Thành công và thất bại của Thánh Đa Minh



_Richard Becker_

 "Mặc dù thánh Đa Minh từng mong mỏi đi đến những vùng đất của người man di để giảng thuyết và có thể được phúc tử đạo ở đó, nhưng ước mơ ấy đã không thành..."
Trích từ Hạnh các Thánh, ed. Cha Joseph Vann (1954)

Bí tích Thanh tẩy ám chỉ về cái chết. Mặc dù, chúng ta tránh né ý nghĩa này và coi bí tích như một nghi thức thanh tẩy, được diễn tả qua những dấu chỉ: y phục trắng, nến và ngọn lửa, cùng tiếng khóc của một em bé dễ thương khi bị dội nước lên đầu. Thế nhưng, thánh Phaolô nói với chúng ta một cách dứt khoát rằng nhờ Phép rửa, các Kitô hữu là người cùng được mai táng vào cái chết với Đức Kitô (Rm 6, 4a). Khi đổ nước trên đầu một hài nhi, vị chủ sự đọc công thức nhân danh Chúa Ba Ngôi, thì cũng có nghĩa là hài nhi đó ở trong mộ với Chúa. Và ngôi mộ có nghĩa là chết.
Tất nhiên, sau việc mai táng Chúa là sự Phục sinh, và những người được rửa tội cũng được tham gia vào sự sống mới này - điều mà chính thánh Phaolô tiếp tục khẳng định:
Như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới (Rm 6, 4b).

Hoàn toàn dễ hiểu lý do tại sao chúng ta thường thích chú trọng vào việc thông truyền sự sống thiêng liêng mới của Phép rửa hơn là cái chết bí tích đi kèm với nó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thật rằng sự sống mới được giành lấy qua một cái chết, và đó là một sự thật gây bối rối mà chúng ta có thể muốn giảm nhẹ - đặc biệt khi người được rửa tội vẫn còn bọc trong tã.
Tuy nhiên, đứa con đỡ đầu mới của tôi lại được đặt tên theo Thánh Đa Minh. Điều đó đặt ra một vấn đề khi muốn giảm nhẹ khía cạnh sự chết của nghi thức thanh tẩy.
Khi nghĩ về Thánh Đa Minh, chúng ta nghĩ đến những chiếc áo dòng trắng, và một Dòng tu hoàn toàn dấn thân cho việc giảng thuyết, việc giáo dục và theo đuổi học thuật. Suy cho cùng, các tu sĩ Đa Minh là 'Những chú chó của Chúa', kiên trì theo đuổi chân lý và bảo vệ Đức tin.
Nhưng bản thân thánh Đa Minh, hoá ra, lại là một người liều lĩnh trong thời thanh xuân của mình. Gần đây, khi tìm đọc để hiểu về cái tên được đặt cho con đỡ đầu, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng vị sáng lập thánh thiện này từng là một linh mục trẻ đầy nhiệt huyết, người đã cố tình đặt mình vào tình thế nguy hiểm để phục vụ Chúa.
Vị linh mục trẻ tuổi Dominic de Guzmán đã được chọn để tháp tùng một vị giám mục trong một sứ mệnh ngoại giao tế nhị từ Tây Ban Nha đến miền nam nước Pháp. Và tại đó, các ngài đã gặp phải những người theo phái Albi – một nhánh của dị giáo Cathare chủ trương thuyết nhị nguyên. Sau khi kết thúc sứ mệnh của mình, hai vị giáo sĩ này lại quay trở lại Languedoc, thành trì của những người theo phái Albi, để tiếp tục tranh luận với những người theo tà giáo và rao giảng sự toàn vẹn của Đức tin cho đám đông dân chúng đang lầm lạc.
Nên nhớ rằng đây là thời Trung cổ, cách thức chủ yếu để giải quyết bất đồng là thông qua xung đột vũ trang, và cuộc chiến chống lại chủ thuyết Albi cũng không ngoại lệ. Được sự hậu thuẫn của Giáo hoàng, các Lãnh chúa Công giáo đã tiến hành chiến tranh chống lại những kẻ cực đoan tôn giáo thuộc mọi thành phần, và Cuộc Thập tự chinh chống người Albi, mặc dù thành công trong việc làm giảm cuộc nổi loạn, đã tàn phá các thành phố, vùng nông thôn và dân cư.
Trong khi đó, thánh Đa Minh biết rằng đấu tranh và vũ lực sẽ không đạt được chiến thắng thực sự, ngài nói rằng “kẻ thù của đức tin không thể bị đánh bại theo cách ấy”. Thay vào đó, ngài đề nghị việc cầu nguyện như một vũ khí “thay vì một thanh kiếm; hãy mặc lấy sự khiêm nhường thay vì y phục đẹp đẽ.” Và ngài thực sự có ý như vậy theo nghĩa đen, chọn sống giữa những người Albi, rao giảng các chân lý Đức tin Công giáo bất cứ khi nào có cơ hội, và di chuyển một cách công khai, bất chấp nhiều mối đe dọa. Khi được hỏi liệu ngài sẽ xử sự thế nào nếu bị kẻ thù dồn vào đường cùng, thánh Đa Minh đã dũng cảm trả lời như sau:
"Tôi sẽ bảo họ giết tôi cách từ từ và đau đớn, từng chút một, để tôi có thể nhận được vương miện vinh quang hơn trên Thiên đàng."
Đối với chàng thanh niên Đa Minh trẻ tuổi, tử đạo không phải là điều gì phải né tránh; đó là điều cần phải theo đuổi! Còn cách nào tốt hơn để ngài có thể bày tỏ tình yêu lớn lao của mình với Chúa Giêsu? Điều gì có thể cao hơn cái chết cho Đấng đã chết cho thế gian?
Than ôi, điều đó đã không xảy ra. Cuối cùng, thánh Đa Minh đã tổ chức một nhóm những người có cùng chí hướng, và vào năm 1216, Đức Giáo Hoàng đã công nhận những nỗ lực của vị thánh bằng cách phê chuẩn một Dòng tu mới, có tên là Dòng Giảng Thuyết – ngày nay được gọi là Dòng Đa Minh. Không cần phải nói, chính ngài phụ trách hoạt động của hội Dòng, và khi Dòng ngày càng phát triển, ngài phải dành nhiều thời gian hơn để đi khắp nơi, thiết lập cơ sở và hướng dẫn những đứa con tinh thần của mình trong các hoạt động tông đồ giảng dạy, giảng thuyết và cầu nguyện.
Vì vậy, cuối cùng, thánh Đa Minh đã trở thành nhà lãnh đạo tài ba, và ngài thậm chí còn phục vụ trong một thời gian ngắn với tư cách gần như là chánh án trong toà án Giáo triều. Kết quả là, vị linh mục trẻ tuổi cuồng nhiệt, có ý định tử đạo, lại trở thành một nhà quản trị. Ngài đã thất bại trong hành trình thực hiện hoài bão tuổi trẻ của mình. Đáng buồn phải không?
Vâng, thật đáng buồn nếu câu chuyện kết thúc ở đó – nếu câu chuyện của thánh Đa Minh chỉ đơn giản là về một ước muốn được chết một cách thánh thiện bị thất vọng. Nhưng không phải như thế!
Thay vào đó, đây là câu chuyện về một người tìm kiếm Chúa Giêsu bằng cả con người mình; đó là một câu chuyện về sự hoán cải, thánh hóa và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô – đó thực sự là câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất có thể có, dù tử đạo hay không. Và đây là một bí mật nhỏ: Đó cũng là câu chuyện của tất cả những người đã được rửa tội – gồm cả đứa con đỡ đầu mới của tôi. Sách Giáo lý dạy chúng ta: “Khi đã trở thành một phần tử của Giáo hội, người được rửa tội không còn thuộc về chính mình nữa mà thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta”. Em bé Dom, tính đến cuối tuần trước, đã chết đi bản thân mình và sống lại với Đức Kitô, và ai biết điều đó có thể dẫn đến đâu? Có lẽ là tử đạo. Cũng rất có thể là một điều gì đó trần tục hơn nhiều. Ai biết? Trên thực tế, chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra đối với bất kỳ ai trong chúng ta?
Chỉ có Chúa Kitô biết, nhưng trong lúc này, chúng ta phải tiếp tục tiến bước về phía trước trong đức tin, tin tưởng rằng Chúa sẽ sắp xếp mọi chi tiết trên đường đi – giống như Thánh Đa Minh xưa đã làm. Các vị thánh là những dấu hiệu cho thấy cuộc hành trình có thể đi đến một kết thúc tốt đẹp, và chúng ta nhìn về các ngài như gương mẫu để tiến bước.
Tuy nhiên, các thánh không ngủ quên trên chiến thắng của mình - như thể sự thánh thiện là tấm vé để nghỉ hưu thoải mái ở đời sau. Không, Thánh Đa Minh hiện đang ở vị thế để làm một điều thậm chí còn hữu ích hơn là tranh luận với nhóm Cathare và rao giảng Tin Mừng: Ngài có thể cùng với tôi bao bọc bé Dom bằng lời cầu nguyện – thực sự, tôi tin chắc vào điều đó, dựa trên lời thánh nhân đã nói với các anh em của mình lúc lâm chung:
"Anh em đừng than khóc, vì sau khi qua đời, cha sẽ làm ích cho các anh em và cha sẽ trợ giúp anh em hữu hiệu hơn khi còn sống."
Có lẽ chàng thanh niên Đa Minh đã thất vọng vì không được chọn để lãnh triều thiên tử đạo, nhưng dù sao đi nữa, sự kết hợp của ngài với Chúa Kitô đã hoàn tất. Nói cách khác, tử đạo không bao giờ là mục tiêu thực sự, và thánh Đa Minh luôn biết điều đó. Mục tiêu đã là – và luôn là – chính Chúa Kitô.
Lạy Thánh Đa Minh, xin cầu cho chúng con.

Phỏng dịch theo The Success (and Failures) of Saint Dominic. – Catholicexchange.com
Tu sĩ Giuse Nguyễn Cao Luật OP.