Nẻo đường tôi đi



Lễ Kính Thánh Luca, tác giả sách Tin mừng, ngày 18-10


"Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần" (Lc 10,9b).


Suy niệm:

Thuật ngữ “Triều Đại Thiên Chúa” xuất hiện trong Tân Ước tất cả 122 lần, 99 lần nằm trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, trong đó có 90 lần do chính miệng Đức Giêsu nói ra. Chúng ta có thể hiều rằng đây là một thuật ngữ rất quan trọng và gần gũi với chúng ta. Vậy Triều Đại Thiên Chúa hay còn gọi là Nước Trời là gì và ở đâu? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Nước Trời không phải là một khái niệm, một học thuyết, một chương trình để tự do xây dựng, nhưng trên hết là một con người có khuôn mặt và tên gọi là Giêsu thành Nadarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (RM 20). Thật vậy Công Đồng Vaticanô II định nghĩa: “Nước Trời được bày tỏ trước hết trong con người của Chúa Giêsu” (LG, số 5). Vậy có thể nói ở đâu có Chúa Giêsu là ở đó có Nước Trời. Chúa Giêsu đã mang Vương quốc từ trời xuống thế. Đó là một Vương Quốc của tình yêu như thánh Gioan tông đồ đã khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16). Như chúng ta đã thấy hành trình dương thế của Chúa Giêsu chỉ nói về tình yêu và sống chết vì yêu. Vì yêu con người mà Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, sống như một con người ngoại trừ tội lỗi. Ngài là ngọn lửa tình của Thiên Chúa, nên Ngài ước mong ngọn lửa tình mà Ngài đã mang xuống cháy bùng lên và sưởi ấm mọi tâm hồn. Ngài muốn tất cả mọi người đều được sống trong Vương Quốc tình yêu không trừ một ai. Thậy vậy, Vương Quốc tình yêu này mang đến cho con người tự do và hạnh phúc đích thực. Ngoài ra, Ngài đã mời gọi các Tông đồ và tất cả chúng ta không chỉ đến ở lại trong Vương Quốc của Ngài mà còn phải mang Vương Quốc tình yêu này đến với mọi người trên khắp toàn cầu. Đó là cách chúng ta giới thiệu Triều Đại Thiên Chúa cho mọi người.

Trong ngày mừng lễ thánh Luca, Giáo Hội đã cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng Lc 10, 1-9. Đây cũng là một lời nhắc nhớ chúng ta về lời mời gọi năm xưa của Chúa Giêsu. Ai trong chúng ta từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội cũng mang trong mình một dấu ấn thiêng liêng với một sứ vụ mới đó là sứ vụ của một ngôn sứ. Mà ngôn sứ là người được Chúa sai đi nói lời của Ngài. Sứ mạng của một ngôn sứ là đón nhận và chuyển trao lời được ủy thác một cách trung thành và trọn vẹn, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. …Thi hành sứ vụ ngôn sứ luôn đòi hỏi một sự dấn thân lớn lao vượt sức con người. Như gương thánh sử Luca, một người ngoại giáo gốc Hy Lạp đã dùng hết khả năng của mình vào công cuộc loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người, đặc biệt là những người ngoại giáo nơi quê hương của ngài. Ai trong chúng ta cũng biết ngài đã gặp rất nhiều khó khăn và chống đối trên hành trình rao giảng Tin mừng. Nhưng không phải vì vậy mà ngài đã khước từ sứ vụ của mình mà hơn nữa ngài đã rất hăng say. Ngài đã dùng chính những khả năng Chúa ban cho ngài trong tầm mức có thể để giới thiệu hình ảnh của một Thiên Chúa giàu lòng thương xót đến cho từng đối tượng phù hợp với khả năng đón nhận của họ.

Vậy mỗi người chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và của Giáo hội như thế nào trong hoàn cảnh sống của mỗi người chúng ta? Đây là một câu hỏi để mỗi người chúng ta cật vấn chính mình mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là quá khó. Thật vậy, khi đọc lại các Tông hiến của vị Cha Chung của Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận ra các phương thức mà mỗi người có thể thực hiện được trong khả năng của mình.

Với một người Đan sĩ như tôi, tôi cũng thao thức rất nhiều về sứ vụ của mình trong Giáo hội. Và rồi tôi đã được nghe ĐTC Phanxico nói về phương thức thi hành sứ vụ của người đan sĩ trong buổi tiếp kiến chung ngày 26-4-2023, trong loạt bài Giáo lý về loan báo tin mừng, Bài 12: Đời sống đan tu và sức mạnh chuyển cầu. Ngài đã nói như sau: “Lời cầu nguyện không ngừng của các đan sĩ là một sức mạnh vô hình nâng đỡ sứ mạng của Giáo hội. Các đan sĩ nhắc chúng ta về trách nhiệm cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội bằng lời chuyển cầu. Trái tim của đan sĩ như ăngten đón nhận mọi sự việc của thế giới để cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới. Như thế họ sống hiệp thông với Thiên Chúa và mọi người. Một trong các đan sĩ đã viết: “Tôi tự nguyện gánh lấy mọi lỗi lầm, từ lỗi của người cha đầu tiên cho đến lỗi của những hậu duệ cuối cùng của ông”. Và như Chúa Giêsu đã làm họ mang lấy trên mình những vấn đề của thế giới, những khó khăn, bệnh tật… rất nhiều điều và họ cầu nguyện cho những điều này. Đây là những người loan báo Tin mừng vĩ đại”. Qua đó, tôi cũng ý thức hơn về ơn gọi và đời sống cầu nguyện của mình trong nơi tĩnh lặng của đan viện.

Với tâm thế của người mục tử, các linh mục và các tu sĩ nam nữ là những người đang sống trong hành trình truyền giáo. Hơn ai hết họ là những cánh tay nối dài của vị mục tử tối cao là Đức Giêsu. Tuy nhiên, để có được trái tim của người mục tử như lòng Chúa mong ước, các ngài cần theo sát Thầy Giêsu trong đời sống cầu nguyện và kín múc nơi Trái tim Chúa sức mạnh của tình yêu trao hiến và phục vụ đoàn chiên. Như Đức thánh Cha Phanxico đã mời gọi các mục tử hãy thích mùi chiên, mang lấy mùi chiên. Muốn mang lấy mùi chiên các linh mục phải ở với chiên, sống với chiên, đi với chiên… chỉ khi thích mùi chiên, mang lấy mùi chiên, các ngài mới thực sự phục vụ đoàn chiên một cách hiệu quả. Các linh mục phải là “những người có khả năng biết sống, biết cười và khóc với anh chị em giáo dân của mình, nói một cách dễ hiểu, biết giao tiếp với họ (Bài giảng trong Thánh lễ Truyền dầu vào ngày 28 tháng 3 năm 2013).

Với đời sống thường nhật của một người tín hữu thì chúng ta có muôn vàn cách thế để đem giá trị Tin mừng vào trong cuộc sống, nhất là trong thời đại này. Chẳng hạn như tuyên xưng lòng tin của mình trước đám đông, sống ngay thẳng không gian dối, giúp đỡ mọi người, sống bác ái yêu thương… Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói: “Như vậy, ‘thế giới’ trở thành nơi chốn và phương tiện để người tín hữu chu toàn ơn gọi Kitô hữu của họ, vì chính thế giới được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô… Địa vị của người tín hữu giáo dân, do đó, được định nghĩa như một cách cơ bản bởi sự mới mẻ của họ trong đời sống Kitô hữu và được phân biệt bởi tính chất trần thế của họ (Eschenauer, Donna M. and Horrell, Harold Daly, Eds. Reflections on Renewal: lay Ecclesial Ministry and the Church. Collegeville, MN: liturgical Press, 2011).


Vậy tất cả chúng ta không trừ một ai đều có thể đi vào thế giới này với một sứ vụ chung là nói cho toàn thể nhân loại biết rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” bằng chính cuộc sống hiện tại với ơn gọi riêng của mình. Để làm được điều này chính chúng ta phải có Triều Đại Thiên Chúa ngay trong tâm hồn của mình. Quả thật, một tâm hồn có Chúa Giêsu hiện diện là nơi có tình yêu ngự trị. Chúng ta không thể cho ai đó cái gì mà chúng ta không có. Nếu như trong tâm hồn ta có Chúa ngự trị, thì khi gặp gỡ người khác chúng ta sẽ nói những lời của Chúa, chúng ta sẽ nhìn cái nhìn của Chúa, và làm những gì Chúa đã làm, lúc đó không còn phải là chúng ta làm nữa mà là chính Chúa Giêsu làm trong chúng ta.Với đôi mắt mà chúng ta luôn chăm chú nhìn về Chúa, thì khi mọi người nhìn chúng ta họ sẽ nhìn thấy Chúa trong chúng ta. Và nếu như lòng trí chúng ta hướng về Chúa thì khi gặp gỡ người khác chúng ta sẽ nói về Chúa cho họ một cách dễ dàng, bởi vì lòng có đầy miệng mới nói ra. Quả thật, nếu chúng ta sống mầu nhiệm Nước Trời trong chính cuộc sống của chúng ta bằng cách sống yêu thương, vị tha, đón nhận đồng cảm với mọi người xung quanh, thì đó là một bài giảng về Nước Trời tuyệt vời nhất. Lời giảng đẹp nhất đó là bài giảng của cuộc sống chứ không phải là bài giảng hùng hồn trên bục giảng hay những bài triết lý cao siêu. Thánh Phanxico đã giảng bằng chính cuộc bách bộ trên đường và nói chuyện với mọi người mà thánh nhân gặp gỡ để nói về công việc và câu chuyện cuộc đời của họ, ngài đã coi đó là bài giảng. Thật vậy ai trong chúng ta cũng có những bài giảng cuộc đời để mang Nước Trời đến cho người khác ngay trong cuộc sống với ơn gọi hiện tại của mình.


Cầu nguyện

Lạy Chúa! Triều Đại của Chúa là Triều Đại của tình yêu và hạnh phúc. Nhìn vào thế giời của ngày hôm nay, con thấy còn nhiều người chưa nhận biết và chưa thực sự được sống trong Triều Đại của Chúa. Con hằng ao ước tất cả nhân loại này nhận biết Chúa và tin vào Chúa để họ được sống hạnh phúc trong tình yêu của Chúa. Nhưng làm sao họ có thể nhận biết Chúa nếu như không có người nói về Chúa cho họ. Lạy Chúa! con tự nguyện dâng chính cuộc đời con cho Chúa để góp phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Con đặc biệt dâng lên Chúa các bạn đồng bào quê hương con chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa ban cho Giáo hội có những nhà truyền giáo nhiệt tâm. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ các ngài, nhất là những nhà truyền giáo đang ở những nơi khó khăn, thử thách, xin cho các ngài luôn được sức mạnh tình yêu của Chúa đồng hành. Amen