Cây gậy đi đường



_Maria Chúa Chiên Lành, OP_

"Lạy Chúa, này con đây, Chúa đã gọi con". Đây là lời thưa được chị đan sĩ cất lên trong ngày nhập Tập viện hay trong ngày tuyên khấn. Lời thưa ấy nghe sao mà ngọt ngào, ngắn gọn và đơn giản đến thế. Tuy nhiên, mấy ai hiểu được rằng, để lời ấy được vang lên, mỗi ứng sinh phải trải qua một quá trình dài trong sự lắng nghe và phân định ơn gọi, không những trong thời gian tìm hiểu mà còn kéo dài trong suốt cuộc đời của chị. Để trung tín với Thiên Chúa qua lời khấn của mình, đan sĩ luôn được mời gọi sự nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, chị không thể tự nỗ lực một mình trong việc phân định ý Chúa mà cần có sự hỗ trợ và đồng hành của quý cha giáo, chị giáo và các vị linh hướng. Họ chính là những “cây gậy” dẫn đường mà vị Mục tử Nhân Lành đã gửi đến để giúp chị bước đi trên đường thiêng liêng với một tâm hồn vui vẻ bình an đáp lại ý Chúa bằng tiếng “xin vâng”, đồng thời để chị sẵn sàng đón nhận từng biến cố trong cuộc đời và bước qua những thung lũng âm u với sự vững dạ an tâm tiến lên trên con đường hoàn thiện.


1. Những mẫu gương trong Kinh Thánh


a. Thầy cả Êli và ơn gọi của Samuel


Lật lại những trang Kinh Thánh, ta thấy ơn gọi của Samuel là điển hình cho tầm quan trọng và cần thiết của vị đồng hành. Trong trường hợp này, vị đồng hành được đề cập tới là thầy cả Êli. Kinh Thánh nói: “Samuel phụng sự Đức Chúa khi còn rất nhỏ. Thời ấy, lời Thiên Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra” (1Sm 3,1). Ngoài ra, Kinh Thánh còn cho biết: “Bấy giờ Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu” (1 Sm 3,7).

Kinh Thánh kể lại rằng: khi nghe được tiếng gọi trong đêm "Samuel! Samuel!", Samuel tưởng là thầy Êli gọi mình. Lần thứ nhất cậu chạy đến thưa thầy Êli, rồi lần thứ hai cũng vậy. Thầy Êli với kinh nghiệm của mình đã nhận ra chính Chúa đã gọi Samuel. Thầy Êli đã chỉ cho cậu lời đáp trả. Và lần thứ ba, khi Thiên Chúa gọi, Samuel đã thưa như thầy Êli đã chỉ dạy cho cậu: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe" (x.1Sm 3). Qua lời đáp trả ấy, mối tương quan của Thiên Chúa với Samuel được thiết lập. Từ đó, "Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu" (1Sm 3,19). Cũng từ đó, hành trình thiêng liêng và sứ vụ làm ngôn sứ cho Thiên Chúa của Samuel đã được khởi sự.

Chúa gọi Samuel trong lúc cậu đang ngủ. Hình ảnh này có thể xem như một bóng tối, một sự mờ mịt đang bao phủ Samuel. Tuy nhiên, Samuel có thầy cả Êli là người hướng dẫn cậu trong việc nhận ra tiếng Chúa. Thầy cả Êli là một người có kinh nghiệm trong mối tương quan với Thiên Chúa. Thật vậy, ông như một ngọn lửa nhỏ được thắp lên trong bóng tối cho Samuel.


b. Sứ mạng của Môsê và sự đồng hành của Aharon


Khi được Chúa chọn gọi qua đám lửa giữa bụi cây, ông Môsê đã xin Chúa xá lỗi và từ chối sứ mạng Chúa trao cho ông. Lý do ông đưa ra là vì ông thấy mình không có tài ăn nói. Tuy nhiên, Chúa đã sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi mà ông đặt ra và hứa với ông một lời đảm bảo: “Ta sẽ ở với ngươi”. Ngoài ra, Chúa đã chọn anh trai của là ông Aharon để đồng hành với ông trong suốt hành trình đi vào Đất Hứa.Thật vậy, Aharon là người bạn đồng hành luôn chia sẻ với Môsê trong mọi công việc mà Chúa giao phó cho ông Môsê. Vì Môsê lo lắng về tài ăn nói của mình nên Chúa đã quan phòng lo liệu cho ông có được một người bạn đồng hành để người này thay mặt ông trong những lúc phải phát ngôn. (x. Xh 3-4)

Như vậy, hình ảnh thầy cả Êli và ông Aharon giống như vai trò của những vị đồng hành ngày hôm nay. Họ là những người giúp người khác nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa; giúp khai mở và làm lớn lên trong người khác mối tương giao với Thiên Chúa. Ngoài ra, vị đồng hành còn có vai trò như một người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ để người được đồng hành với mình thực hiện đúng điều Thiên Chúa muốn.


2. Giáo Hội và các bậc tiền bối nói gì về sự cần thiết của vị đồng hành?


a. Tông huấn Vita Consecrata.


Trong Tông Huấn Đời sống Thánh hiến chương IV, số 39 được ban hành năm 1996, Đức Giáo Hoàng Phaolô II nhận định: “Càng sống mật thiết với Thiên Chúa, những người tận hiến càng sẵn sàng trợ giúp anh chị em mình nhờ có những sáng kiến tốt trên bình diện thiêng liêng, như những trường dạy cầu nguyện, những chìa khóa linh thao hoặc những cuộc tĩnh tâm, những ngày cô tịch, lắng nghe và linh hướng. Nhờ thế, họ giúp cho anh chị em mình tiến tới trên con đường cầu nguyện, có khả năng nhận ra ý Chúa đối với mình, và can đảm đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi”.

b. Lời khuyên của các thánh.


Không phải tất cả các vị thánh đều có vị linh hướng, dù biết rằng việc linh hướng hay đồng hành là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn theo kinh nghiệm của các thánh, có được một vị đồng hành là điều rất đáng lưu tâm. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Nếu con muốn yên trí trên con đường thánh đức, con hãy tìm người tử tế chỉ bảo, dẫn dắt con” (S. François de Sale, Introduction à Lavie dévote, Hoàng Minh Tuấn dịch (Sài gòn, 1965), tr. 24). Thêm vào đó, trong cuốn Đường hoàn thiện, thánh nữ Têrêsa Avila khuyên: “Vì lòng mến Chúa, tôi nài xin ai sẽ làm bề trên hãy trù liệu cùng Đức Giám Mục và Cha Giám tỉnh liệu sao cho chính bà bề trên cũng như tất cả chị em khác, ngoài các cha giải tội thường xuyên, ít nhiều lần được tự do bàn hỏi việc linh hồn cùng những người thông thái” (ĐHT, chương 5, số 2). Ngoài ra, ở chỗ khác thánh nữ còn cho rằng: “Đừng ngần ngại bàn hỏi về những ân huệ và vui sướng với những người có thể soi sáng cho chị em, đừng giấu diếm chi, hãy thận trọng trong việc ấy, lúc khởi đầu và kết thúc cầu nguyện, dầu được chiêm niệm cao siêu đến đâu chăng nữa, luôn luôn hãy nhận biết mình là ai”. (ĐHT, chương 39, số 5).


c. Nhận định của nhà chuyên môn


Cha Dom Marmion đã nói: “Chính theo mệnh lệnh Chúa quan phòng, khả tôn khả ái mà chúng ta được hướng dẫn không phải bằng những cuộc thị kiến hay bởi các thiên thần, nhưng bởi những con người mà Chúa khấng ban cho chúng ta trong việc đó, và Chúa muốn nói với chúng ta qua miệng lưỡi của những vị ấy”. (Thibaut, Vie de Dom, Marmion, [Paris, 1992], p. 260)

Từ một vài điều trình bày ở trên, ta có thể nhận ra sự cần thiết của các vị đồng hành thiêng liêng. Thật vậy, Giáo Hội, các vị thánh và nhà chuyên môn đều hướng dẫn chúng ta quan tâm đến việc đồng hành thiêng liêng và các vị linh hướng như những cách thế để tìm ra và thực thi ý Chúa.

3. Trải nghiệm bản thân


Huấn Thị Cor Orans dành cho các nữ tu chiêm niệm số 278 viết: “Tập viện là thời gian thử nghiệm, và mục tiêu của nó là hướng dẫn ứng viên nhận thức đầy đủ về ơn gọi theo một đặc sủng cụ thể để sống đặc sủng ấy với một niềm vui và sự quảng đại, đặc biệt đối với đời sống huynh đệ cộng đoàn”. Đây là giai đoạn quan trọng để ứng sinh phân định ơn gọi và đào sâu quyết tâm đi theo Chúa Kitô. Để đạt được mục đích ấy, ứng sinh không thể thiếu bàn tay trợ giúp của các nhà đào tạo, mà cụ thể là quý chị Giáo và thời gian đều đặn cho việc đồng hành thiêng liêng.

Trong quá khứ tôi đã từng trải qua việc đồng hành để nhận được sự hướng dẫn trong việc quyết định lại ơn gọi của mình. Khi gặp lại tôi ở một ơn gọi khác, nhiều người đã tặng cho tôi hai từ “can đảm”. Tôi chỉ cười nhẹ và lắc đầu. Những lúc đó, tôi nhớ đến vị đã đồng hành với mình. Trong cái nhìn đức tin của mình, tôi thấy Chúa đã dùng vị ấy như “một chiếc đòn bẩy” để đẩy tôi bật ra khỏi “vị trí an toàn” hiện tại. Nghiệm lại, tôi thấy mình giống như một tảng đá luôn nằm ỳ lại tại vị trí đã quen thuộc với nó, dù thấy rằng khi được đặt ở đó trông nó rất vô duyên.

Tôi cảm nhận rằng việc nhận ra dấu chỉ của Chúa Thánh Thần đôi khi cũng không thể làm cho tôi can đảm thay đổi hướng đi mà tôi đã chọn lựa từ trước. Có nhiều lý do cho sự thiếu can đảm này như: (1) nỗi sợ hãi về tương lai, (2) sợ sai lầm, (3) sợ phải bỏ đi những gì mình hiện có để bắt đầu lại từ điểm xuất phát, (4) sợ không thể đảm đương nổi sứ mạng, và còn nhiều lý do khác nữa...Với những người đứng ngoài cuộc thì có thể họ chẳng cảm thấy gì. Nhưng với tôi, đó thực sự là một sự lựa chọn quyết liệt. Một mặt, “cái tôi sợ hãi” tự nhiên phình to lên che khuất tất cả những gì là ánh sáng để giúp tôi chọn lựa. Mặt khác, tiếng gọi của Thiên Chúa vẫn âm ỷ thôi thúc trong lòng khiến tôi không thể lẩn tránh. Những lúc như thế, vị đồng hành không phải là ân ban tuyệt vời của Thiên Chúa hay sao! Thật vậy, đồng hành như một cái la bàn giúp tôi xác định phương hướng trong khi tôi đang lần mò bước đi giữa rừng sâu. Ngoài ra, vị ấy còn như ống thổi lửa mà Chúa đã dùng để thổi vào lòng tôi như thổi vào một cái bếp đang dần dần tàn đi. Nhờ “ống thổi lửa” ấy mà ánh lửa có thể trở lại và làm tiếp tục sôi lên dòng nước ân sủng mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào tâm hồn, để tôi có thể can đảm thưa tiếng "xin vâng" với Thánh ý Chúa.

Hiện nay, tôi đang là một Tập sinh của đan viện Đa Minh. Đối với tôi, ơn gọi Đan tu là một lời Thiên Chúa mời gọi tôi đi sâu mối tương quan cá vị của tôi với Thiên Chúa. Đây quả là một hành trình nội tâm đầy cam go và phức tạp. Trong lúc phải lần mò trong bóng tối để tìm kiếm Đấng là “Ánh sáng bởi Ánh sáng” thì vị đồng hành lại càng không thể thiếu. Trong Tông Huấn Nghệ Thuật Tìm Kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa số 19, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có viết: “Việc đào tạo trong đời sống chiêm niệm đòi hỏi đương sự cần được đồng hành ngõ hầu việc suy nghĩ, yêu mến và hành động theo Thánh Thần, trở thành quy tắc sống, được biểu lộ qua một phong thái Phúc Âm đậm tính nhân bản”. Thêm vào đó, số 27 của Tông Huấn cũng đề cập: “Người Nữ tu chiêm niệm cũng giống như tất cả những người sống đời thánh hiến, cần có một ai đó để đi cùng và nâng đỡ trên con đường hoà giải với chính mình, quan tâm đến sự trưởng thành nhân bản và tình cảm”.

Như vậy, vị đồng hành luôn có một vị trí quan trọng nhất định. Họ giống như những cây gậy của Thiên Chúa đặt trên từng đoạn đường chúng ta đi để dẫn chúng ta bước theo đúng đường lối mà Chúa muốn.

"Chúa là mục tử chăn dắt tôi…
Dầu qua lũng âm u,
Con sợ gì nguy khốn…
Côn trượng Ngài bảo vệ,
Con vững dạ an tâm" (x. Tv 22).

4. Lời cảm ơn và lời kết


Trong suốt hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là nhà đồng hành chính và quan trọng nhất. Các vị đồng hành khác là những trung gian mà Thiên Chúa đã ban để hướng dẫn ứng sinh nhưng họ không thể quyết định thay cho các ứng sinh. Tuy nhiên, các vị đồng hành vẫn có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các tâm hồn.

Nhân dịp kỷ niệm mười năm thiết lập Đan viện tự trị (2014-2024), cùng với quý chị em trong giai đoạn đào tạo, em xin nói lên lòng biết ơn sâu sắc đến những vị đã đồng hành với chúng em trong những năm tháng qua. Chúng em chân thành cảm ơn chị Đan viện Trưởng và chị Giám tập là những vị đã và đang đồng hành với chúng em cách thiết thực nhất. Chúng con cảm ơn quý Cha giải tội, quý Cha giảng tĩnh tâm và huấn giáo đã đồng hành, giúp đỡ từng chị em trong Đan viện. Quý ngài đã giúp chúng con luôn giữ được sự bình an của Chúa trong tâm hồn. Nhờ đó, chúng con có thể sống an vui và cảm nhận được niềm hạnh phúc trong Đan viện đến ngày hôm nay.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh Dòng Giảng Thuyết, ban xuống trên quý vị muôn vàn phước lành của Chúa thay cho lòng biết ơn của chúng con. Xin quý vị tiếp tục yêu thương, đồng hành và nâng đỡ chúng con trên hành trình dâng hiến đầy cam go và thử thách này. Chúng con cũng mong ước Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều vị đồng hành “vừa có tâm vừa có tầm” để nhiều tâm hồn được nâng đỡ, hướng dẫn hầu nhận ra được thánh ý Thiên Chúa và sẵn sàng dấn thân để trở thành “lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa”.

Chúng con xin chân thành tri ân!