Chữa lành bệnh câm điếc tâm linh!



Chúa Nhật 23 Thường niên năm B


"Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Epphatha, nghĩa là: hãy mở ra!" (Mc 7, 33-34)


Suy niệm

Đoạn Tin Mừng Mc 7, 31-37 kể về việc Đức Giêsu chữa lành cho một người vừa điếc vừa câm. Để làm việc này, Ngài đã đưa anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai của anh và dùng nước miếng chạm vào lưỡi của anh rồi nói: “Epphatha!” nghĩa là: Hãy mở ra! Ngay lập tức, anh ta nghe được và nói năng bình thường. Câu nói "Epphatha!" của Đức Giê-su không chỉ đơn thuần là một câu mệnh lệnh để mở tai và miệng, nhưng nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc liên quan đến đời sống tâm linh của con người. Đó là một lời mời gọi chúng ta đổi mới cuộc sống, để Thiên Chúa tác động và biến đổi chúng ta. Ngoài ra, mệnh lệnh ngắn gọn nhưng mạnh mẽ này còn tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền của Chúa Giêsu, Ngài có thể vượt qua mọi trở ngại để thực hiện những sự biến đổi lớn lao nơi tâm hồn của của mỗi người chúng ta.

Trong Kinh Thánh, tình trạng điếc và câm thường được sử dụng như những hình ảnh tượng trưng để diễn tả những khía cạnh sâu sắc về đời sống tâm linh của con người.Việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị điếc và câm trong đoạn Tin mừng này là một hình ảnh cho chúng ta nhiều suy gẫm. Chúng ta có thể không bị khuyết tật về thính giác nhưng chúng ta có thể “bị điếc” khi nghe tiếng Chúa. Nói cách khác, chúng ta có thể nghe được bằng tai, nhưng lại cố tình không muốn lắng nghe những gì Chúa muốn truyền đạt với chúng ta. Một cách cụ thể, đôi khi chúng ta muốn phớt lờ những lời khuyên răn, những tín hiệu mà Chúa gửi đến, hoặc đơn giản là không muốn thay đổi cuộc sống của mình theo ý Chúa. Tình trạng “điếc” của chúng ta có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: chúng ta quá chú trọng vào những việc trần thế mà quên đi đời sống tâm linh của mình; chúng ta sợ phải thay đổi cuộc sống của mình để theo ý Chúa; hay tệ hơn là chúng ta tự cao tự đại, cho rằng mình biết tất cả và không cần đến sự trợ giúp của Chúa. Như vậy, mỗi người chúng ta đều có thể lựa chọn để lắng nghe hoặc phớt lờ tiếng nói của Chúa như một hình thức bị “điếc”. Một cách tương tự, chúng ta có thể nói năng bình thường, nhưng lại trở nên “câm” khi không thể bày tỏ niềm tin, tình yêu và sự hiểu biết của mình về Chúa. Trong một vài tình huống, chúng ta có thể rơi vào tình trạng “câm” không dám chia sẻ niềm tin của mình vì sợ bị người khác phán xét, cười nhạo hoặc cô lập. Ngoài ra, cũng có thể chúng ta bị “câm” do những nguyên nhân từ phía cá nhân, như chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về Chúa hoặc xác tín về đức tin của mình hoặc cũng có khi do chúng ta thiếu dũng cảm.

Nhận ra mình bị câm và điếc trong tâm hồn là một việc đáng buồn, vì khi tâm hồn bị rơi vào tình trạng này, chúng ta khó có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, nghe thấy lời nói của Chúa hoặc nhận được sự hướng dẫn từ Ngài. Khi không có mối liên hệ với Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên cô đơn, lạc lõng, mất đi mục đích sống và thiếu niềm vui. Có là chưa kể, khi chúng ta không nghe tiếng của Thiên Chúa chúng ta cũng dễ dàng sa vào những cạm bẫy của tội lỗi. Tuy nhiên, khi chúng ta thật sự sám hối và nhận thức được những khuyết điểm của tâm hồn như đã nói trên thì đây lại là một nhận thức tốt cho chúng ta. Thật vậy, thái độ khiêm nhường là một yếu tố quan trọng để chúng ta có thể trưởng thành về tâm linh, vì nhờ thái độ này chúng ta thừa nhận những giới hạn của bản thân và biết mình cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trong đoạn Tin mừng trên, Chúa Giêsu đã dùng một mệnh lệnh ngắn gọn nhưng mạnh mẽ “Epphatha” để thể hiện ý muốn của Ngài rằng: Ngài muốn mở ra những gì bị đóng kín trong người bệnh. Cũng vậy, khi chúng ta khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp thì Ngài cũng sẵn sàng mở lòng, mở tâm trí, mở tai và mở miệng tâm linh của chúng ta để chúng ta nghe được tiếng của Chúa, đón nhận tình yêu thương của Ngài và sống một cuộc đời có ý nghĩa trọn vẹn hơn. Thật vậy, khi chúng ta đã được mở tai, chúng ta có thể lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và bày tỏ lòng mình với Ngài một cách tự do. Đồng thời, từ kinh nghiệm thiêng liêng khi có được trong mối quan hệ sâu sắc với Thiên Chúa, chúng ta có thể nói để chia sẻ niềm tin và tình yêu của mình với người khác. Chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu hiểu sâu sắc những nỗi đau, những khó khăn mà chúng ta đang trải qua vì Ngài đã đón nhận thân phận con người, và không có gì là quá khó đối với Ngài. Qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương sâu sắc trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta vượt qua những tật nguyền tâm linh dai dẳng từng cầm giữ không cho chúng ta được thật sự tự do. Việc của chúng ta là khiêm tốn thừa nhận tình trạng tật nguyền của tâm hồn mình, chạy đến xin Chúa cứu chữa, tin tưởng vào tình yêu thương của Ngài và sẵn sàng đón nhận sự chữa lành của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tràn đầy kinh ngạc và thán phục trước quyền năng kỳ diệu và tấm lòng nhân ái của Chúa khi Chúa vươn tay ra giúp đỡ người đàn ông bị câm điếc và chữa lành cho anh. Xin cho chúng con biết khiêm nhường đến trước mặt Chúa vì chúng con nhận thức mình cũng bị "câm và điếc" trong tâm hồn. Chúng con cầu xin Chúa cũng vươn tay giúp đỡ chúng con trong những đấu tranh riêng của mình. Xin chữa lành chúng con để chúng con khôi phục lại mối quan hệ với Chúa. Xin mở tai để chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa, mở trái tim để chúng con đón nhận tình yêu của Ngài. Khi chúng con đã cảm nghiệm được lòng thương xót và sự khoan dung của Ngài, xin cho chúng con can đảm trở thành chứng nhân của Chúa khi chia sẻ cho gnhững người khác về tình thương vô bờ bến của Ngài. Amen!