Đức tin và thách đố




“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25b)

Suy niệm

Mừng lễ kính Thánh Tôma Tông Đồ, tôi thử đặt vài vấn đề về đức tin trong thế giới ngày nay. Như các Đức Thánh Cha đã nhận định, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thế giới hiện đại là cuộc khủng hoảng về đức tin. Tôi cũng là một người trẻ trong thế giới ngày nay. Tôi cũng nhận thấy có những vấn đề về đức tin trong tôi. Quả thật, đức tin của tôi cần được trải nghiệm, cần được cảm nếm, cần được đụng chạm… để tin! Có những lúc ngồi trước Thánh Thể một mình, tôi tự hỏi: Đây là Thiên Chúa của tôi ư? Tôi làm sao xác minh đây thực sự là Thiên Chúa đang hiện diện trong hình bánh? Tôi có điên không? Có hoang đường không? Trong khi đây chính là tấm bánh do chính tay tôi đã làm ra và được đem vào trong Thánh Lễ. Sau khi vị Linh Mục đọc lời truyền phép thì tấm bánh ấy được đặt cách trang trọng trong mặt nhật và trên Bàn Thờ, để rồi giờ đây tôi cung kính thờ lạy, tôi chiêm ngắm! Đây thật là Thiên Chúa của tôi sao? Người đang hiện diện thực sự trong tấm bánh bé nhỏ này sao?...

Thánh Tôma đã đòi được chạm đến thân thể Đức Giêsu phục sinh để ông tin. Còn tôi, làm thế nào để tôi có thể chạm đến Thân Thể Phục Sinh ấy của Người? Điều đó đối với tôi là không thể. Nếu thực sự tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ đây đã trở nên chính Thân Thể Đức Kitô đã phục sinh, thì tôi, mỗi sáng khi dâng Thánh Lễ, tôi đều được đón nhận Người, đều được chạm đến và hơn nữa tôi được “ăn” Người. Tôi cảm thấy gì? Thường thì không. Chỉ là, lấy đức tin mà bù lại những gì giác quan không thể cảm nghiệm mà thôi. Nếu tôi tin Thiên Chúa đang ở đây, trên bàn thờ này và trong tấm bánh bé nhỏ này, tôi sẽ phải xử sự như thế nào? Phải quỳ hay đứng, hay nằm sấp mặt xuống đất? Tôi phải thế nào? Vì tôi không thể ngồi trước mặt Người ngang hàng và đối diện như thế này được! Tôi nghĩ, thật là điên rồ! Một Thiên Chúa cao cả, chí tôn chí thánh! Người là Đấng tác tạo nên tôi! Tôi là ai? Là gì? Mà có thể ngồi ở đây, đối diện với Người? Rồi lại còn nói lung tung, vớ va vớ vẩn thế này!???... Rồi tôi nghĩ: thì cũng giống như tôi ngồi trước mặt bố tôi hay mẹ tôi vậy thôi! Nghĩ thế cho đơn giản và vui vui thôi chứ không đơn giản chút nào.

Tôi từng đọc qua một vài phương pháp và một vài trải nghiệm của một số vị đã mượn những hình thức thiền, hay là qua các công án thiền để trải nghiệm về đức tin và trải nghiệm về Thiên Chúa. Tôi cũng muốn thử và đã thử để xem có được những cảm nghiệm lâng lâng bay bổng hay đại loại là khác thường ấy không, nhưng tôi lại sợ. Tôi cứ có cảm giác có lỗi sao đó!... Vì không đúng với niềm tin của mình chăng? Tôi nghĩ, đối với tôi Chúa rất thật, rất hiện sinh, rất gần và rất sống động trong tôi. Tôi không cần phải vay mượn bất kì phương pháp nào để trải nghiệm về Người cả. Nhưng làm sao tôi chạm được Người? Đành rằng đã có nhiều phép lạ về Thánh Thể nhưng đó cũng chỉ là những điều tôi được nghe người ta nói về những trải nghiệm của họ mà thôi! Còn chính tôi, tôi phải trải nghiệm Người như thế nào? Bởi Đức tin mang tính cá vị và rất thật, rất riêng. Khi nhiều người cùng trải nghiệm cùng một đức tin thì lúc đó mới có thể nói “chúng tôi tin!”

Thánh Tôma đã thẳng thắn nói rõ yêu cầu, mong ước, hay có thể nói mạnh hơn là ngài đã đòi hỏi để tin: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tôi lấy làm lạ! Tại sao khi nghe các môn đệ khác nói rằng họ đã thấy Chúa thì Thánh Tôma không hỏi: Các anh thấy Chúa ở đâu? Người như thế nào?... hay đại loại là như vậy. Nhưng ngài đã nói ngay về yêu cầu của mình mà không cần đến suy nghĩ đó. Tôi không biết trước và trong lúc đó thánh Tôma đã nghĩ gì? Nhưng tôi chắc hẳn ông cũng đã băn khoăn rất nhiều về việc Chúa Giêsu sống lại. Nhưng điều đó còn mù mờ chưa được rõ ràng đối với ông nên ông rất muốn làm rõ sự thật ấy. Vì vậy khi Đức Giêsu hiện đến, có ông ở đó, và Người nói với ông: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy! Đừng cứng lòng nữa! Nhưng hãy tin”. Lúc này, thánh Tôma đã được thấy đích thị đây là Chúa Giêsu Phục Sinh đang đứng trước mặt ông. Một điều lạ lùng, đó là, lúc này niềm tin của ông không còn phải là chỉ tin rằng Đức Giêsu mà ông từng quen biết và đi theo, nay đã sống lại và đang đứng ở đây, trước mặt ông nữa. Nhưng, ông tin rằng đây chính là Thiên Chúa, là Chúa của ông. Vì vậy ông đã tuyên xưng niềm tin đó: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!” Thấy là một chuyện, nhưng tin lại là một chuyện khác. Thấy điều này mà lại tin điều kia!

Trở lại vấn đề tôi đang nói về bí tích Thánh Thể. Có thể tôi chỉ thấy trước mặt tôi là một tấm bánh không có gì bí nhiệm, không có gì to lớn, không có gì mạnh mẽ, không có gì quyền lực. Nhưng đó lại là cách thức mà Chúa đã dùng để hiện diện với tôi, trước mặt tôi. Vậy, khi tôi nhìn tấm bánh tôi tin điều gì? Tôi tin rằng Chúa đang hiện diện với tôi, và tôi tin rằng, đây chính là Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ tôi. Đây chính là bảo chứng về tình yêu và ơn cứu độ mà Ngài dành cho tôi. Đây cũng là cách thế mà Chúa cho tôi được thấy Người và được sống trong Người, như Người đã nói “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy…”, đang khi tôi còn ở trong trần gian này.

Điều thứ hai tôi muốn nói về đức tin trong thế giới ngày hôm nay dựa vào lời Chúa: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Câu này phải hiểu thế nào cho đúng? Bởi vì đã có rất nhiều người tin một cách vô tội vạ, tin một cách “mù quáng”, tin không cần xem xét, không cần tra vấn, tin không cần đặt vấn đề, không cần đặt câu hỏi. Nghe ở đâu có phép lạ, có các sự lạ là ùn ùn đi theo ngay. Chúa Giêsu trách Tôma đã không tin những môn đệ khác không phải Ngài muốn ông hãy “nhẹ dạ cả tin”. Chắc hẳn là không. Vậy phải làm sao? Tin tất cả cũng không được mà không tin cũng không xong. Xem ra là khó rồi đây! Làm sao để biết mình nên tin cái gì và không nên tin cái gì? Điều này cần sự khôn ngoan phân định và xem xét. Là người Công Giáo, chúng ta biết rằng trong Giáo Hội Công giáo có những điều buộc phải tin (tín điều) và có những điều không buộc phải tin. Và, khi Giáo Hội công bố bất kỳ một tín điều nào thì tín điều ấy đã phải được thảo luận, soi chiếu dưới mọi góc nhìn và đã được kiểm chứng theo thời gian cùng với muôn vàn các chứng nhân đức tin. Ngay cả trong việc công nhận các phép lạ, hay việc tôn phong các bậc thánh nhân thì đều có những bước điều tra, thẩm định rõ ràng và lâu dài. Không hấp tấp, vội vàng, bừa bãi nhưng phải được sự thẩm tra và công nhận của Giáo quyền.

Vì vậy, thánh Tôma thật có lý khi ngài đặt vấn đề với Chúa. Và, ngài đòi hỏi để chứng minh rằng ngài tin vào một Đấng là Thiên Chúa thực sự, và ngài đã được Chúa cho mãn nguyện, để rồi cuối cùng ngài xác quyết niềm tin đó của mình. Còn nếu chúng ta không đặt vấn đề, không tìm hiểu, không đòi hỏi phải có những minh chứng cụ thể thì sao?! Tôi không biết niềm tin đó sẽ đi về đâu! Và, hơn thế nữa, niềm tin lại còn đặt rất bừa bãi vào những hiện tượng, những con người, những thứ như là phép thuật, ma thuật, bói toán… rồi tạo thành những phong trào ào ạt, náo loạn!….Người xưa có câu “chân nhân bất lộ tướng”. Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ai khi họ còn sống dù đời sống họ có thánh thiện đến mấy đi nữa. Vì biết rằng thân phận con người mong manh lắm! Chỉ nhờ ơn Chúa, chúng ta mới vượt qua và đi hết quãng đường trần gian này trong ân nghĩa với Chúa mà thôi.

Nếu bạn và tôi, chúng ta bình tâm nhìn lại thì không khó để thấy rằng thời chúng ta đang sống có rất nhiều sự nhiễu nhương, hợm hĩnh và lố bịch lắm! Niềm tin bị hạ thấp đến mức người ta dễ dàng tin vào những dự đoán tầm phào, bừa bãi được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội, gây không biết bao nhiêu là thiệt hại cho những người nhẹ dạ. Ngay như việc phong thánh trong Giáo Hội cũng bị tục hóa, lạm dụng và bóp méo khi có những người tự cho mình là “thánh” hoặc được người khác gọi là “thánh” như “thánh rắc muối”, “thánh chơi đàn”... tệ hơn hết là “thánh chửi” lại được phong cho một bé gái !? Tôi không hiểu bố mẹ của em nghĩ gì? Những người lớn nghĩ gì? Trò đùa lố bịch, nhảm nhí gì chăng? Rồi còn có thêm những “thánh tướng” gì nữa đây? Tôi không biết. Rồi, có biết bao những niềm tin lệch lạc, đặt nhầm chỗ đã gây ra những cái chết hết sức thương tâm mà lại vô cùng ngớ ngẩn! Một vị thánh đã nói: Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, và hiểu biết để củng cố và làm cho đức tin thêm lớn mạnh.

Chúa Giêsu đã sẵn sàng làm mãn nguyện khát vọng của Thánh Tôma là được chạm đến Chúa để ông tin. Nhưng Ngài cũng mời gọi tôi hãy tin vào những chứng nhân của Chúa - những người đã được sống với Chúa và được Chúa tỏ mình ra. Có những điều vượt quá sự hiểu biết nhưng lại đòi buộc tôi phải tin.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã không ngại làm thỏa mãn những yêu cầu, những khát mong của con người chúng con để chúng con tin. Cảm ơn thánh Tôma tông đồ đã mạnh dạn và thẳng thắn nói lên yêu cầu, đòi hỏi của ngài để được gặp Chúa và để xác tín cho niềm tin của ngài và từ đó ngài mạnh mẽ trao truyền niềm tin đó cho mọi người, trong đó có chúng con. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con và xin thánh Tôma bầu cử cho chúng con, nhất là cho giới trẻ và những người trong thế giới ngày nay biết đặt vấn đề, biết tìm kiếm Chúa theo đúng con đường mà Chúa mời gọi: Không đóng cửa niềm tin, nhưng cũng không dễ dãi trong niềm tin để đưa đến những sự sai lạc thiệt hại cho bản thân và cho nhiều người khác.