Luật nội vi Giáo Hoàng



_Đs A.Jeanne of The Holy Eucharist OP_

Có những bạn trẻ đến tìm hiểu ơn gọi đan viện Đa Minh của chúng tôi. Họ hỏi đến những điều kiện, nếp sống của Đan viện…, và rồi đặt câu hỏi: “Có được về thăm gia đình không?” 
- Sau khi nhận được câu trả lời, họ buồn bã ra đi như người thanh niên trong Tin Mừng (Mt 19,22…). 
-Lý do? 
-Thưa: Vì Đan viện chúng tôi tuân giữ "luật Nội vi Giáo Hoàng". 
Có bậc phụ huynh gọi điện thoại đến Đan viện xin cho người con trong đan viện được về mừng kỷ niệm Kim Khánh Hôn Phối của ông bà cố. Câu trả lời được gửi lại: “Chúng con chúc mừng ông bà cố nhé. Chị M… và cả Đan viện chúng con sẽ cầu nguyện cho ông bà cố trong dịp đặc biệt này nhé. Nhưng Chị M… không được về ông bà cố ạ. Xin Thiên Chúa điền vào chỗ trống của Chị M… ạ” 
- Tại sao? 
- Thưa vì luật Nội vi Giáo Hoàng. Lại cũng có nghe những lời nhận xét, phê bình: “Hội Thánh dần dần cũng cởi mở rộng rãi hơn, chắc trong tương lai luật Nội vi Giáo Hoàng cho các nữ đan sĩ sẽ rộng rãi hơn chứ không nghiêm ngặt như ngày nay chăng?

Vì thế Bài viết này muốn trình bày vắn gọn về luật Nội vi Giáo Hoàng dành cho các Nữ Đan Sĩ sống đời hoàn toàn chiêm niệm. Đồng thời cũng xin chia sẻ một chút kinh nghiệm của người đã được sống theo ơn gọi này.

1.Luật Nội vi Giáo Hoàng


Từ “nội vi”, thường chỉ được dùng để nói trong các cộng đoàn tu trì. Nhưng thực ra mỗi gia đình cũng đều có khu nội vi riêng. Nội vi nhằm bào quản cái “riêng tư” của gia đình đó. Người ngoài, khách lạ chỉ được phép ở trong phòng khách, nếu họ không được chủ nhà mời đi sâu vào phạm vi riêng của chủ nhà. Điều này ai cũng đồng ý vì rất hợp lý, rất cần thiết không cần giải thích gì hơn. Tuy nhiên “nội vi” khi dùng trong cộng đoàn tu trì, ngoài nghĩa vật chất, bên ngoài, mà còn chỉ cả về mặt tinh thần, ý hướng trong tâm hồn.

Trong tông huấn Vultum Dei Quaerere giải thích: Sự tách biết thế giới bởi nội vi là điều cần thiết cho những ai bước theo Đức Kitô. Nội vi cần thiết như hàng rào, như cổng đóng giúp giữ an toàn về vật chất, tạo sự an bình trong tâm hồn cho cộng đoàn, cho mỗi thành viên, như thành trì bảo vệ đời sống tu trì (x. VDQ, 31). 
Theo Giáo luật, luật nội vi gồm có 4 hình thức và cấp độ khác nhau, từ ít giới hạn, ít chặt chẽ nhất, đến loại nội vi nghiêm nhặt nhất đó là: 
1/ Nội vi phổ quát
2/ Nội vi đan viện
3/ Nội vi theo Hiến Pháp Dòng 
4/ Nội vi Giáo Hoàng (x. GL 667) 

 Nội vi phổ quát áp dụng chung cho các dòng tu, chỉ những thành viên trong dòng tu đó mới được phép vào. Nội vi phổ quát ít giới hạn nhất trong 4 loại. Còn 3 loại nội vi còn lại, thì dành cho các cộng đoàn chiêm niệm, còn gọi đan viện.

Đan viện là những cộng đoàn tu trì sống theo nếp sống chiêm niệm, cuộc đời đan tu. Đời sống chiêm niệm hướng về đời sống cầu nguyện, cô tịch nhiều hơn. Các dòng tu hoạt động tông đồ hướng về công việc tông đồ nhiều hơn. Các dòng tu đều có nội vi, vì thế các đan viện cũng có luật nội vi gọi là Nội vi đan viện. Đan viện “giữ kỷ luật nghiêm nhặt hơn so với nội vi phổ quát, chức năng chính yếu là mở cửa cho việc tham dự thờ phượng Thiên Chúa. Ngoài ra, còn được phép có những hình thức tiếp đón, hoặc lưu trú rộng phép hơn tùy theo Hiến Pháp của mỗi đan viện”, đó là Nội vi Hiến Pháp (VDQ 31). Cuối cùng cách riêng Nội vi Giáo Hoàng dành cho các nữ đan viện hoàn toàn sống đời chiêm niệm.

Gọi là nội vi Giáo Hoàng vì được Đức Thánh Cha Boniface VIII thiết lập năm 1298, “phù hợp với các quy tắc được Tòa Thánh đưa ra, và loại bỏ những việc tông đồ bên ngoài" (Cor Orans 183). Giáo Luật còn nhấn mạnh: “Các đan viện chiêm niệm luôn luôn có một chỗ đứng nổi bật trong nhiệm thể Đức Kitô: thật vậy họ dâng lên Thiên Chúa một hy lễ ngợi khen tuyệt vời, làm vẻ vang dân Chúa bằng những hoa trái thánh thiện, họ khích lệ dân Chúa bằng gương sáng, và làm cho dân Chúa phát triển nhờ thành quả của việc tông đồ âm thầm. Vì vậy, dù những nhu cầu của hoạt động tông đồ thật cấp bách, thì cũng không thể kêu gọi những thành viện của các đan viện ấy cộng tác vào các thừa tác mục vụ khác nhau” (GL 674). Nội vi Giáo Hoàng, cơ bản phải được sắp xếp để đạt được sự kết hợp với Chúa trong việc chiêm niệm. Các thành viên trong đan viện hướng tất cả mọi hoạt động, cả bên trong lẫn bên ngoài, vào việc tìm kiếm mãnh liệt và liên lỉ sự kết hợp với Thiên Chúa trong đan viện và chiêm ngắm Thánh Nhan Ngài. Tông huấn Vultum Dei Quaerere giải thích thêm về ý nghĩa của nó: “Nội vi Giáo Hoàng là cung thánh bên trong của Giáo Hội Hiền Thê: ‘dấu chỉ của sự kết hiệp của Giáo Hội Hiền Thê dành riêng cho Chúa, Đấng mà Giáo Hội yêu mến trên hết mọi sự” (VDQ 31).


2.Trải Nghiệm Sống luật Nội vi Giáo Hoàng


Theo cái nhìn của người “bên ngoài” thì Nội vi Giáo Hoàng là một cái ách nặng nề, bị cấm đoán, phải thi hành điều luật…, tất cả những từ ngữ mang tính tiêu cực. Thế nhưng đối với những người “bên trong” thế nào với khoản luật này? Xin minh chứng những trường hợp cụ thể

Các nữ đan sĩ Đa Minh trong mỗi dịp họp kỷ luật hàng tháng, sau lời cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, là tới lời cầu nguyện cho các ân nhân. Ân nhân đầu tiên phải kể là Đức Giáo Hoàng, vì đã ân ban luật Nội vi Giáo Hoàng. Trong tâm tình tri ân đặc ân kỷ luật này, nên ngay lúc đó, các đan sĩ dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho vị Giáo Hoàng. Điều này cho thấy Nội vi Giáo Hoàng là một ân ban cao quý mà các đan sĩ trân trọng, yêu mến.


Khi tôi đang làm năm tập ở Đan viện Mẹ bên Hoa Kỳ, gần đan viện có một giáo xứ người Việt. Cha xứ cũng là người Việt Nam. Cha nghĩ thật tội nghiệp cho chúng tôi, vì phải xa gia đình, xa quê hương, và thèm những món ăn quen thuộc của Việt Nam, nên thỉnh thoảng lại gửi vào đan viện những món ăn hợp khẩu cho chúng tôi, người Việt Nam. Vào dịp Tết Nguyên Đán, cha liều xin phép Sơ Đan viện trưởng cho chúng tôi đến chơi ở giáo xứ Việt Nam của cha từ sáng tới chiều. Điều này đúng ra không thích hợp, nhưng Sơ Bề trên phần vì nể cha, phần vì cũng thương chúng tôi phải xa quê hương nên đã chấp nhận lời thỉnh nguyện của cha. Khi Sơ đan viện trưởng cho chúng tôi, chị em Việt Nam biết vấn đề này, chúng tôi cũng không hứng khởi lắm, nhưng Sơ nói cứ đi đi cho cha vui, sợ cha buồn và hiểu lầm về các Sơ là không biết thông cảm. Vì thế chính Sơ đan viện trưởng và Sơ giáo dùng xe nhà dòng đưa chúng tôi đến tận giáo xứ của cha, rồi các ngài ra về. Chúng tôi đã ở lại cùng chung vui với anh chị em giáo dân Việt Nam của giáo xứ, được cùng trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mà trong đan viện chúng tôi phải nói tiếng Anh, cùng được ăn những món ăn Việt từ hồi thơ bé, cùng vui niềm vui của truyền thống dân tộc “con Rồng cháu Tiên”, được nghe những bài “táo quân”, được hát những bài hát dân ca…


Sau một ngày ra khỏi nội vi đan viện, thực ra cũng có chút niềm vui nào đó với những anh chị em hiện nay cùng xa quê, và hôm nay được gặp nhau. Thế nhưng thực tận sâu thẳm, chúng tôi thấy có điều gì “rông rỗng”, “thiêu thiếu”, thiếu cái chất “chốn nội vi đan viện”. Sự thinh lặng và cô tịch mà ngày hôm đó chúng tôi đã bị mất và không đền bù được. Nhìn lại những giờ phút đã qua, chúng tôi thấy tâm hồn “trống rỗng”, thân xác “mệt mỏi”. Chúng tôi đã nuối tiếc cho một ngày qua đi mà không có niềm vui đích thực. Năm sau, cha lại xin phép Sơ đan viện trưởng cho chúng tôi cái ân huệ như năm trước, nhưng chúng tôi đã vội vàng chối từ, xin cho chúng tôi được “bình an”. Đây là cảm nghiệm rất thực trong cuộc đời. Quả thực Nội vi Giáo Hoàng là một ân ban cao cả.

Lạy Chúa con tạ ơn Chúa về hồng ân Chúa đã dành riêng cho một số người, trong đó có con. Nội vi Giáo Hoàng cho con quyền được dành trọn vẹn thời gian cho Chúa, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Nếu không vì bệnh tật con không phải ra ngoài nội vi để đi bệnh viện; nếu không vì ích lợi chung mà con phải ra ngoài nội vi để làm việc bổn phận, con được sống ẩn thân trong chốn cô tịch suốt đời là một hạnh phúc lớn lao biết bao!

“GIÊSU NGƯỜI YÊU” – em yêu – yêu em.
Trái tim non, hạnh phúc tận cõi lòng.
Trong nội vi, cung cấm, chốn loan phòng.
Tim kề tim, mình Ngài, em thỏ thẻ."