Con đường tự huỷ




_Cecilia Hương Thao_


Chuyện kể rằng: “Ở một nông trại nọ, có một chú ngựa và một chú lừa chung sống với nhau. Vào thời chiến, chú ngựa được chủ trang bị cho đầy đủ cả trong lẫn ngoài để nó trở thành một con tuấn mã sẵn sàng ra chiến trận, nó nghiễm nhiên trở thành một con vật không thể thiếu trong chiến tranh. Còn chú lừa thì ngược lại, không kể ra có lẽ ai cũng biết, lừa là một con vật chuyên thồ những đồ vật nặng, chậm chạp và quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong phạm vi từ nông trại ra chợ và ngược lại. Thời chiến đi vào dĩ vãng, hòa bình lên ngôi, lúc này ngựa và lừa đều như nhau khi sống trong nông trại. Vào một ngày đẹp trời, lừa và ngựa được giao chở những chuyến hàng nặng ra chợ, đây cũng là cơ hội để chúng được chia sẻ về cuộc sống riêng của nhau.

Lừa khiêm tốn hỏi ngựa: “Anh ngựa ơi! Anh có thể kể cho em nghe cuộc đời chinh chiến của anh cho em nghe được không?
Như cá gặp nước, như chim sổ lồng, ngựa ta thao thao bất tuyệt chia sẻ thời chinh chiến hoành tráng, vẻ vang lừng lẫy của mình cho lừa nghe tựa như một bài diễn văn của sinh viên thần học. Ngựa bắt đầu: “Ôi trời! Chú mày dỏng tai lên mà nghe này, ai như chú mày suốt ngày lầm lũi với những kiện hàng nặng nề và những tháng ngày lặp đi lặp lại cách nhàm chán, ra chiến trường anh đây đã xông pha bao phen lẫm liệt, oai hùng khi quân giặc xông đến, anh đã giúp chủ nhân diệt được bao là quân địch”. Ngựa kể trang sử những ngày tập luyện và các chiến công đã lập được với vẻ mặt hết sức đắc thắng và vênh vang. 
Sau một hồi nổ vang trời, ngựa mới hỏi lừa: “Thế còn chú mày thì sao?” Lừa lại một lần nữa nhún nhường kể chương trình sống của mình cho ngựa nghe. Vừa nghe ngựa vừa dè bỉu một chương trình tẻ nhạt, vẻ mặt đầy kiêu hãnh cho huân công sự nghiệp “vang bóng một thời” của mình, nhưng nói đi nói lại thì những huân công đó đã là quá khứ. Giây phút hiện tại, ngựa đang làm cùng một công việc như lừa mà thôi. 
Câu chuyện của lừa và ngựa chưa kết thúc thì chủ nông trại đã chất lên lưng ngựa những kiện hàng thật lớn và nặng, đó là vải và bông khiến ngựa muốn oằn cả lưng và quỵ cả chân, còn lừa đã quen với những kiện hàng như thế nên vẫn bình thản để chủ chất hàng lên. 
Đi được nửa quãng đường, ngựa liền nói với lừa: “Lừa ơi, em đã quen mang vác những thứ hàng này, em gánh giúp anh thêm một ít được không?” Lừa lại hiền từ đáp: “Anh bỏ qua đây, em gánh cho”. Sau khi trút được một gánh, ngựa toan tính chạy thật nhanh ra chợ để về nhà trước nhưng lừa nói với ngựa: “Anh ngựa ơi! Có lẽ chúng ta nên tìm chỗ nào đó trú thôi vì trời sắp mưa rồi". Nhưng ngựa không nghe, lại ra vẻ đàn anh, liền nói với lừa: “Chú mày cứ lo xa, anh đây chạy một phát là tới nơi.” Nói là làm, ngựa ta phóng như lao để lại cho lừa cả một vùng trời bụi mịt mù. 
Sau cơn mưa như trút nước, lừa tiếp tục hành trình, đi được một đoạn, lừa thấy ngựa đang lê từng bước nặng nề gần như không nhấc nổi chân nữa, vì ngựa bị mắc mưa, thân mình ướt sũng, nước mưa thấm vào vải và bông, nó kéo ghì thân xác ngựa. Ngựa quen đi chinh chiến chứ đâu quen thồ hàng như thế này nên không chịu nổi cũng phải. Lúc này đây, ngựa chỉ biết cúi gầm mặt xuống lộ rõ sự hổ thẹn đối với lừa. Sau đó, cả hai đều về nhà và hoàn thành nhiệm vụ của ngày hôm đó, cả hai đều rút ra được bài học nhưng điều quan trọng là chúng có biết đưa bài học đó ra thực hành trong đời sống hay không?...

Một ngày mới đã bắt đầu, hôm nay khác với những ngày khác, hôm nay ở nông trại có khách viếng thăm, hai vị này từ Bết-pha-ghê đến, hai vị đó nói với chủ nông trại rằng: “Chúa chúng tôi cần một con vật để Người cưỡi vào thành Thánh Giêrusalem”. Nghe sơ được câu chuyện của chủ. Lừa liền hỏi ngựa: “Anh ơi, không biết ai sẽ được chọn anh nhỉ?” Như chỉ chờ có thế, ngựa liền đáp: “Không lẽ ông chủ lại chọn chú mày à, vừa chậm lại khù khờ nữa. Đương nhiên, ông phải chọn anh chứ, một con tuấn mã cường tráng, đầy kinh nghiệm trên thao trường và nơi công chúng.” 
Lừa bồi thêm: “Anh nói chí phải, anh mới xứng chở Chúa chứ em chỉ quen chở hàng hóa thôi.” 
Nói xong, lừa tiếp tục công việc của mình còn ngựa thì hí hửng chờ đợi. Sau khi chủ và vị khách trao đổi xong, vị khách tiến ra ngoài và đến nơi lừa và ngựa đang làm việc và nói: “Tôi chọn chú lừa này." 
Lúc này đây, cả lừa và ngựa đều không thể ngờ và cả hai có những suy nghĩ và tâm trạng khác nhau,....Lừa được vị khách dắt đi hiên ngang trước mắt ông chủ và ngựa....”.(Sưu tầm)

Tôi đọc được câu chuyện này cách đây hai năm, nó đọng lại trong tôi những suy tư về sự khiêm nhường. Chú lừa trong câu chuyện thật khiêm nhường vì lừa ý thức được ân huệ và nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho.

Nếu là tôi, tôi sẽ không vênh váo lên mặt dạy đời như ngựa vì cả ngựa và lừa đều là thụ tạo của Chúa nên không ai hơn ai trên đời này cả. Nhưng không ai biết trước được chữ “ngờ”. Có khi ở vào trường hợp đó, không khéo con lại ngạo mạn và ngông nghênh hơn ngựa thì sao?...

Nếu là tôi, bị bẽ mặt lần một với lừa, tôi sẽ không dám kênh kiệu lần hai nhưng ....

Nếu là tôi, tôi sẽ suy nghĩ và rút ra bài học cho những lần kiêu ngạo vì kết quả thu lại được chỉ là sự bẽ bàng, đau khổ,...

Tôi nhận ra rõ bài học khiêm nhường trong câu chuyện trên nhưng không phải là những định nghĩa nhưng là phải sống..... Một điểm nữa tôi nhận ra nơi câu chuyện là Người chọn lừa để cưỡi vào thành Thánh Giêrusalem, tại sao lại chọn lừa mà không phải là ngựa? Tại sao Chúa không chọn cao sang quyền quý mà nhận lấy sự khiêm nhường đơn hèn. Sau khi nhìn và gẫm suy cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, tôi nhận thấy để phát ra hai từ “khiêm nhường” thì quá dễ dàng nhưng để sống trọn hai từ đó không phải là chuyện đơn giản, có những lúc tôi nghĩ sao Chúa lại phải sống khiêm nhường và dạy tôi sống khiêm nhường, có khi tôi không muốn sống khiêm nhường cũng không muốn cố gắng một chút nào cả, mặc kệ muốn ra sao thì ra nhưng khi lắng, tôi thấy thương Chúa, chỉ vì quá yêu tôi và anh chị em tôi mà Người đã chọn sống khiêm nhường để tôi được “sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10), tôi nhận ra rằng chỉ có khiêm nhường mới đưa tôi đến được với bến bờ hạnh phúc trong đời sống vĩnh cửu nơi Thiên Quốc. Ngước nhìn lên thánh giá và nhà tạm rồi tôi lại cúi xuống nhìn mình và ngược lại, tôi thấy hạnh phúc và bình an vì tôi đã, đang và sẽ đi theo Chúa Giêsu Kitô Hoàng Tử Bình An của lòng tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy quặn lòng, xót xa vì những gì tôi đã làm Chúa tổn thương. Với tình yêu “thủy tinh” và những cảm nghiệm của tôi với Chúa trong cuộc sống hằng ngày, tôi nhận thấy tôi khao khát và cần phải sống khiêm nhường. Vậy khiêm nhường là gì mà Người muốn tôi học và sống....

Qua cuộc đời của Người, tôi học sống khiêm nhường:

-Đức Giêsu Kitô đã hạ mình trở nên một người Do Thái, là phần tử của một dân tộc sau khi bị lưu đày ở Babylon lại rơi vào sự thống trị của người Ba Tư rồi đến người Hy Lạp và sau cùng là người Rôma (dẫn vào Tân Ước).

-Người chọn sinh ra từ một nguồn gốc không mấy trong sáng, thánh thiện (Mt 1).

-Người khiêm tốn xin ông Gioan làm phép rửa để “giữ trọn đức công chính” dù Người chẳng có tội gì. (Mt 3)

-Người chịu quỷ cám dỗ và khiêm nhường tin tưởng vào Cha (Lc 4).

-Người khiêm nhường chọn lựa những môn đệ ít học, cộc cằn, thiếu hiểu biết, tội lỗi, quê mùa để theo Người. (Mt 4)

-Người thương xót chữa lành và rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. (Lc 6)

-Người khiêm tốn rút lui khi họ muốn tôn người lên làm Vua. (Mt 14)

-Người khiêm nhường sống và dạy các môn đệ sống khó nghèo trong tâm hồn, hiền lành, xót thương, tha thứ. (Mt 5)

-Người khiêm tốn sống lề luật Môsê và kiện toàn cho đến sự hoàn thiện. (Mt 5)

-Người khiêm tốn thỉnh ý Cha trong mọi biến cố. (Lc 6)

-Người khiêm tốn đón nhận những thất bại khi đi rao giảng. (Mc 6)

-Người khiêm tốn nộp thuế cho người đời. (Mt 17)

-Người đón nhận sự cô đơn khi các môn đệ sống cùng không chung chí hướng. (Mc 9)

-Người đón nhận những âm mưu của các Thượng tế và Kỳ mục, đón nhận người môn đệ bán mình, chối mình, đón nhận sự chậm hiểu biết, kém tin, sự thờ ơ, vô tâm của họ. (Mt 26)

-Người khiêm tốn để cho con người xử án bất công, đánh phạt, nhục mạ, phỉ nhổ.

-Người đón nhận những cái tát nảy lửa, những cú đấm đá túi bụi không thương tiếc dù Người có thể nói một lời khiến cho họ phải khiếp đảm nhưng người chọn sự khiêm nhường thinh lặng (Is 53), khiêm nhường nhận lấy một bản án của một phiên tòa mờ ám, bất công với những lời chứng gian dối.

-Khiêm tốn cúi xuống rửa chân và phục vụ người khác. (Ga 13)

-Khiêm tốn chờ đợi các môn đệ trên bờ biển (Ga 21), chờ đợi người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp. (Ga 4)

-Khiêm nhường kêu lên “Cha ơi, nếu Cha muốn xin tha cho con khỏi uống chén này tuy vậy xin đừng làm theo ý con mà theo Ý Cha” (Mt 26)

-Đón nhận cơn xao xuyến đến nỗi “mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22)

-Đón nhận người phàm đến bắt Người với gươm giáo, gầy guộc như đi bắt một tên trộm cướp, đón nhận nụ hôn phản bội của người môn đệ đã theo mình suốt mấy năm trời, đón nhận sự cô đơn khi các môn đệ bỏ rơi, đón nhận ba lần Phêrô chối mình trước mặt. (Lc 22 – 23)

Cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô _ một bản trường ca về Tình Yêu bất tận, khi gẫm lại tôi muốn “sôi” lên, tôi tự hỏi sao người ta lại có thể hành xử tàn ác như thế, tại sao Chúa không xử lại để họ nhận ra chân lý nhưng....Chúa không muốn thế và Chúa cũng không làm vậy. Thật ra, khi tôi suy xét kỹ, chính bản thân tôi cũng chưa khiêm nhường trong đời sống hằng ngày và cũng đã làm những điều khiến Chúa đau và tổn thương biết là chừng nào. Chúa ơi, tôi đã và đang cố gắng sống khiêm nhường từng giây phút nhưng không dễ chút nào, nó làm tôi đau và khó chịu, đổi lại tôi được gần Chúa hơn. Sống khiêm nhường khó hoặc rất khó nhưng tôi tin Chúa đã sống và luôn luôn giúp tôi sống được.

Trải qua đời sống thực tế, tôi nhận ra rằng khiêm nhường là gì nếu như không phải là:

-Lắng nghe và ý thức thực thi điều Chúa muốn trong từng giây phút của một ngày sống.

-Luôn tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, cố gắng đọc sứ điệp Chúa gửi đến qua những điều Chúa cho xảy ra với tôi.

-Khiêm nhường chiến đấu với cám dỗ để chọn làm điều Chúa vui.

-Khiêm nhường xưng thú tội lỗi với Chúa và chị em.

-Khiêm nhường đón nhận ơn Chúa ban và những ơn Chúa chưa ban.

-Khiêm nhường với các khả năng riêng Chúa ban và trong việc thể hiện chúng.

-Khiêm nhường tạ ơn Chúa khi thành công cũng như khi thất bại vì ý thức tôi là thụ tạo của Chúa nếu không có Chúa, tôi không thể làm được gì.

-Đón nhận giới hạn của bản thân và những người sống xung quanh tôi.

-Mỉm cười đón nhận những trái ý mà tôi gặp phải.

-Nhường nhịn một ánh mắt, một lời nói, một suy nghĩ, một hành động không mấy thân thiện.

-Đón nhận người sống bên cạnh tôi dù chị em tôi là ai và ra sao đi nữa....

-Đón nhận lời góp ý, chỉ trích của chị em.

-Làm những việc nhỏ bé âm thầm nhưng mang lại lợi ích cho tha nhân mà không ai biết.

-Chu toàn công việc bổn phận hằng ngày với niềm vui và hạnh phúc vì được góp phần nhỏ bé của mình vào trong công trình tạo dựng của Chúa

-Khiêm nhường để người khác giúp đỡ tôi.

-Khiêm nhường để chị em đưa tôi đến với Chúa khi tôi không thể tự mình đến được.

-Khiêm nhường đón nhận vất vả để giúp đỡ một người chị em đang gặp khó khăn.

-Khiêm nhường nhìn nhận mình yếu đuối để dễ tha thứ cho mình hơn.

-Khiêm nhường khi nhận lãnh từ những người xung quanh và cho đi cũng khiêm tốn để không gây tổn thương cho người khác.

-Khiêm nhường trong lời nói khi góp ý để người chị em không đau nhưng dễ đón nhận.

-Khiêm nhường đón nhận những lời nói nặng của chị em khiến mình bị tổn thương.

-Khiêm nhường thinh lặng khi thấy mình không có lỗi mà bị trách oan.

-Khiêm nhường đón nhận những lời người khác nói sau lưng dù đúng, dù sai.

-Khiêm nhường đi bước trước đối thoại với người chị em bất hòa với mình....

-Tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi đều phải sống khiêm tốn, những điều tôi viết trên chỉ là một số trong vô vàn điều phải sống khiêm tốn. Điều quan trọng mà tôi muốn nói đến không phải là chuỗi những gì đã kể ra nhưng là dựa vào những điều đó để tôi “SỐNG” vì như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi chính thầy dạy cũng chính là những nhân chứng.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô là chuỗi mắt xích những suy nghĩ, lời nói, việc làm gắn liền với sự khiêm nhường đến nỗi Người đã chết trên thập tự (Pl 2) và hoa trái sinh ra là một bản tình ca giữa Thiên Chúa và con người, là sự sống vĩnh cửu cho nhân loại, là giao ước tình yêu vĩnh viễn, là hạnh phúc đích thật nơi Thiên Đường. Nơi cuộc đời khiêm nhường của Chúa Giêsu Kitô, tôi luôn luôn ý thức rằng Người là Thiên Chúa vì tình yêu đã mở đường cho tôi và mọi người để tôi và mọi người cũng đi với Người trên con đường đó, tôi thâm tín rằng cuối cùng tôi sẽ giành được vòng hoa của người công chính vì đã, đang và sẽ bước đi trên con đường trải đầy “hoa” muôn màu, muôn sắc mang tên con đường “TỰ HỦY”, một con đường dẫn đến sự sống hạnh phúc viên mãn.