Người truyền lửa


_Matta_
Năm 2019, ĐTC Phanxicô có ban hành Tông huấn Christus vivit – Chúa Kitô đang sống, gửi cho người trẻ và cộng đoàn dân Chúa. Trong 9 chương của Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành riêng một chương để nói về nội dung: người trẻ với cội rễ, mà qua đó ngài muốn nói đến tương quan của những người trẻ với các bậc cao niên trong gia đình và xã hội hôm nay. Nội dung của Tông huấn rất thiết thực và hữu ích cho chúng ta – là những người trẻ đang cùng chung sống với những bậc lớn tuổi trong cùng một gia đình. Thật thích hợp để bàn đến điều này trong khuôn khổ của gia đình Đan viện, nơi có đầy đủ các thành phần: thanh niên, trung niên và cao niên.

Chúa Giêsu đã từng nói: “chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đồng vì Thầy và vì Phúc âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa….và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.” (Mc 10, 29-30). Lời hứa ấy nay được ứng nghiệm cho tôi.

Tôi sinh ra trong gia đình chỉ có ba chị em, nhưng kể từ ngày bước vào Đan viện, con số chị em tăng lên theo cấp số nhân, không chỉ còn là hai, nhưng là hai mươi. Trước tôi là mười chín chị em với các cấp độ tuổi khác nhau. Có một số vị đáng lý ra theo vai vế ngoài xã hội hay trong gia đình sẽ thuộc hàng bà của tôi, nhưng trong gia đình thiêng liêng này, các vị vẫn mãi là chị, vì trong tình thương của Thiên Chúa là Cha, tất cả chúng tôi là chị em với nhau.

Người chị lớn nhất trong cộng đoàn của tôi năm nay đã bước sang tuổi cửu tuần, chị hơn tôi đến năm giáp. Chị đã đi hết gần hành trình của một đời người, còn tôi chỉ mới đi được 1/3 chặng đường của chị. Thế nên cuộc đời của chị chất chứa cả một kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm về đạo và đời, mà đâu đó trong sách Huấn ca có dạy: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan hãy hết lòng gắn bó….thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ (Hc 6,34. 36). Hoặc như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “dù sao đi nữa, những tháng năm họ đã sống và tất cả những gì họ đã trải qua trong cuộc sống đều đáng để chúng ta kính trọng các ngài: “Thấy người đầu bạc ngươi phải đứng lên” (Lv 19,32)”.

Cứ mỗi dịp đầu năm, chị em chúng tôi sẽ rút thăm để cầu nguyện cho một người chị em nào đó. Năm nay, tôi được Chúa trao một sứ mạng cao cả là cầu nguyện cách riêng cho chị Rosa – người chị lớn tuổi nhất của cộng đoàn.

Chị có cái tên thật đẹp, Ngọc Hương. Chị em trong Đan viện thường gọi chị bằng tên gọi thân thương và trìu mến hơn: chị Rosa hay bà Rosa – tên vị thánh bổn mạng của chị.

Năm 2014, khi tôi còn là một Thỉnh sinh của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, tôi thường được nghe các Dì lớn nhắc đến Dì Rosa Đài (cũng là Dì Rosa Ngọc Hương), vì Dì đã từng là thành viên thuộc Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, có ảnh hưởng rất lớn đến Hội Dòng, và cũng từng đảm nhận vai trò Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Tôi lấy làm khâm phục bởi sự can đảm và lòng cậy trông tín thác của Dì. Dù đã ngoài bảy mươi, Dì vẫn không ngần ngại để làm lại hai năm tập tại Đan viện mẹ Famington Hills và sau đó trở thành nữ Đan sĩ Đa Minh Việt Nam đầu tiên, mở đường cho những chị em có lòng yêu mến, khát khao muốn hiến thân cho Chúa và Giáo hội trong ơn gọi chiêm niệm Đa Minh, trong số đó có tôi.

Câu chuyện về cuộc đời, về con người mà tôi may mắn được nghe kể cách đây mười năm, nay trở nên cụ thể và sống động hơn khi tôi được diễm phúc sống với chị trong mái nhà Đan viện thân thương này. Quả là một sự tình cờ, nhưng cũng không nằm ngoài sự xếp đặt trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Khi còn là một em Thỉnh sinh đang tìm hiểu, tất cả mọi sinh hoạt của tôi đều riêng biệt, thuộc phần ngoại vi của Đan viện, vì thế mà chỗ ngồi của tôi trong nhà nguyện cũng là một vị trí hoàn toàn tách biệt với cộng đoàn, một chỗ cạnh góc phải của gian cung thánh. Nhìn sang phía đối diện là chỗ của chị Rosa và của chị y tá chăm sóc chị. Cũng vì lẽ đó mà tầm nhìn của tôi cũng chỉ giới hạn trong phạm vi của bàn thờ, và của bên đối diện là chị Rosa, nên tôi càng có nhiều “dịp thuận tiện” để “quan sát” chị.

Tôi rất ấn tượng mỗi lần chị bước vào cung nguyện để tham dự các giờ kinh hay Chầu Thánh Thể. Thái độ cung kính, trang nghiêm và niềm tin mạnh mẽ được diễn tả qua cử chỉ cúi mình thật sâu và kính cẩn, chậm rãi làm dấu thánh giá. Thi thoảng có dịp tôi còn thấy chị không những cúi mình, mà còn bái gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể đang được tôn kính trong hào quang Mặt Nhật. Cử chỉ này thật không dễ dàng đối với những người đã có tuổi như chị, tuy có lúc đứng lên thật khó khăn nhưng chị vẫn không ngại để thể hiện lòng tôn kính của mình dành cho vị Vua Cả trời đất. Ngay cả việc quỳ gối để đọc hết bảy thánh vịnh sám hối cũng biểu lộ sự chân thành mà chị muốn dâng lên cho Chúa, để khẩn xin một điều gì đó cho thế giới, mà qua chị tôi đọc ra được ý nghĩa đó. Đều đặn mỗi giờ kinh chị đều có mặt, tuy đôi khi cũng phải thông cảm vì sự mệt mỏi của tuổi cao sức yếu khiến chị không thể tham dự trọn vẹn các giờ phụng vụ. Còn những lúc khác chị dùng tất cả sức lực Chúa ban để ca tụng Chúa, phải thừa nhận rằng giọng đọc hay giọng hát của chị còn rất khỏe, từng câu kinh, lời hát được cất lên rất rõ ràng, đôi khi còn lấn át cả những người trẻ chúng tôi. Chúng tôi thường hay đùa với nhau rằng: “một mình em không thể nào kéo lại bà”. Điều đó càng làm cho tôi thấm thía hơn câu nói của Đức Cố Giáo Hoàng Benedicto XVI, ngài nói: “Lời nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, có lẽ giúp ích cách hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật nào của nhiều người (ĐGH đã nói câu này vào năm 2012, vào gần cuối triều đại Giáo Hoàng của người). Hoặc như ở số 262 của tông huấn Evangeli Gaudium có viết: “Lời nguyện của anh chị em là một nguồn lực vô cùng quý giá, nó là hơi thở mà Giáo hội và thế giới vô cùng cần thiết lúc này”.

Hiểu và nhìn nhận vai trò của người cao tuổi có tầm quan trọng và ảnh hưởng như thế, nên trong suốt triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến vai trò của người cao tuổi trong xã hội chúng ta. Đối với ngài, tuổi già là một chủ đề thiết yếu, nên vào tháng Giêng năm 2021, ngài đã thiết lập ngày thế giới dành cho ông bà và người cao tuổi. Theo ngài, tuổi già là thời điểm hoàn hảo để làm chứng cho đức tin, nhất là cho các thế hệ trẻ.

Trở lại với câu chuyện của chị Rosa. Thời gian sau này, khi tôi được vào nội vi, tôi càng khám phá ra những nét nổi bật, tích cực nơi con người của chị ngang qua những công việc, những sinh hoạt thường nhật mà tôi có dịp được tiếp xúc với chị. Chị sống tâm tình của một người luôn biết ơn, và tạ ơn một cách rõ nét. Cụ thể là trên môi miệng chị không ngớt vang lên những lời tạ ơn: tạ ơn Chúa, cảm ơn mọi người. Chị nhìn mỗi công việc mình làm, mỗi thành quả đạt được luôn luôn là do ơn Chúa ban. Mỗi buổi sáng, chị thường phụ giúp chúng tôi nhặt những bánh lễ không đạt chất lượng, không nguyên vẹn… Trong lúc làm, chị liên tục trầm trồ khen ngợi: “Bánh hôm nay đẹp lắm! Tạ ơn Chúa. Cảm ơn các em nhé!. Hay: “ Cảm ơn Chúa, nhờ Chúa ban mới được như vậy”. Chị cũng rất khôn ngoan, khéo léo trong cách giao tiếp. Lần nọ tôi có nói với chị rằng: “Chị Rosa nhớ cầu nguyện cho em nhé”. Chị vội vàng đáp ngay: “Ngày nào chị cũng dâng các em cho Chúa, xin Chúa gìn giữ các em của con được ơn trung thành.” Vậy đó, tôi tin rằng tất cả đều phát xuất từ một tấm lòng chân thành, một trái tim yêu thương và một đời sống luôn kết hiệp mật thiết sâu xa với Chúa.

Tôi thiết nghĩ cho dẫu đến một lúc nào đó, vì tuổi cao sức yếu, không còn khả năng để làm chủ được con người của mình, thì chính những nhân đức thánh thiện được luyện tập xưa kia, nay sẽ được đem ra thực hành như một thói quen tốt lành. Lại nữa, nhắc đến chị Rosa, không chị em nào có thể không nhắc đến hình ảnh của một người đan sĩ có một tinh thần mau mắn vâng lời và một thái độ ham thích học hỏi. Chị không bỏ qua bất kỳ tin tức nào được dán ở bảng thông tin. Những buổi học được tổ chức cho các chị Học viện đều có sự tham gia của chị Rosa. Đặc biệt chị không vắng mặt trong bất cứ giờ chia sẻ Lời Chúa, hay giờ tập hát chung nào của cộng đoàn. Chị còn là một người ham thích làm việc, sẵn sàng giúp đỡ chị em khi họ cần.

Dẫu cho theo thời gian, trí nhớ có giảm sút, nhưng ký ức về đời sống đức tin được nuôi dưỡng từ thuở xa xưa vẫn luôn sống mãi trong chị. Chị có thể không nhớ tôi là ai, vì mỗi lần gặp tôi chị đều hỏi câu hỏi quen thuộc: “Em mới đến tìm hiểu à, nhà ở đâu?”… Chỉ cần nghe tôi trả lời em ở Bùi Chu là chị sẽ được dịp kể về quá khứ “hào hùng” của mình: về gia đình, giáo xứ, hay câu chuyện được dẫn đi tu từ khi còn bé… dường như được chị kể lại một cách tỉ mỉ, không sót chi tiết nào. Thật đúng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô từng nhắn nhủ: “Chúng ta nên để cho những vị lớn tuổi kể về những câu chuyện dài của họ. Những câu chuyện đôi khi tưởng chừng như mang tính thần thoại, huyễn tưởng. Nhưng thực ra chúng là những giấc mơ của người già, thường chứa đầy những kinh nghiệm quý báu và những thông điệp ẩn sâu dưới đó. Chúng ta cần kiên nhẫn lắng nghe.” (Tông huấn Christus vivit, số 195).

Mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi cũng muốn khẳng định rằng: sự hiện diện của những người lớn tuổi trong gia đình, cộng đoàn thật quý giá.

Cầu chúc cho chị Rosa, quý chị cao niên trong cộng đoàn luôn hạnh phúc, mãi an vui trong niềm vui của Chúa và trở nên những tấm gương soi chiếu cho những người trẻ trên hành trình tiến về quê trời.