của nó thì chảy theo lòng dòng suối dần dần biết thành một dòng sông. Suối này được hình thành bởi Nước Hằng Sống. Chúng ta phải là một dòng suối được dẫn dắt bởi Lời Thiên Chúa. Để Lời Chúa uốn nắn chúng ta, để chúng ta có thể chảy vào thế giới. Và chúng ta sẽ được uốn nắn theo Ngài. Quá trình uốn nắn này kéo dài bao lâu và theo cách nào vẫn còn là một mầu nhiệm trong nghệ thuật của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đạt được mục tiêu của Ngài, chúng ta sẽ trở thành nhân chứng của Ngài, thậm chí chúng ta không nhận ra nó. Chúng ta sẽ tỏa sáng sự bình an.

Cuộc sống ẩn dật của chúng ta phải là một thách đố cho những người chán sự vội vã và hỗn loạn, bị dày vò bởi sợ hãi và lo lắng - một thách đố để thấy rằng có thể tạm dừng, để đi vào nội tâm; để thấy rằng có thể nhìn và nghe nhiều hơn những gì mà cuộc sống của thế giới hiện đại với tất cả những tiến bộ công nghệ tuyệt vời của nó đè nặng chúng ta.

Chỉ thị Verbi Sponsa nói rằng người ta không được giảm bớt các hình thức của cuộc sống chiêm niệm mà Giáo Hội biểu lộ cho thế giới tính siêu việt của sự chiêm niệm qua hành động, của những gì vĩnh cửu đối với những gì trần tục”. (x. Verbi Sponsa, 9).

“Đan viện tượng trưng cho những gì thân mật nhất với Giáo hội địa phương - Trái tim của đan viện nơi Thần Khí rên siết khẩn cầu cho toàn thể cộng đoàn và là nơi không ngừng vang lên lời tạ ơn vì Sự Sống mà Thiên Chúa gửi cho mỗi ngày”. (Verbi Sponsa, 8) Trong bài nói chuyện với các viện mẫu dòng Biển Đức năm 1980, Đức Giáo Hoàng Phaolo II đã nói: “ Lời cầu nguyện của đan viện…vốn dĩ là một dấu hiệu tỏa sáng trong đêm, một ốc đảo trong sa mạc của vỡ mộng và không hài lòng… Bằng lời cầu nguyện của mình, xuất phát từ đức tin vốn đã được trưởng thành trong một thời gian dài và nó đã được sống cách sâu sắc, nữ đan sĩ chiêm niệm… dường như đang nói với toàn bộ thế giới, khiêm tốn nhưng chắc chắn: “Tôi biết rằng Thiên Chúa tồn tại, rằng Ngài là Cha toàn năng và quan tâm, và tôi tin tưởng mạnh mẽ điều này. Tôi biết rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính Ngài trong Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, và tôi yêu Ngài dịu dàng. Tôi biết rằng Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh của Người và tôi trung thành theo Người.

Nhiều người, đặc biệt khi họ ở trong tình huống khó khăn, nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ. Họ khám phá ra sức mạnh của lời cầu nguyện. Nhiều người bắt đầu nhận ra sự cần thiết của lời cầu nguyện, nhiều người muốn học cầu nguyện. Và rồi thì, Đan viện trở thành một trường dạy cầu nguyện, như nó vốn dĩ vậy, những học sinh bên ngoài của nó học tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng nghe từng tiếng thở dài của chúng ta, Đấng tốt lành và giầu lòng thương xót. Tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa đã chuyển sang lòng trắc ẩn đối với anh chị em của chúng ta trong tình liên đới với họ, gần gũi họ, trong sự đón nhận người khác và đồng hành với họ. Nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng và thuyết phục mọi người rằng Thiên Chúa đến với họ với lòng xót thương và nhân hậu, sự tha thứ và niềm hy vọng. Chúng ta được kêu gọi trở thành gương mặt đầy tình người và lòng trắc ẩn của Giáo hội.

“Chính chúng ta đã biết và đặt niềm tin của mình vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta”. Đây là nguyên tắc cho câu trả lời về ơn gọi của chúng ta. Toàn bộ đời sống tu trì của chúng ta là về việc đáp trả tình yêu này. Tình yêu hỗ tương - chỉ có tình yêu như vậy - là hạnh phúc. Và nó là một lời chứng thuyết phục. Để đan viện có thể là một lời chứng và là một thách đố cho sự tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng là Sự Thật và Tình Yêu, chính chúng ta phải đón nhận thách thức mà đời sống ẩn dật dành cho chúng ta. Điểm 5 của Hiến Pháp Nền tảng định nghĩa lối sống của chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: “tìm kiếm Thiên Chúa với lương tâm trong sáng và niềm vui tình chị em, trong tinh thần tự do” diễn ra trong cuộc sống thường nhật, thường xuyên trong nhiều năm, khi chúng ta trải nghiệm sự yếu đuối của chúng ta và học cách kiên nhẫn chịu đựng nó. Đó không phải là một thách thức hàng ngày - “siêng năng làm việc, thiết tha truy tầm chân lý, chuyên chăm học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện liên lỉ, tự nguyện hy sinh, mưu cầu sự hiệp thông.." đó sao? Tất cả những điều đó nhằm mục đích không bị rơi vào cạm bẫy của sự tầm thường. Các đan sĩ đã được kêu gọi, bằng cả cuộc đời và sức lực của mình, tìm kiếm “, Đấng ngày nay làm cho chị em sống đồng tâm nhất trí trong cùng một nhà, tới ngày sau hết sẽ quy tụ đoàn dân riêng vào Thành thánh. Giữa lòng Giáo hội, sự tăng trưởng đức ái của chị em làm cho dân Chúa được phong nhiêu cách nhiệm mầu. Chính đời sống ẩn dật của chị em là lời loan báo mang tính cách ngôn sứ về Đức Ki tô là hạnh phúc duy nhất, ngày nay trong ân sủng và ngày mai trong vinh quang. (HP nền tảng số V).

Đs. Zdzislawa Szymczynska, OP