Niềm hy vọng: Một cam kết canh tân trong cầu nguyện và truyền giáo

Bài chia sẻ của Đức Cha BP. Napoleon B. Sipalay, OP, Vị Trợ Lý liên Hiệp trong Đại Hội Liên Hiệp Khóa II của Liên Hiệp Nữ vương Hòa bình của các Nữ đan sĩ Đa Minh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản ngày 26 tháng 5 năm 2024.




_Đs M. Augustin, OP chuyển ngữ_


Lời giới thiệu


Một em tập sinh đang chia sẻ với một tu sĩ Đa Minh lớn tuổi về việc Cầu nguyện và anh đã hỏi em tập sinh đó rằng: “Em có biết bí mật của cầu nguyện không?” Khi ấy phản ứng của em tập sinh là lấy cuốn sổ tay và dự định viết câu trả lời …, thì người tu sĩ ngắt lời và nói: “Em biết đấy, bí mật của cầu nguyện là không có bí mật nào cả". Khi chúng ta học cầu nguyện, chúng ta được mời vào nhà nguyện và cầu nguyện.

Chúng ta cầu nguyện trong khi cử hành phụng vụ và những giờ cầu nguyện riêng. Là tu sĩ Đa Minh, khi chúng ta được dạy một cách cầu nguyện nào quá cứng nhắc cùng với sự hướng dẫn tỉ mỉ về các chi tiết của việc cầu nguyện, chúng ta có trực giác rằng đây không phải là cách cầu nguyện của người tu sĩ Đa Minh.

Chúng ta hãy nhớ lại Thánh Đa Minh, các anh em đã nhìn thấy ngài cầu nguyện. Ở Santa Sabina có một cửa sổ nhỏ mà bạn có thể mở ra trong khu nhà ở của các anh em và bạn có thể nhìn thấy không gian bên trong Nhà thờ Santa Sabina, một số anh em sẽ nhìn thấy cách mà Thánh Đa Minh đã cầu nguyện vào thời điểm đó. Đây là truyền thống bắt đầu viết về Chín cách Cầu nguyện của Thánh Đa Minh. Những cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh đã đem lại cho Dòng Giảng Thuyết một loại tự do như ngài đã có trong mối tương giao với Thiên ChúaTuy nhiên, điều xác định Thánh Đa Minh là người đã mở cho chúng ta lối sống này là cách mà lời cầu nguyện đã đồng hành cùng ngài làm hình mẫu nhà giảng thuyết của chúng ta nhiều như thế nào, đó là “Nói với Chúa và Nói về Chúa.” Chủ đề mà chúng ta có trong cuộc họp mặt tại Đại hội Liên hiệp lần thứ 2 này của các nữ Đan sĩ Chiêm niệm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương - Liên hiệp Nữ Vương Hòa bình - là: "Hy vọng: Một cam kết canh tân trong cầu nguyện và truyền giáo.

Đại hội Liên hiệp của chúng ta thật có phúc khi chúng ta tổ chức Đại hội này trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh Hy Vọng. Thật tốt khi suy ngẫm về chủ đề này để đào sâu đời sống cầu nguyện cá nhân của chúng ta, của Giáo hội và thế giới.

Bối cảnh của Năm Thánh Hy Vọng này


Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong lá thư gửi Đức Ông Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa (nay là Bộ Truyền giáo) vào ngày 11 tháng 2 năm 2022, đã đề cập đến việc chuẩn bị thực hiện trên hành trình hướng tới Năm Thánh 2025, mà Đức Thánh Cha gọi là “Những người hành hương Hy vọng”:
 
"Theo thông lệ, Sắc Lệnh, (hoặc Tuyên Ngôn Năm Thánh) sẽ được ban hành đúng thời hạn, sẽ chứa đựng những hướng dẫn cần thiết để cử hành Năm Thánh 2025. Trong thời gian chuẩn bị này, tôi rất ước mong rằng chúng ta hãy dành năm 2024, năm trước khi cử hành Năm Thánh như một “bản giao hưởng” cầu nguyện tuyệt vời. Trên hết, cầu nguyện là canh tân ước muốn của chúng ta được ở trước sự hiện diện của Chúa, lắng nghe Ngài và tôn thờ Ngài. Ngoài ra, hãy cầu nguyện để tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao tình yêu thương mà Ngài dành cho chúng ta và ca ngợi công trình sáng tạo của Ngài, kêu gọi mọi người tôn trọng nó, thực hiện một có những biện pháp cụ thể và trách nhiệm để bảo vệ nó. Cầu nguyện là cách thể hiện của một “trái tim và tâm hồn” (x. Cv 4:32), sau đó biến thành tình liên đới và chia sẻ lương thực hàng ngày. Lời cầu nguyện mà giúp mọi người nam nữ trên thế giới này hướng về một Thiên Chúa duy nhất và thổ lộ với Ngài những gì những gì sâu thẳm trong trái tim họ. Cầu nguyện là con đường vương giả dẫn đến sự thánh thiện, giúp chúng ta chiêm niệm ngay cả khi đang hoạt động. Tóm lại, ước gì đây là một năm cầu nguyện mãnh liệt, để cho tâm hồn được mở ra đón nhận ân sủng tuôn đổ từ Thiên Chúa và thực hiện lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta - “Kinh Lạy Cha”- như là chương trình sống của mỗi người môn đệ của Người.”

Trong bức thư nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 tuyên bố rằng: ‘bốn Hiến Chế của Công đồng Vatican II, cùng với huấn quyền trong những thập kỷ này, sẽ tiếp tục định hướng và hướng dẫn dân thánh của Thiên Chúa, để họ có thể tiến triển trong sứ mệnh mang niềm vui loan báo Tin Mừng đến cho mọi người'.
 
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023 được cử hành vào tháng 10 năm 2023 cũng là năm thứ 60 sau Công đồng Vatican II. Năm Cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã công bố khai mạc Năm Thánh Cầu nguyện vào ngày Chúa nhật 21 tháng giêng năm 2024 nhân dịp cử hành ngày ‘Chúa nhật Lời Chúa’ lần thứ 5 hàng năm. Trong lá thư do Đức Giáo hoàng Phanxicô viết vào ngày 11 tháng 2 năm 2022 gửi Bộ Truyền giáo nhân dịp kỷ niệm Năm Thánh Hy vọng, Đức Giáo hoàng viết: 

“Từ nay trở đi, tôi vui mừng khi nghĩ rằng năm trước sự kiện Năm Thánh 2024 sẽ được dành riêng cho một 'bản giao hưởng' tuyệt vời của lời cầu nguyện. Trước hết, hãy khơi lại ước muốn được ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, lắng nghe Ngài và tôn thờ Ngài.”



Giáo lý về Cầu nguyện


Có một bài giáo lý về Năm Thánh Cầu Nguyện dành cho chúng ta, giúp chúng ta năm nay sống đời sống cầu nguyện một cách mãnh liệt trong Giáo Hội và trong thế giới. Vì mục đích hôm nay chúng ta quy tụ với chủ đề là “Hy vọng: Một cam kết canh tân trong cầu nguyện và truyền giáo”, tôi xin trích dẫn những điều được Đức Thánh Cha và Bộ Truyền giáo hướng dẫn trong Năm Thánh Cầu Nguyện này như một sự chuẩn bị kịp thời cho Năm Thánh Hy Vọng.

Thật tốt khi suy ngẫm về Năm Thánh Cầu Nguyện này bằng cách nhìn vào giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô về Cầu nguyện:

Cầu nguyện là cuộc đối thoại với Đấng Tạo Hóa


Lời cầu nguyện đó là một cuộc đối thoại thân mật với Đấng Tạo Hóa, một cuộc đối thoại bắt đầu từ trái tim con người và chạm đến “Trái tim” nhân hậu của Thiên Chúa, và qua đó có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, bằng sự đơn giản của nó, mở rộng sự phong phú của huấn quyền Giáo hội.

Cầu nguyện là Hơi Thở Thần Linh


Đức Thánh Cha nói: "Đối với một Kitô hữu, lời cầu nguyện phải là như "hơi thở của đời sống thiêng liêng" nó không bao giờ ngừng nghỉ, “ngay cả khi chúng ta ngủ” và không có hơi thở đó thì hành động quan trọng đặt chúng ta vào mối quan hệ với Chúa Cha sẽ thiếu vắng". (Trong cuộc tiếp kiến chung, ngày 9 tháng 6 năm 2021). Sống theo cách này, đời sống cầu nguyện không phải là một sự thay thế cho công việc và những cam kết mà chúng ta được kêu gọi thực hiện trong cuộc sống, mà đúng hơn là đồng hành với mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống, “ngay cả trong những thời điểm mà nó không rõ ràng”. Điều đó thắp sáng ngọn đèn để soi sáng dung nhan của Chúa Kitô hiện diện nơi anh chị em chúng ta, đúng như Sách Giáo lý dạy khi nói rằng cầu nguyện là “mối quan hệ sống động của con cái Thiên Chúa với Cha của họ là Đấng nhân lành vô cùng, với Chúa Giêsu Kitô Con của Người và với Chúa Thánh Thần” (GLHTCG số 2565). Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích chúng ta tìm những giây phút cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta phải đối diện, dù là niềm vui hay thử thách của cuộc sống. Khi cầu nguyện, Đức Giáo hoàng nói, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao, và khám phá này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và lòng can đảm để sống mỗi ngày, để những vấn đề chúng ta gặp phải không còn là những trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta nữa, mà là lời mời gọi từ Thiên Chúa, là những cơ hội để chúng ta cầu nguyện và gặp gỡ Ngài (x. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, ngày 9 tháng 1 năm 2022).
 
Trong cuộc đối thoại này, người tín hữu không chỉ nói chuyện với Thiên Chúa mà còn học cách lắng nghe Ngài, tìm ra câu trả lời và được hướng dẫn dưới ánh sáng của sự hiện diện thầm lặng của Ngài. Như thế, lời cầu nguyện trở thành cầu nối giữa trời và đất, một nơi gặp gỡ giữa trái tim con người và trái tim Thiên Chúa được hòa quyện vào nhau trong một cuộc đối thoại yêu thương không ngừng.

Lòng thương xót có được trong lời cầu nguyện khiêm tốn


Đức Thánh Cha chỉ ra rằng khi cầu nguyện lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách sâu sắc và cá vị, bởi vì trong đó, chúng ta khám phá ra rằng trong thâm sâu, mọi nhu cầu của con người là một lời nhắc nhở liên tục về lòng thương xót của Chúa Cha. Thực ra, lòng thương xót chỉ có thể đạt được nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn. Một trái tim trong sạch là điều cần thiết để lời cầu nguyện trở nên sống động và để cho Chúa thấy chúng ta cần gì, giống như người thu thuế đã làm trong Đền thờ. "Cầu nguyện không phải là cây đũa thần!" - Đức Giáo Hoàng nói: "Đó không phải là một công thức cứng nhắc mà khi lặp lại một cách chính xác sẽ mang lại điều mà chúng ta mong muốn như một câu thần chú. Trong cầu nguyện, chính Thiên Chúa là Đấng biến đổi chúng ta, chứ không phải là chúng ta biến đổi Thiên Chúa" (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 26 tháng 5 năm 2021). Những gì được hiến dâng phải là đời sống của chúng ta, thậm chí là nỗi khốn cùng của chúng ta! Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể cảm nghiệm được “lòng thương xót đó của Thiên Chúa, Đấng như là một người Cha đến gặp gỡ con cái mình với đầy tình yêu thương xót” (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 25 tháng 5 năm 2016).

Cầu nguyện là tình bằng hữu


Ngay từ những tháng đầu tiên trong triều đại của mình, Đức Giáo hoàng đã mô tả cầu nguyện là nơi mà các Kitô hữu nhận ra mình là một phần tử của “gia đình Thiên Chúa” như thế nào (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 25 tháng 9 năm 2013), bởi vì qua cầu nguyện, chúng ta củng cố những mối liên kết tình bằng hữu đó vốn hiệp nhất chúng ta lại với cùng một Cha. Những lời này lặp lại lời trong Sách Giáo lý dạy rằng chính trong kinh nguyện Phụng vụ mà Giáo hội nhận ra mình là một Thân mình duy nhất hướng về Chúa là đầu của mình (x. GLHTCG số 2641-2643) – “Ở đâu có cầu nguyện, ở đó có tình bằng hữu; và ở đâu có tình bằng hữu, ở đó có cầu nguyện”.

Cầu nguyện là chìa khóa


Noi theo lời của Thánh Piô Pietrelcina, Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta hãy biến lời cầu nguyện của mình thành chiếc chìa khóa để có thể mở được trái tim của Thiên Chúa, một trái tim “không được bảo vệ nghiêm ngặt”. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Bạn có thể mở nó bằng một chìa khóa chung là lời cầu nguyện. Vì trái tim Ngài là trái tim yêu thương, trái tim của người cha. Và đó là sức mạnh lớn nhất của Giáo hội!” (Diễn văn Năm Thánh dành cho các Nhóm Cầu nguyện của Cha Padre Piô, ngày 6 tháng 2 năm 2016).

Trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về Cầu nguyện:

 
"Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, nó tiến về phía trước. Tôi có thể nói rằng lời cầu nguyện mở ra cánh cửa của hy vọng. Có hy vọng nhưng tôi mở cửa bằng lời cầu nguyện của mình” (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 20 tháng 5 năm 2020).
 
"Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta nhận ra rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình là người làm chủ mọi việc, hoặc ngược lại, chúng ta mất lòng tự trọng, chúng ta đi từ thái cực này sang thái cực kia. Cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra chiều kích đúng đắn trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Cha chúng ta và với vạn vật " (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 4 tháng 11 năm 2020).

"Qua cầu nguyện, một cuộc nhập thể mới của Ngôi Lời diễn ra. Và chúng ta trở thành những “nhà tạm” nơi Lời của Chúa tìm kiếm được tiếp đón và được ở lại để có thể viếng thăm thế giới. Qua cầu nguyện, Ngôi Lời của Thiên Chúa đến ở lại trong chúng ta và chúng ta ở lại trong Lời Người. Lời Chúa truyền cảm hứng cho những ý định tốt và trợ giúp hành động; nó mang lại cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản, và ngay cả khi điều đó thách thức chúng ta, nó cũng mang lại cho chúng ta sự bình an” (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 27 tháng 1 năm 2021).
 
"Mọi điều trong Giáo hội đều bắt nguồn và phát triển nhờ lời cầu nguyện. Khi Kẻ Thù, Ác Thần, muốn chống lại Giáo Hội, hắn làm điều đó trước tiên bằng cách cố gắng làm cạn kiệt nguồn suối của Giáo Hội, đó là ngăn cản họ cầu nguyện. […] Cầu nguyện là thứ mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng truyền cảm hứng cho sự tiến bộ. Những thay đổi trong Giáo hội mà không cầu nguyện không phải là những thay đổi do Giáo hội thực hiện. Chúng là những thay đổi do các nhóm thực hiện” (Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 14 tháng 4 năm 2021).
 
"Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta cầu nguyện như Người cầu nguyện, mà còn bảo đảm với chúng ta rằng, ngay cả khi những nỗ lực cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn vô ích và không hiệu quả, thì chúng ta luôn có thể trông cậy vào lời cầu nguyện của Người. Chúng ta phải ý thức điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi”
(Trong buổi tiếp kiến chung, ngày 2 tháng 6 năm 2021).

Cảm ơn tất cả những người sống đời Chiêm niệm


Trong cuốn cẩm nang về Năm Thánh Cầu Nguyện, khía cạnh này thuộc về đời sống của những người sống đời chiêm niệm:
 
Trong Năm Thánh Cầu Nguyện này, các nam nữ đan sĩ trong các Đan viện chắc chắn đóng một vai trò nổi bật trong sự hiến thân cho việc cầu nguyện. Thật vậy (các nam) nữ đan sĩ bằng việc dâng hiến hoàn toàn cuộc đời mình cho Chúa, họ hiến dâng một phần thiết yếu của cuộc đời mình cho việc gặp gỡ với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Các đan viện “đối với Giáo hội là lý do để hãnh diện và là nguồn mạch ân sủng nơi thiên quốc. Bằng đời sống và sứ vụ của mình, các thành viên của các Hội dòng này noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi, họ làm chứng cho quyền chủ tể của Thiên Chúa trên lịch sử và đón chờ vinh quang sắp đến. Họ cống hiến cho cộng đoàn Giáo hội một chứng từ đặc biệt về tình yêu của Giáo hội dành cho Chúa mình, và họ góp phần bằng hoa trái tông đồ tiềm ẩn, vào sự phát triển của Dân Chúa” (Tông huấn về đời sống thánh hiến-viết tắt là VC, ban hành ngày 25 tháng 3, 1996, số 8). “Dưới ánh sáng của ơn gọi này và sứ vụ của Giáo hội, đan viện (Dòng Kín) đáp ứng nhu cầu, tối quan trọng là được ở bên Chúa” (VC, số 59). Thật là đẹp và yên tâm khi nghĩ rằng ngọn đèn cầu nguyện của rất nhiều nam nữ đan sĩ luôn được thắp sáng trong các Đan viện rải rác trên khắp thế giới. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các cộng đoàn này cử hành Năm Thánh 2025 sắp tới theo hoạch định, để tất cả chúng ta trong sự kết hợp sâu sắc với Thiên Chúa có thể phát triển qua đời sống cầu nguyện và khi được củng cố trong niềm hy vọng, chúng ta có thể sống đức tin của mình với niềm vui.
 
“Hãy kiên trì cầu nguyện” (Cl 4:2): Hỡi ơn gọi chiêm niệm của Giáo Hội. Thánh tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta duy trì mối tương quan với Chúa và hướng ánh nhìn của chúng ta vào Ngài (đây là một cách diễn đạt tuyệt vời trong bức thư của Chân Phước Jordan Saxony gửi Chân phước Diana), bất chấp mọi khó khăn có thể nảy sinh. Theo nghĩa này, toàn thể Giáo Hội có ơn gọi chiêm niệm. Mọi người đã được rửa tội phải chiêm ngắm Chúa Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong mối tương quan của Lời và hành động của Người. Chính từ đây mà lời mời gọi nảy sinh cho mọi Kitô hữu hãy sống chiêm niệm Thiên Chúa. Người ta luôn có thể cầu nguyện trong nội tâm, bất kể tình trạng sức khỏe, công việc hay trạng thái cảm xúc. Đó là lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, tội nhân được tha thứ, người mở lòng mình đón nhận tình yêu mà với tình yêu này họ được yêu và muốn đáp lại tình yêu ấy bằng cách yêu nhiều hơn nữa. Cầu nguyện chiêm niệm là sự hiệp thông với Thiên Chúa, là cắm cái nhìn đức tin vào Chúa Giêsu. Cha xứ Ars kể về người nông dân đang cầu nguyện trước Nhà tạm, ông nói: “Tôi nhìn Ngài và Ngài nhìn tôi”. Cầu nguyện chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa và vâng phục trong đức tin. Cầu nguyện chiêm niệm cũng là sự thinh lặng và kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Kitô đến mức khiến người ta có thể tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Người (x. GLHTCG số 2710-2724).



Hành hương tới các đan viện


Hành hương là một kinh nghiệm của sự hoán cải, thay đổi cuộc đời mình để hướng tới sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ngay khi chúng ta chuẩn bị cuộc hành hương cho Năm Thánh 2025, các cuộc hành hương đến các đan viện đã được lên kế hoạch một cách thích đáng. Giáo hội còn khuyến khích các tín hữu hành hương đến các đan viện vào năm 2024, trong Năm Thánh Cầu nguyện:
 
• hành hương với giới trẻ để họ có thể trải nghiệm về ơn gọi đặc biệt này trong Giáo hội, bao gồm việc tôn thờ Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa, chiêm niệm, Phụng vụ các Giờ kinh, và mối liên hệ trực tiếp của nó với kinh nghiệm hàng ngày về các nhân đức Kitô giáo hướng tới sự thánh thiện;
 
• hành hương định kỳ đến một đan viện để dành thời gian cầu nguyện;
 
• các cuộc hành hương nhằm mục đích cảm ơn các nữ đan sĩ vì sự đáp trả quảng đại của họ trong việc tận hiến hoàn toàn cuộc đời họ cho Thiên Chúa, và phó thác cho họ những hoa trái thiêng liêng của Năm Thánh 2025 sắp tới, và đáp lại bằng nhiều tặng phẩm khác nhau để có thể giúp đỡ đan viện và những nhu cầu của họ.
 
• Từ bài viết của các người nữ thánh thiện:

Nada te turbe, nada te espante; todo se pasa, Dios no se muda; la paciencia todo lo alcanza. Quien a Dios tiene nada le falta. Solo Dios basta.

Đừng để điều gì làm bạn bối rối, đừng để điều gì làm bạn sợ hãi, người nào có Chúa thì không thiếu thứ gì: Chỉ một mình Chúa là đủ. (Thánh Teresa Ávila)

Tác giả chính của sự hoàn thiện và thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa, và lời cầu nguyện giữ cho linh hồn được tiếp xúc thường xuyên với Ngài. Nó nhóm lửa và sau khi thắp sáng, nó đọng lại trong tâm hồn như một lò sưởi, trong đó ngọn lửa tình yêu luôn cháy bỏng, dù ở dạng tiềm ẩn. Ngay khi linh hồn này được trực tiếp đụng chạm đến sự sống thiêng liêng, chẳng hạn như trong các bí tích, thì như một hơi thở mạnh mẽ có thể đốt cháy nó, nâng nó lên, đổ đầy nó bằng một nguồn ơn dồi dào tuyệt vời. Đời sống siêu nhiên của một linh hồn được đánh giá cao nhờ sự kết hợp với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, trong đức tin và tình yêu. Tình yêu này phải sinh ra những hành động; nhưng những hành động này để được thực hiện một cách đều đặn và mãnh liệt, đòi hỏi cần phải có đời sống cầu nguyện. Có thể khẳng định theo cách thông thường rằng sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của chúng ta thực tế phụ thuộc vào đời sống cầu nguyện. - (Chân phước Columba Marmion)

Lạy Thiên Chúa của con, lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh, con khao khát yêu mến Chúa, làm cho Chúa được yêu mến, làm việc vì vinh quang của Hội Thánh, bằng cách cứu các linh hồn trên trái đất và giải thoát những linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục. Con khao khát hoàn thành thánh ý Chúa một cách hoàn hảo và đạt đến mức độ vinh quang mà Chúa đã chuẩn bị cho con trong Vương quốc của Ngài. Tắt một lời, con ước ao nên thánh, nhưng con cảm thấy bất lực và con nài xin Chúa, lạy Thiên Chúa của con, hãy là Sự thánh thiện của con. [...] Để sống trong một hành động của tình yêu hoàn hảo, con dâng mình làm của lễ toàn thiêu cho tình yêu thương xót của Ngài, xin Ngài không ngừng thiêu đốt con, để cho những làn sóng dịu dàng vô hạn bên trong Ngài tràn vào linh hồn con, và nhờ đó con có thể trở thành một vị tử đạo vì tình yêu Chúa, ôi lạy Thiên Chúa của con! Xin cho cuộc tử đạo này, sau khi chuẩn bị cho con xuất hiện trước mặt Ngài, cuối cùng khiến con chết đi và xin cho linh hồn con bay thẳng không trì hoãn vào vòng tay thương xót vĩnh cửu của Ngài. Hỡi Người Yêu Dấu của con, trong mỗi nhịp tim con, con muốn lặp lại lời xin này với Chúa vô số lần, cho đến khi bóng tối không còn nữa và con có thể nói với Ngài về Tình Yêu của con một cách Diện đối Diện đến muôn đời - (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu)

Tôi đang cố gắng tìm kiếm những bài viết của Chân phước Diana, nhưng điều mà tôi đã tìm thấy là bức thư của Chân phước Jordan gửi Chị Diana: “Chân phước Jordan thuộc Dòng Giảng Thuyết, người đầy tớ vô dụng gửi đến Đan sĩ Diana, người con rất thân mến của tôi trong Chúa Kitô: "sương" trên đường tình yêu, và “dòng suối hoan lạc” trong ngôi nhà tình yêu. Chị rất thân mến, được ân sủng Chúa dẫn dắt tôi đã đến Venice an toàn, người Milan mang lá thư này sẽ cho chị biết thông tin một cách đầy đủ hơn. Và bây giờ, trong khi chuẩn bị đi Padua, tôi muốn nhắc chị hãy khuyên nhủ các chị em khác hãy cầu nguyện với Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, để “Ngài ban cho Tiếng của Ngài, tiếng đầy sức mạnh” để tôi có thể làm việc mà tôn vinh Danh Ngài".  _Chân Phước Jordan_

Tuyên bố về Năm Thánh Hy vọng: Những người hành hương Hy vọng

 
Vào ngày 9 tháng 5 năm 2024, nhân dịp Lễ Chúa Giêsu Lên Trời Đức, Giáo hoàng Phanxicô đã ban sắc chỉ Tuyên ngôn Năm Thánh Thường niên năm 2025 Spes non Confundit “Hy vọng không làm thất vọng”.
 
Trong bức thư đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô mô tả Niềm hy vọng là: “Mọi người đều biết hy vọng là gì. Trong trái tim mỗi người, niềm hy vọng ngự trị như sự khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao". (SNC 1).
 
Cũng trong bức thư ngài cũng giải thích: “Bằng sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong đời sống của Giáo hội lữ hành, Chúa Thánh Thần soi sáng mọi tín hữu bằng ánh sáng của niềm hy vọng. Ngài giữ cho ánh sáng đó luôn sáng, như ngọn đèn luôn cháy sáng, để duy trì và tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống của chúng ta. Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối hay làm ai thất vọng vì nó đặt trên nền tảng chắc chắn là không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8:35.37-39). Ở đây chúng ta thấy lý do tại sao niềm hy vọng này vẫn tồn tại giữa những thử thách: vì nó được đặt nền tảng trên đức tin và được nuôi dưỡng bởi đức ái, nó giúp chúng ta tiến bước trong cuộc sống. Như Thánh Augustinô nhận xét: “Dù ở bậc sống nào, chúng ta không thể sống nếu không có ba nhân đức này đó là tin, hy vọng và mến” (SNC 3). Thánh Phaolô hiểu rằng đi theo Chúa Kitô là có niềm vui và đau khổ.
 
Có nhiều dấu hiệu hy vọng ở giữa chúng ta: lời kêu gọi hòa bình, tỷ lệ sinh giảm, tù nhân, bệnh nhân, người trẻ, người di cư, người già và người nghèo.


Trong Năm Thánh Hy Vọng này, chúng ta một lần nữa lắng nghe gương mẫu của Đức Mẹ qua những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô:
 
"Niềm hy vọng tìm thấy chứng tá tối cao của nó nơi Mẹ Thiên Chúa. Nơi Đức Trinh Nữ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan ngây thơ mà là một món quà ân sủng giữa những thực tại của cuộc sống. Giống như mọi người mẹ, mỗi khi Mẹ nhìn Con mình, Mẹ đều nghĩ đến tương lai của Con. Chắc chắn Mẹ vẫn đang suy ngẫm trong lòng những lời cụ già Simeon đã nói với Mẹ trong Đền Thờ: “Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2:34-35). Dưới chân thập giá, Mẹ đã chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, người con vô tội của Mẹ. Dù đau buồn, Mẹ vẫn tiếp tục nói lên lời “fiat”(Xin vâng) của mình, Mẹ không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng và niềm tin tưởng vào Chúa. Bằng cách này, Mẹ Maria đã cộng tác trong việc hoàn thành tất cả những gì Con Mẹ đã tiên báo khi loan báo rằng Người sẽ phải “chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8:31) vì chúng ta. Trong nỗi đau khổ Mẹ hiến dâng tình yêu đó, Đức Maria đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của Niềm Hy Vọng. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân tiếp tục cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris (Sao Biển), một tước hiệu nói lên niềm hy vọng chắc chắn rằng, giữa những giông tố của cuộc đời này, Mẹ Thiên Chúa đến giúp đỡ chúng ta, nâng đỡ chúng ta và khuyến khích chúng ta kiên trì trong niềm hy vọng và tin tưởng". (SNC 24).