Linh mục- Thiên thần trần thế



_Đs. M. Gabriel. OP_

Con góp nhặt tất cả những tâm tình, ánh nhìn, ấn tượng, niềm vui, và suy tư của con kết thành một bó hoa tri ân để dâng lên Chúa Giêsu - Linh Mục tối cao. Nhiều cảm nghiệm đã xuất hiện nơi con, khi con chiêm ngắm thiên chức linh mục và càng chiêm ngắm con càng thêm lòng yêu mến, và hết sức kính trọng vị thiên thần của Chúa trên trái đất. Chúa đã ban cho Linh mục chức năng tỏa chiếu ánh “Mặt Trời” là phân phát các ân sủng cao vời tuyệt diệu của Chúa! Thật vậy, linh mục là vị đại diện cho Đức Kitô trên trần thế.

Trong đời sống chiêm niệm thì thánh lễ, trong đó việc cử hành bí tích Thánh Thể, là hành vi thờ phượng ở mức độ cao nhất. Một vị thánh trong Dòng đã nói: “Thánh lễ là công trình cao cả nhất của việc chiêm niệm”. (Thánh Vincent Ferrer, The Angel of the Judgment). Thật vậy, trong thánh lễ, chính Đức Kitô hiện diện trong con người của linh mục để hiệp dâng hy tế của mình với toàn thể Giáo Hội, hữu hình và vô hình, trên trời, dưới đất. Thêm vào đó, thánh lễ cũng nói về sự nghỉ ngơi diễm phúc bằng cách dạy cho con người biết tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha trên trời và tình phụ tử của Người dành cho các linh hồn. Nơi thánh lễ, chúng ta được kết hợp liên lỉ với Thần Khí, Hơi thở, Sự sống của Thiên Chúa.

Liên quan đến việc cử hành Phụng vụ tại Đan viện, một cách đặc biệt, con muốn gửi đến quý cha Anh của con tại tu viện thánh Martino tâm tình chân thành tri ân sâu xa. Khởi đầu đan viện chỉ có vài ba chị em, rồi “lớn lên” mười mấy chị thì quý cha vẫn luôn đảm bảo cho chúng con được hiệp dâng Thánh lễ hàng ngày. Các ngài đã chăm lo cho đời sống thiêng liêng của chị em trong đan viện để chúng con luôn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và "Bánh Hằng Sống", làm cho linh hồn chúng con được nên giàu có và phong phú hơn mỗi ngày. Tạ ơn Thiên Chúa đã thương cho con được sống trong ơn gọi chiêm niệm trong Dòng Giảng Thuyết. Với sứ vụ giảng thuyết thánh, Thiên Chúa đã ban cho quý cha Dòng của con có biệt tài dọn các bài giảng như người chuẩn bị những món ăn ngon trong một bữa tiệc, giúp con tăng sức khỏe thiêng liêng. Quý cha Anh của con, với nhiều phong cách giảng, như một bó hoa đầy hương thơm tình yêu, liên lỉ làm thơm ngát chân tòa Chúa. Lời giảng của quý cha luôn nhắc nhở chị em về sứ vụ của đan sĩ Dòng Giảng Thuyết là luôn có lòng thương cảm và chia sẻ những ân huệ của Thiên Chúa theo gương cha thánh Đa Minh, bằng cách cưu mang các tội nhân, những người bị áp bức và đau khổ trong cung lòng trắc ẩn như cha Thánh. (HP. 35,I )

Trong Thánh lễ, ngoài việc tham dự bàn tiệc Lời Chúa thì chị em còn được dưỡng nuôi bởi Mình Máu Thánh Chúa. Thánh lễ là nơi chúng ta kín múc những năng lực cần thiết cho cuộc sống từ suối nguồn không thể cạn của Thánh Thể. Là một đan sĩ, giờ phút trọng đại nhất cuộc đời con là giờ phút hiệp lễ. Con khao khát từng lần, nỗi khao khát ngập lút linh hồn con mỗi khi được hiệp lễ. Bánh Thánh Hằng Sống trao ban cho con sức mạnh và can trường - Bánh Thánh Hồng Phúc - Êm dịu của tâm hồn - Ngọt ngào của trí khôn con, ẩn chứa thần dược chữa lành mọi yếu đuối của con. Đó cũng là niềm cậy trông độc nhất của con giữa mọi đau khổ trong cuộc sống, giữa khắc khoải và chán chường, giữa tăm tối và chiến tranh thù hận đang lan tràn khắp thế giới. Thánh thể được ví như phương thuốc bất tử, thuốc giải độc chống lại sự chết, và là sự sống vĩnh cửu trong Chúa Giêsu Kitô ẩn chứa tình yêu của Trái tim rất dịu dàng Chúa Giêsu dành cho con. Bởi vì, chỉ với ơn thánh của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Ngài trong con và cho con, con mới có thể thực thi giới răn của Ngài, và như thế, trở thành “bạn thân tình” của Đức Kitô. Ôi! Bánh Thánh Hồng Phúc, con tín thác vào tình thương của Chúa. Thiên Chúa là Cha của con và con là con nhỏ của Người.


Ngoài những ân sủng nơi Thánh Thể, Chúa còn ban cho chị em chúng con quý cha giải tội thường xuyên mà Chúa biết chúng con thụ ơn rất nhiều. Trong đời sống chiêm niệm, Hội Thánh đã ban cho người đan sĩ một sự trợ giúp quan trọng trong bí tích Hoà Giải. Thật vậy, đây là bí tích không thể thiếu trong đời sống chiêm niệm vì các đan sĩ vẫn là những tội nhân phải sống trên cõi đời này. (Thomas Philippe, OP, Đời sống chiêm niệm, tr. 141). Nơi bí tích Hòa giải, chị em được chữa trị, được băng bó và chữa lành những bệnh tật thiêng liêng. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích của Ân Sủng và Lòng Tha Thứ vì Chúa quá yêu nhân loại. Đó là tặng phẩm của Lòng thương xót vô biên. Ngài đã dùng “thầy thuốc tâm hồn” là các linh mục thừa tác để giúp chẩn đoán và chữa lành tâm linh người tín hữu. Thật vui mừng khi được Đức Kitô công bố lời tha thứ qua vị linh mục đại diện cho Thiên Chúa và Giáo Hội.

Trong khi các thiên thần bản mệnh là những đấng vô hình Chúa ban để bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn con người một cách âm thầm, thì các linh mục cũng làm nhiệm vụ như các thiên thần là chăm sóc, khuyên bảo, dạy dỗ con người. Do đó, con rất thích gọi các ngài là “Thiên thần của trần thế”. Trước khi cha thánh Đa Minh qua đời, ngài đã ủy thác các nữ đan sĩ như thành phần của cùng một Dòng cho sự chăm sóc huynh đệ của các con cái ngài” (LCM 1,I ). Từ khi “hạt giống Đan viện Đa Minh” được gieo vào mảnh đất quê hương Giáo hội Việt Nam cho tới nay, nhờ sự chăm sóc và đồng hành của quý cha Anh, hạt giống ấy đã và đang “lớn lên” từng ngày trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha Đa Minh rất kính yêu của con chắc hẳn vui lắm vì ước nguyện của cha thánh đã được thành toàn. Qua điều này, chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dành cho Đan viện chúng con khi Người cho chúng con được hưởng sự chăm sóc thiêng liêng, dồi dào từ quý cha Anh trong Dòng.

Lạy Thiên Chúa, chính Ngài đã đổ hồng ân xuống chúng con, cũng chính Ngài mới biết những lời cảm tạ, tri ân làm sao cho xứng. Lòng thương xót là bản tính của Chúa. Con xin đặc biệt gửi gắm cho Chúa: quý cha tới dâng lễ cho Đan viện, quý cha giải tội và những cha giảng huấn cho chúng con. Con xin Chúa ban phúc lành và ánh sáng đặc biệt cho các linh mục mà con sẽ đến cáo mình trong toà giải tội trong suốt cuộc đời con. Xin Chúa ban sức mạnh cùng quyền năng và ánh sáng của Chúa cho quý cha để các ngài dẫn dắt chúng con trên đường cứu độ. Xin Chúa cũng ban cho quý cha đầy ơn Chúa Thánh Thần và các nhân đức của Chúa, để các vị bừng lên lòng nhiệt thành làm vinh danh Chúa.

Lớp học tình thương


Tầm quan trọng của việc học trong đời sống chiêm niệm!

Việc học hành là một trong bốn cột trụ quan trọng của người tu sĩ Đa minh, nên ngay từ những thời kỳ đầu, các anh chị em trong Dòng đã được cha thánh Đa Minh khuyến khích nỗ lực học tập để đào sâu thêm sự hiểu biết về Thiên Chúa, giáo lý và các giáo huấn của Giáo hội. Thực vậy, thánh Đa Minh coi việc học hành là một phần chính yếu trong sứ vụ giảng thuyết. Việc học dường như không thể thiếu đối với người tông đồ, đặc biệt là người mang lấy trong mình sứ vụ “giảng thuyết thánh”. Thêm vào đó, sứ vụ giảng thuyết thánh của người Đa Minh lại không thể tách rời khỏi chiều kích chiêm niệm như đã được khẳng định trong câu châm ngôn: “Chiêm niệm và chia sẻ cho người khác điều mình đã chiêm niệm”. Một người Đa Minh càng có tinh thần chiêm niệm bao nhiêu thì nhu cầu trở thành thần học gia càng lớn bấy nhiêu. Hay nói cách khác, một đời sống càng kết hợp mật thiết với Chúa thì càng thấy cần thiết phải học hỏi nghiên cứu nhiều hơn về Chúa. Như một thành viên trong gia đình Đa Minh, người nữ đan sĩ cũng không xa cách với tinh thần đó.

Mặc dù người nữ đan sĩ không học để trở thành một thần học gia và chức năng của việc học trong đời sống đan sĩ cũng không giống các anh chị em của mình là những nhà giảng thuyết nhưng nó vẫn hữu ích cho đời sống chiêm niệm. Cha Thomas Philippe, OP đã so sánh việc học như một rào chắn hay như một vật đệm giữa thế giới bên ngoài và đời sống nội tâm. Nó thanh luyện tâm trạng bồn chồn bị khuấy động do tiếp xúc với thế gian và giúp người đan sĩ quay lại với đời sống chiêm niệm. Ngoài ra việc học thần học cũng mang lại sự thánh hóa nhất định cho trí tuệ của người đan sĩ. Nói cách khác, thần học tập cho chị đan sĩ quen dần với cách quy hướng toàn bộ trí tuệ của chị về Chúa và tập nhìn mọi sự trong ánh sáng siêu việt của Chúa. Như vậy trong khi chú tâm học tập, người đan sĩ hướng toàn bộ tâm trí của chị về Chúa và luôn sống trong sự hiện diện của Ngài.

Với những ích lợi cụ thể và thiết thực như vậy, thánh Đa Minh và anh em dòng giảng thuyết trong thời kỳ đầu đã khôn ngoan đưa việc học hành vào Hiến pháp của các nữ đan sĩ của dòng như một định hướng giúp các chị em kiên trì, trung tín tìm kiếm chân lý thánh và sự hiểu biết Thiên Chúa qua việc học các môn Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo hội, các giáo phụ và các môn thần học khác. Bởi vì, ưu tiên hàng đầu đối với học vấn Đa Minh là học hiểu Lời Chúa được mạc khải qua Thánh Kinh, Thánh Truyền, thế giới tự nhiên và qua sự mạc khải tròn đầy nhất nơi chính thân mình Chúa Kitô.Thật vậy, trong Hiến pháp các nữ đan sĩ dòng giảng thuyết, việc học hành được dành 3 số từ 100 đến 102 để bàn về tầm quan trọng của việc học các môn thánh khoa và những hướng dẫn để chị em thực hành việc học như một nếp sống kỷ luật độc đáo của Dòng.

Kể từ ngày thiết lập, đan viện Đa Minh đã nỗ lực thực hành những điều được quy định trong Hiến pháp và Chỉ nam qua việc tổ chức các lớp học thường xuyên, các buổi thường huấn, cũng như qua việc thảo luận và chia sẻ trong cộng đoàn. Ngoài ra, tinh thần tự giác, tự nguyện dành thời gian riêng cho việc học hành cũng được đan viện lưu tâm khuyến khích hầu mong muốn chị em có thể thu được nhiều lợi ích từ việc học như nguồn mạch phong phú nuôi dưỡng đời sống chiêm niệm. Để làm được điều này đan viện không thể tự mình nỗ lực mà đạt được kết quả, nhưng đã nhận được sự trợ giúp của rất nhiều người.

Tri ân quý Cha Giáo thuộc tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam


Trước hết, chúng con xin tri ân quý cha giáo thuộc tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, đặc biệt là các cha giáo đang làm việc và giảng dạy tại trung tâm học vấn Đa Minh Việt Nam. Mấy đợt mỗi năm, đan viện chúng con đã nhận được rất nhiều sách báo, tạp chí mà quý cha, quý thầy gửi tặng. Đó là những công trình nghiên cứu mới nhất, những suy tư, những tác phẩm dịch thuật với biết bao tâm huyết của quý cha, quý thầy. Chúng con rất hãnh diện và chia sẻ niềm vui với quý cha, quý thầy vì những đứa con tinh thần của các ngài lần lượt được ra đời và đã đóng góp một cách thiết thực cho đời sống trí thức của Giáo hội Việt Nam. Những tác phẩm này cũng giúp ích rất nhiều cho chị em chúng con trong việc cầu nguyện, suy gẫm, học tập và nghiên cứu. Có vị không những chỉ gửi sách báo như đã nói trên mà bất cứ khi nào chúng con cần tìm tài liệu gì thì cũng sẵn sàng và nhanh chóng gửi cho chúng con để hỗ trợ việc học tập và tìm hiểu của chúng con.

Bên cạnh việc gửi tài liệu, sách vở thường xuyên để chúng con được cập nhật các kiến thức mới nhất, một số cha giáo cũng tham gia tư vấn về chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy chúng con. Một số vị vì tuổi cao và ngăn trở về sức khỏe nên thực hiện các lớp học qua các phương tiện truyền thông. Nhớ thời gian đầu, vì chưa được rành rọt về kỹ thuật, các lớp học gặp bao nhiêu vấn đề về âm thanh, đường truyền internet… Tuy nhiên, các bất tiện trên không hề làm các cha giáo phàn nàn điều gì mà vẫn hăng say nhiệt tình dạy dỗ chúng con hết môn học này đến môn học khác. Sự nhẫn nại đó làm chúng con rất cảm kích và biết ơn.

Có vị, mặc dù là một giáo sư có tên tuổi lớn với biết bao công việc bận rộn nhưng vẫn dành cho đan viện mỗi tuần 2 tiếng đồng hồ để dạy học một cách đều đặn. Trong lớp học của cha, chúng con được thoải mái đặt các câu hỏi và những thắc mắc không những chỉ trong môn học cha dạy mà còn ở nhiều vấn đề khác mà chúng con chưa hiểu. Sở dĩ chúng con có thể tự nhiên thoải mái như vậy là vì cha giáo luôn kiên trì lắng nghe và trả lời các câu hỏi của chúng con. Hơn nữa, ngài không bao giờ chê trách chúng con đặt câu hỏi gì mà nghe ngớ ngẩn, vụn vặt. Ngược lại, thỉnh thoảng, ngài còn khen ngợi chúng con đã biết đặt ra được những vấn đề mà cho đến hiện nay các nhà thần học thực thụ vẫn còn đang tranh cãi. Chính những điều đó đã khuyến khích chị em chúng con càng hăng say học tập và tìm tòi hơn.

Một số vị khác, dù là ở Sài Gòn xa xôi vẫn không ngại đi xe máy đến Đan viện để dạy học mỗi tháng một lần và trở về trong ngày. Chúng con biết rằng việc di chuyển xa như vậy với khí hậu và đường phố ở Việt Nam nhiều nắng gió và bụi bặm là một hy sinh rất lớn của các vị. Càng ý thức như vậy chúng con càng trân trọng công lao của các vị dành cho chúng con. Thêm vào đó, lần nào đến dạy học, quý cha cũng mang quà cho chúng con. Thật đúng là “vừa dạy vừa dỗ”, “vừa bảo vừa ban”. Chúng con thực sự rất biết ơn, trân trọng tấm lòng của quý cha cũng như rất ngưỡng mộ sự dấn thân và hy sinh của các ngài.

Tri ân quý cha giáo ở tu viện thánh Martino


Tiếp đến chúng con cũng xin tri ân đến quý cha giáo ở tu viện thánh Martino, Hố Nai là những người anh em mà Chúa đã yêu thương quan phòng sắp xếp cho chúng con được ở gần nhà. Và vì vậy, các ngài cũng đã hết lòng giúp đỡ chúng con. Ngoài việc các cha đến Đan viện dâng thánh lễ mỗi ngày, một số cha giáo cũng trợ giúp việc đào tạo sơ khởi cho các chị em trẻ bằng việc giảng dạy một số môn học có tính chất quan trọng và cơ bản như Kinh Thánh, thần học nhập môn, linh đạo dòng Đa Minh…Chúng con rất cảm kích tấm chân tình của quý cha giáo bằng sự kiên trì dạy dỗ chúng con trong một thời gian rất lâu dài. Vì thời gian biểu dành cho việc học vào các buổi chiều tương đối ngắn (chỉ có hai tiết mỗi tuần) nên thời gian của một môn học bị kéo ra khá dài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quý cha phải mất công di chuyển rất nhiều. Mỗi người chúng con bước từ tu phòng ra phòng học chỉ mất 2 phút, còn quý cha thì phải di chuyển trên 20 phút giữa trời nắng nóng vừa lúc qua trưa. Để dạy chúng con, các ngài đã phải hy sinh giờ nghỉ ngơi buổi trưa của các ngài. Vậy mà, dù trời nắng, trời mưa, các ngài vẫn đều đặn đến lớp và dường như không bao giờ bỏ buổi dạy nào chỉ vì sự thất thường của thời tiết. Ngay cả khi không được khỏe, các ngài vẫn cố gắng vượt qua sự bất tiện đó để đến dạy chúng con. Có những lần đi trên đường xe bị trục trặc, có vị đã phải dắt xe máy đến lớp rồi tan lớp học lại phải dắt xe đi sửa. Những lúc như vậy, có lẽ phải rất trễ các cha mới về được đến tu viện. Chúng con thấy quý cha yêu thương chăm sóc chúng con không quản chi đến ngày dài tháng tháng rộng với biết bao hy sinh như vậy làm chúng con thật sự vô cùng cảm kích và tri ân.

Nhắc đến chuyện xe cộ đi lại, bất giác chúng con nhớ đến một câu chuyện nhỏ vui vui mà một cha giáo đã kể cho chúng con nghe. Chuyện là trên đường cha đi dạy học về thì bị một chú công an giao thông “thổi còi” vì một lỗi nhỏ nào đó. Chú công an này biết cha là một linh mục nên mới hỏi cha đi đâu mà về muộn như vậy? Khi nghe cha nói là mới đi dạy lớp học tình thương về thì anh ta “tha” cho cha đi ngay. Thật là, ngay cả một người xa lạ cũng cảm được sự tận tụy của cha giáo huống chi là chúng con. “Lớp học tình thương”. Đó là một cụm từ thật dễ thương mà cũng rất đúng với lớp học của chúng con. Nó đúng nhất là vì lớp học này nhờ tình thương mà được hình thành. Thứ đến là vì quý cha cũng chẳng nhận được công lênh chi từ việc miệt mài giảng dạy. Đối với những cha dạy online, ngay cả một ly nước chúng con còn không có cơ hội để mời các ngài. Nếu tính công lênh thì chúng con tin rằng chỉ có Chúa - Đấng thấu suốt mọi sự - mới trả cho quý cha không những đầy đủ mà còn dư dật. Còn người phàm như chúng con thì có trả cũng không bao giờ cho vừa cho đủ. Anh công an nọ chắc đã thấu hiểu chuyện này nên chẳng nỡ “phạt” cha dù anh ta đã “thổi còi”.

Người ta hay nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Còn chúng con khi nhớ đến công ơn của quý cha giáo đã bỏ ra để dạy dỗ, vun đắp cho chúng con thì chúng con lại thấy nên nói là: “Tiên học nhân đức, hậu học kiến thức”. Khi học với quý cha, chúng con thấy mình nhận được kiến thức có khi chỉ được 7-8 phần nhưng học được từ nhân đức của quý cha đến 9-10 phần. Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Chúng con thấy hình ảnh đó thật sống động nơi cuộc đời đầy tinh thần cống hiến của quý cha. Khi các vị hàng ngày âm thầm hy sinh trong sự nghiệp giáo dục là mỗi lúc một “chết đi” trong các lao nhọc, dấn thân, quên mình để mong hoa trái được trổ sinh nơi chúng con là những thế hệ học trò hậu bối.


Tri ân quý chị Liên hiệp Cát Minh Việt Nam


Vào năm 2022, đại dịch covid bùng phát tại Việt Nam. Vì chịu ảnh hưởng của đại dịch với các quy định nghiêm ngặt về cách ly, các lớp học của chúng con cũng bị ngưng trệ một thời gian. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn đó, Chúa chẳng để cho chúng con thiếu thốn của ăn tinh thần lâu. Ngược lại, Chúa lại tỏ ra cực kỳ yêu thương chúng con thông qua một nghĩa cử cũng vô cùng dễ thương và quảng đại của quý chị Liên hiệp Cát Minh Việt Nam.

Qua sự giới thiệu của một cha giáo dòng Đa Minh, chúng em có cơ duyên được quen biết với quý chị Liên hiệp Cát Minh và chương trình học online của các chị qua Zoom. Đó là một chương trình đào tạo dành cho các đan sĩ ở thời kỳ huấn luyện sơ khởi được soạn thảo một cách có hệ thống và chất lượng mà chúng em đã mơ ước từ lâu. Dù chúng em không ở trong cùng một liên hiệp, các chị Cát Minh vẫn hết lòng quảng đại chia sẻ cho chúng em các môn học các chị đã học. Hồi đầu, chúng em chỉ theo dõi lại các môn học đã được các chị ghi hình. Sau này, khi đã dạn dĩ hơn, chúng em được các chị cho phép tham gia trực tiếp học cùng các chị trong phần chương trình đào tạo còn lại mà các chị đã có kế hoạch. Thêm vào đó, trong suốt thời gian học, các chị Cát Minh còn luôn chủ động liên lạc với chúng em để thường xuyên cập nhật lịch học và tài liệu. Các chị đã xem chúng em không khác gì một thành viên trong liên hiệp của các chị mặc dù chúng em chỉ là những người “học ké”. Từ khi học chung với các chị, chúng em có cơ hội được mở rộng kiến thức về nhiều môn thánh khoa khác nhau với nhiều cha giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau. Đây thật sự là một ân phúc, một món quà rất lớn mà các chị đã chia sẻ với chúng em trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. Dựa trên một chương trình đào tạo bài bản như vậy, chúng em vừa học, vừa bổ sung các môn học còn thiếu, lại vừa “để dành” cho các em thuộc thế hệ sau có thể dùng để học nữa.

Chúng em nhớ lại trong một buổi học, một cha giáo nọ có nói hai dòng Cát Minh và Đa Minh có chung một chữ “Minh”, có lẽ nên hợp thành “liên minh”. Ý tưởng này của cha thật dí dỏm mà cũng phản ánh được tình yêu thương của quý chị khi cho phép chúng em được liên đới với quý chị trong việc học các môn học thánh. Nhờ đó, chúng ta cũng liên đới với nhau trong tình yêu mến Chúa và dấn thân trong ơn gọi đặc biệt của đời sống chiêm niệm. Thật không sao có thể nói hết lời để tạ ơn Chúa và bày tỏ lòng cảm kích tri ân của chúng em đối với quý chị. Được quen biết với quý chị thật là một cơ may tuyệt vời như một ngôi sao sáng trong bầu trời “covid” đầy ảm đạm.

Nhờ đại dịch và sự cách ly mà các lớp học online phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển này đã trợ giúp đan viện rất nhiều trong việc học tập trong bối cảnh cách ly và hậu cách ly. Thật ra, dù có trong đại dịch hay không thì bản chất của đời đan tu đã có “sự cách ly” với thế giới bên ngoài bởi nội vi Giáo hoàng. Các đan sĩ không dễ dàng thường xuyên đến các trung tâm học vấn như các tu sĩ khác, trừ những trường hợp đặc biệt. Do đó, trong nền văn hóa kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông có thể được xem là hữu ích cho việc đào tạo miễn là cần phải biết phân định khôn ngoan để các phương tiện ấy thực sự phục vụ cho việc đào tạo đời sống chiêm niệm và những thông tin cần thiết. (Đức Thánh Cha Phanxicô, tông hiến Vultum Dei quaerere, ngày 29-6-2016, số 34). Qua việc này, chúng con càng nghiệm thấy Chúa luôn có cách làm mọi sự được sinh ích lợi cho người Chúa thương.



Tri ân quý chị Bề trên, chị Giáo, chị Quản lý của Đan viện


Cuối cùng là những người em trong mái nhà Đan viện thân yêu, chúng em xin hết lòng tri ân quý chị Đan viện trưởng, quý chị Giáo, chị Quản lý là những vị đã đồng hành với chúng em trong việc học hành. Khi học với quý chị, không những chúng em được học những kiến thức cần thiết của đời đan tu mà còn được quý chị chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong tương quan với Chúa và với người khác của chính quý chị. Sự tận tụy, quảng đại, hy sinh và hết lòng lo cho thế hệ tương lai của quý chị đã biểu lộ trọn vẹn tấm lòng từ mẫu với trách nhiệm cao cả mà Chúa đã đặt để nơi quý chị. Chúng em cảm nhận được tấm lòng cao cả đó khi cùng chung sống với quý chị mỗi ngày. Cũng nhờ quý chị lưu tâm, sắp xếp với quý cha giáo mà các lớp học, các buổi thường huấn của đan viện được tổ chức đều đặn. Không những thế, về các tài liệu sách vở và các điều kiện học tập khác, chúng em cũng được quý chị lo liệu không phải thiếu thốn bất cứ điều gì. Chúng em ý thức rằng đằng sau sự đầy đủ về vật chất này là sự đóng góp tài chính của biết bao vị ân nhân của Đan viện, đặc biệt là những vị có tấm lòng hỗ trợ cho quỹ ơn gọi. Trên hết, sau tất cả những gì mắt chúng em nhìn thấy được là bàn tay quan phòng của Đấng Yêu Thương vô hình nhưng vẫn hằng hiện diện và biểu lộ sự chăm sóc đầy dịu dàng của Ngài.

“Ngày lại ngày con xin chúc tụng Chúa
và kể lại những kỳ công Chúa thực hiện” (Tv 44).


Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Đan viện tự trị (2014-2024), chúng con có cơ hội nhìn lại những chặng đường đã qua một cách sâu sắc hơn. Đây là một dịp thật ý nghĩa để chúng con dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì Ngài đã dìu dắt Đan viện chúng con qua biết bao người đã yêu thương đồng hành với chúng con. Nhờ sự dạy dỗ, bảo ban của quý cha giáo, chị giáo, qua việc học các môn học thánh, chúng con liên lỉ kín múc được nguồn mạch tri thức của Giáo hội để nuôi dưỡng cho đời sống chiêm niệm. Nhờ đó chúng con hiểu biết về Chúa hơn và ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Trong tâm tình tri ân, chúng con hoan hỷ kể lại đây những kỳ công Chúa đã làm trên Đan viện nhỏ bé của chúng con qua những cánh tay nối dài của Chúa. Đó là quý cha Giáo, chị Giáo, quý chị thuộc liên hiệp Đan viện Cát Minh và rất nhiều thân nhân, ân nhân hằng âm thầm, quảng đại dành nhiều hy sinh lớn lao để ngày đêm gieo những hạt mầm trí thức về Chúa, về Giáo hội và tinh thần Dòng nơi trí óc và tâm hồn của chúng con.

Để kết thúc chúng con xin được một lần nữa gói ghém tâm tình tri ân trong một bài thơ nhỏ kính tặng quý cha giáo, chị giáo, quý chị thuộc liên hiệp Đan viện Cát Minh và rất nhiều thân nhân, ân nhân đã giúp đỡ chúng con trong việc học hành. Nguyện xin Thiên Chúa quảng đại ban muôn ơn lành hồn xác trên quý vị. Chúng con xin nguyện ghi tạc công ơn của quý vị nơi đáy lòng mình và nỗ lực học tập để báo đáp công ơn quý vị đã dành cho chúng con.

Ơn ai một chút chẳng quên,
Tình ai một chút khắc ghi đáy lòng.
Lời cảm ơn nói ra phút chốc,
Tình tri ân chôn giấu trong tim.

Suy đi ngẫm lại trong lòng,
Mười năm tròn ấy biết bao là tình!
Ân tình Chúa cao xa như núi,
Nghĩa tình người dài rộng như sông.

Ai đong ai đếm thỏa lòng,
Chữ ân, chữ nghĩa, chữ thương, chữ tình!

Tài liệu tham khảo

1. The Four Pillars of Dominican Spirituality, Bốn cột trụ của linh đạo Đa minh. Chuyển ngữ: Dominic Trần, Từ: opcentral.org
2. Thomas Philippe, OP, Đời sống chiêm niệm. Chuyển ngữ: Đan viện Đa Minh.
3. Đức Thánh Cha Phanxicô, tông hiến Vultum Dei quaerere, ngày 29/6/2016
4. Hiến pháp các nữ đan sĩ Dòng Giảng thuyết.
5. Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ, Tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa.