Ơn trực cổng trời



_Người môn đệ Chúa yêu_

Ơn kêu gọi


Từ khi tôi có trí khôn, tôi đã thấy bố mẹ tôi “có thói quen” gặp bất cứ ai đi tu đều giới thiệu về tôi rằng: “Sau này con bé sẽ dâng mình cho Chúa”. Tôi không hiểu tại sao bố mẹ lại làm như thế và cho tới bây giờ tôi cũng không hỏi bố mẹ tôi về điều đó. Tôi chỉ láng máng theo trí khôn tuổi thơ lúc ấy hiểu rằng đó là một điều gì đó tốt đẹp dành cho tôi. Có lần tôi được theo mẹ đến thăm một sơ Dòng Mến Thánh Giá đã lớn tuổi (và theo họ hàng thì đó là bà của tôi, lúc đó tôi khoảng 8-9 tuổi). Bà hỏi tôi “Con có thích đi tu không?”, tôi gật đầu “Dạ có!”, (và đó chỉ là thói quen ngoan ngoãn của tôi từ khi tôi tập nói đã được bố mẹ dạy cho như vậy thôi!..). Bà liền nói với tôi: “Con ơi! Nếu người ta biết: được dâng mình cho Chúa, được ở gần Chúa, sống với Chúa hạnh phúc biết chừng nào, thì người ta sẽ trèo cổng vào đây đi tu hết và không còn chỗ cho con đâu.” Tôi nhớ, ngay lúc đó thì tôi suy nghĩ và tôi không hiểu cũng không tin lời bà nói. Tôi chỉ nhận định thầm theo trí ngây thơ của tôi: “Không biết lớn lên mình có “dâng mình cho Chúa” không đây, nhưng cuộc sống trong nhà dòng như thế này chẳng có gì vui vẻ: không được mặc quần áo đẹp, không được đi đây đi đó theo ý mình, không được sống theo sở thích của mình, mà phải theo một khung giờ giấc đã được người ta quy định và cuộc sống mà ngày nào cũng vậy thì thật là nhàm chán nếu không muốn nói là đáng sợ!!.”.

Sau này, khi tôi dần lớn khôn hơn, Chúa đã ban ơn Đức Tin cho tôi để tôi có thể cảm nhận phần nào sự hiện diện yêu thương an bình của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể và trong tâm hồn tôi mỗi khi tôi cầu nguyện. Mười tám tuổi, tôi vào nhà dòng, bắt đầu hành trình “dâng mình cho Chúa”. Đến nay, hơn 20 năm “dâng mình cho Chúa”, đối với tôi đó là hành trình để Chúa dạy tôi cách tìm ra và đạt được hạnh phúc thật; đó là cũng là hành trình để Chúa ban cho tôi những cơ hội “kiểm chứng” lời bà tôi đã nói với tôi khi xưa và cũng là “gẫm bằng đời sống” lời trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mà tôi được “học thuộc lòng” về cùng đích của đời người: “Hỏi ta sống trên đời này để làm gì? -Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ đạt tới quê Trời.” [SGL.1-3, 358].

Khi “đi tu” tôi đã có một cuộc đời thi vị nhiều màu sắc hơn tôi tưởng!. Tôi đã trải qua “tuổi trẻ trâu!” với những cuộc đấu tranh trong tâm hồn giữa những lời mời gọi của thực tại “con người tham- sân- si” và lời mời gọi rất mãnh liệt dõi bước theo những người cũng hèn yếu như tôi mà đã nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”. Đời tu, không cho tôi những tri thức và bằng cấp như các bạn trẻ thành đạt ngoài đời; nhưng tôi được đi vào hành trình huấn luyện một người sống Đời Thánh Hiến. Hành trình đó cho tôi biết bao cơ hội để mở ra các chiều kích về con người và vận mạng đời người, từ cái nhìn theo các triết lý tự nhiên của người đời đến cái nhìn theo Đức Tin mà Mẹ Hội Thánh chỉ dạy trong dòng lịch sử nhân loại. Lại cũng vì tôi được làm “sơ”- “người của Chúa”, tôi đã được trao gửi biết bao tâm sự, gặp biết bao tâm hồn. Những điều đó giúp tôi nhận ra tôi được Thiên Chúa yêu thương - được là đối tượng tình yêu cá vị và tuyệt đối đối với Người, giúp tâm hồn tôi đi sâu hơn vào mối tương quan đối với Thiên Chúa và nhận biết hạnh phúc thật của mình là gì.

Chúa đã “theo hướng đó” mà “quyến rũ” tôi, Người làm cho tôi “phải khắc khoải mãi” cho tới khi tôi được “nhốt” mình vào Đan viên Đa Minh này. Nơi đây, (những điều mà xưa kia khi còn bé tôi thấy là buồn tẻ đến khủng khiếp!...) lại trở nên những gì tốt đẹp cao quý và đáng ước mơ nhất của đời tôi, chỉ vì tất cả đã trở nên phương tiện để tôi được ở gần Chúa, được sống với Chúa để tiếp tục “câu chuyện tình của tôi với Người cách thân mật và sâu xa hơn”. Trong dòng kín, Mẹ Giáo Hội đã dành những đặc ân cao cả để nếp sống ấy giúp tôi “hưởng kiến Chúa” ngay tại thế, và “thu hồi” mọi sự nơi con người mình cho riêng Chúa.

Ở lại trong tình yêu


Mỗi cuộc đời có một hành trình độc nhất vô nhị, nhưng tôi tin rằng vẫn có mẫu số chung về điều mang lại hạnh phúc sâu xa và chân thật cho mỗi người là nhận ra ý nghĩa sự có mặt của mình trên cõi đời này, là yêu và được yêu. Những điều đó Chúa đã dần dần ban cho tôi. Nhưng như Thánh Phaolô nói “Điều tôi muốn tôi lại không làm mà điều tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Đời sống tôi vẫn là cuộc giằng co giữa ánh sáng và bóng tối, và luôn có những “thế lực” đối nghịch làm tôi quên đi “Quê Hương’’ và niềm vui thật của mình. Càng ngẫm nghĩ về những điều này tôi càng cảm thấy ơn Chúa thật là lớn lao và kỳ diệu. Người dự liệu tất cả mọi linh dược và phương tiện cho con người tiến đến gần Người. Chính Chúa Thánh Thần dẫn dắt và khơi lên trong tôi tình yêu Chúa dành cho tôi. Chính Ngài đã khơi lên trong Giáo Hội những “Kiểu Sống” đặc biệt, trong đó có ơn gọi đời sống đan tu trong dòng kín. Người dành nếp sống ấy làm “dấu chỉ sự kết hợp độc quyền của Giáo hội với tư cách là Hiền thê với Chúa của mình, Đấng mà Giáo hội yêu thương trên hết mọi sự”, cho thấy đây là một ân sủng độc nhất và một món quà quý giá trong mầu nhiệm thánh thiện của Giáo Hội. Với sự chú ý hoàn toàn đến lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17), ơn gọi này cho tôi luôn được “ở bên Người trên núi thánh” (2Pr 1:17-18). Trong ơn gọi này, tôi có cơ hội hướng cái nhìn của mình lên Chúa Giêsu Kitô, được che phủ trong đám mây hiện diện của Thiên Chúa, được hoàn toàn gắn bó với Chúa. (x. Huấn thị VERBI SPONSA về đời sống chiêm niệm, số 1).

Thật vậy, tôi có thể nhận ra tình yêu Chúa và thiết tha đáp trả, nhưng tôi không tự mình làm cho tình yêu ấy được luôn cháy bừng và sống động. Thế nên nếp sống này đã cho tôi được sống với sự bảo vệ không chỉ của bốn bức tường vật chất, mà còn bởi những “đám mây” vô hình của ân sủng Chúa: Nếu có những lúc xác thịt tôi nặng nề muốn nằm mê trên gối ươn lười, thì đã có tiếng chuông linh thiêng, tiếng bước chân hăng hái của những người trinh nữ bên cạnh “nâng” tôi bật dậy và hưởng niềm vui được hân hoan ca tụng Chúa; Nếu có những lúc trí lòng tôi nghi ngại, chẳng còn thấy niềm vui phục vụ, chẳng còn thiết tha hướng lên trời cao…thì nơi đây Lời Chúa cứ liên tục liên tục được công bố để khơi lại lòng mến, nhắc nhở niềm vui, khiển trách dạy dỗ và đưa tôi trở lại với Tình Yêu của mình; Nếu có lúc nào tôi khô khan nguội lạnh, thì lửa mến của chị em, hy tế hằng ngày của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể - lễ hy sinh của Người lặp lại trên bàn Tiệc Thánh, tiếp diễn trong các chi thể mầu nhiệm của Người (là những người đến xin cầu nguyện, những khổ đau của nhân loại) lại khơi bừng lửa trong tôi. Thật là tôi đã được sống trong nơi mà Chúa đã dự liệu mọi ân sủng để “giữ” tôi được ở lại trong tình yêu của Người.

Kín ẩn và Lặng lẽ! Vì Chỉ có một điều cần thôi!


Đời sống chiêm niệm Chúa ban cho tôi là sự “rập khuôn” với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu “trên núi”, hoặc nơi thanh vắng không thể tiếp cận được với tất cả mọi người mà chỉ dành cho những người được Người kêu gọi. Ở bên Người, tách biệt khỏi những người khác (x. Mt 17:1-9; Lc 6:12-13; Mc 6:30-31; 2 Pr 1:16-18). Chúa Con luôn kết hợp với Chúa Cha (x. Ga 10:30; 17:11), nhưng trong cuộc đời của Người có những giây phút đặc biệt của sự cô tịch và cầu nguyện, gặp gỡ và hiệp thông, khi Người vui mừng về tư cách làm Con Thiên Chúa của mình. Bằng cách này, Người thể hiện động lực yêu thương và sự chuyển động không ngừng của bản thể Người là Con hướng về Đấng đã sinh ra Người từ cõi vĩnh hằng.

Việc kết hợp đời sống chiêm niệm với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở nơi thanh vắng là một cách thức độc đáo để chia sẻ mối quan hệ của Chúa Kitô với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn Chúa Giêsu vào sa mạc (x. Lc 4,1), mời gọi tôi chia sẻ nỗi cô tịch của Chúa Giêsu Kitô, Đấng “với Thần Khí vĩnh cửu” ( Dt 9,14) đã hiến mình cho Chúa Cha. Phòng giam đơn độc, đan viện khép kín, là nơi mà tôi được là hiền thê của Ngôi Lời Nhập Thể, sống hoàn toàn tập trung với Chúa Kitô trong Thiên Chúa. Do đó, khu rào kín, ngay cả dưới hình thức vật chất, là một cách đặc biệt để ở với Chúa, chia sẻ vào việc “Chúa Kitô tự hủy mình bằng sự nghèo khó triệt để, được thể hiện qua việc từ bỏ không chỉ mọi sự mà còn cả không gian, và còn rất nhiều điều tốt lành của công trình sáng tạo nữa”. Để kết hợp với sự thinh lặng phong phú của Ngôi Lời trên Thập Giá. Như vậy, rõ ràng là “việc rút lui khỏi thế gian để dấn thân trong cô tịch cho một đời sống cầu nguyện mãnh liệt hơn, không gì khác hơn là một cách sống đặc biệt và diễn tả Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô”. Đó cũng là một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Phục Sinh, một cuộc hành trình không ngừng đi lên nhà Chúa Cha. (x. Huấn thị VERBI SPONSA về đời sống chiêm niệm, số 3).

Một “Hành trình không ngừng đi lên nhà Chúa Cha” theo tôi hiểu đó là một tâm hồn luôn hướng về Chúa và ở lại với Chúa. Gẫm về điều này trong ơn gọi của tôi, tôi tạ ơn Chúa vì Cha Thánh Đa Minh của tôi. Tình yêu khiến Cha Thánh luôn luôn hướng về Thiên Chúa. Nhưng Người vẫn thấy điều đó là chưa đủ, Tình yêu của Người dành cho Thiên Chúa rất sống động và sáng tạo, tôi nghĩ rằng vì Cha Thánh có ước ao mãnh liệt muốn dành riêng chính mình cho Chúa thôi. Giống như thánh Phaolô trong sự giằng co của mình “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki tô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” Pl 1,23-24. Thế nên, Cha Thánh “có sáng kiến”: Người dành ban ngày cho tha nhân, và khi đêm về cho riêng mình Chúa. Mặc dù vậy, như người ta nói: tình yêu không bao giờ có mức độ, không lấy thế làm đủ, Cha Thánh muốn Thiên Chúa phải được yêu mến nhiều hơn nữa nơi các tâm hồn. Người lập ra Đan Viện cho các chị em mà chính người đã chinh phục về cho Chúa để họ chỉ còn dành riêng cho Chúa cách tuyệt đối tình yêu và cuộc sống của họ.

Tôi trộm nghĩ, mình có phúc hơn chị Maria khi xưa biết bao: vì khi xưa, chị ngồi bên chân Chúa hưởng hạnh phúc của người môn đệ lắng nghe Lời Thầy, lại không được chị Martha hiểu và đã bị chị phiền trách. Còn tôi bây giờ là người con trong Gia Đình Hội Thánh, là người em trong gia đình Đa Minh, không những không bị chê trách, lại còn được mọi người yêu thương bảo vệ chăm sóc và như nói: “Em hãy cứ ngồi yên đấy, hãy lắng nghe và yêu mến Chúa, hãy đón tiếp Lời vào lòng em thật chăm chú và âu yếm, các việc khác anh chị lo cho. Chúng ta là một trong Thân Thể Hội Thánh: công việc phục vụ của anh chị cũng là của em, tình yêu mến và lời cầu nguyện của em cũng là của anh chị, mọi người rất hạnh phúc khi thấy em ngồi bên chân Chúa để Người được thoả lòng.”

“Ở đây thật là hay, chúng con xin dựng ba cái lều!” Hạnh phúc ấy khi xưa Thánh Phêrô ước ao lắm mà Thầy Giêsu chưa cho. Nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ đáp ứng. Các Đấng kế vị Thánh Phêrô và biết bao bậc Cha Anh Thánh Thiện trong Hội Thánh sau này đã “dựng lều” và dành hạnh phúc ấy cho những người sống đời đan tu, đó là hồng ân lớn lao tôi đang được đón nhận trong ơn gọi chiêm niệm Đa Minh này. Tôi xin tạ ơn Thiên Chúa của tôi, đã dựng nên tôi, cho tôi biết Người yêu tôi và cho tôi được ở kề bên Người: Đó là hạnh phúc của Thiên Đàng mà ngay bây giờ tôi đã được nếm hưởng rồi!