Bao giờ ước mơ thành hiện thực


_Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P_

Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, gia đình Đa Minh thao thức nhiều điều về dự án thành lập một Nữ Đan Viện. Nhiều người bộc lộ thiện cảm, quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng nơi đan viện này. Đề tài đan viện bỗng được nói đến nhiều nơi trong phòng hội, trong nhà cơm hay những lúc mạn đàm. Một số người mong muốn đan viện trở thành chiếc nôi của linh đạo hoặc nơi dừng chân của gia đình Đa Minh Việt Nam. Có người còn mơ ước đan viện xây dựng được một linh đạo hòa hợp Đông Tây, hội nhập truyền thống tu hành Đông Phương với đời đan tu Kitô giáo, vừa thấm đậm nét chiêm niệm độc đáo Đa Minh, vừa được phong phú hóa bởi truyền thống Đông phương…

Một số người mong muốn các nữ đan sĩ Đa Minh không những có chiều sâu tâm linh, mà còn hơn nữa còn thể hiện đời sống chiêm niệm theo cung cách và tâm tình Đông Phương. Dĩ nhiên để thực hiện điều đó đan viện sẽ không ngừng thích nghi và hội nhập: từ việc chọn môi trường thiên nhiên, ngang qua cách xây dựng nhà cửa, cho đến việc tổ chức cộng đoàn và hình thành một lối sống hài hòa giữa truyền thống chiêm niệm Đông- Tây. Trong mọi trường hợp, không thể bê y nguyên một lối sống, một cách tổ chức hay đan viện nào đó ở Âu Mỹ về đặt tại Việt Nam.

Đây cũng là giai đoạn Trung Ương Dòng tại Roma luôn khích lệ việc thành lập đan viện Đa Minh tại Việt Nam và hơn nữa còn mong ước đan viện này có khả năng kết hợp gia tài chiêm niệm phong phú cả Đông lẫn Tây phương. Cha Tổng Quyền Timothy Radcliffe khi thăm viếng Việt Nam, mặc dù chương trình làm việc rất khít khao, cha vẫn cố gắng dành thời giờ thăm thiền viện Thiền Chiếu. Đặc biệt cha Viktor Hofstetter, Đặc trách đời sống đan tu Đa Minh, say mê tìm hiểu đời truyền thống tu hành Phật giáo và khuôn mặt cha rạng rỡ hẳn lên khi được ai đó rủ đi thăm các thiền viện ở Long Thành hay ở Đà Lạt. Khi cha đến Việt Nam nhiều lần và luôn ước mong đan viện Đa Minh tương lai sẽ khai mở con đường hội nhập hay trở thành nhịp cầu chiêm niệm kết hợp hài hòa truyền thống đan tu Tây phương với linh đạo và nghệ thuật Đông phương.

Cuối năm 1998, bốn anh em chúng tôi (cha Thiện Cẩm, cha Nguyễn Cao Luật, cha Phan Tự Cường và tôi) đến Hố Nai để khảo sát khu đất của Tỉnh Dòng tại Ngũ Phúc. Hôm đó, may mắn vào một chiều nắng nhạt, cảnh vật thật thanh bình, đẹp một cách tự nhiên và bình dị. Hai quả đồi nhỏ nằm bên nhau, được phân cách bởi một con suối nhỏ, trước mặt và hai bên phải là cánh đồng lúa, còn bên trái được phân cách với khu dân cư Hố Nai bằng một mảnh ruộng sâu. Mọi người thấy hai ngọn đồi thật tuyệt vời để xây đan viện, vì không cách xa Hố Nai, nhưng lại được tách rời với cái náo nhiệt, ồn ào của những xứ đạo sầm uất này.

Đứng dưới một gốc cây cổ thụ thuộc ngọn đồi lớn, bác Thiện Cẩm đã ví von "đan viện như những gốc cây cổ thụ, nơi những kẻ đi đường mệt mỏi tới dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn, trước khi tiếp tục lên đường" hay " như một mái ấm gia đình", nơi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Đa Minh đến nghỉ ngơi, dưỡng sức và tìm gặp niềm an lạc tâm linh, sau những ngày vất vả, cực nhọc vì mục vụ, sứ vụ hay bận rộn của đời thường. Anh em đề nghị trên ngọn đồi lớn nên xây một nhà nguyện nhìn xuống cánh đồng và các ngôi nhà dành cho gia đình Đa Minh cũng như khách thập phương đến tĩnh tâm. Ngọn đồi nhỏ sẽ là khu vực sinh hoạt riêng của các chị đan sĩ. Hai ngọn đồi sẽ được nối kết với nhau bằng chiếc cầu kiều bắc qua con suối nhỏ có hồ sen và ao thả cá.

Rất tiếc điều kiện xã hội và chính trị chưa cho phép xây dựng đan viện trên vùng đất thân yêu đó. Nhưng Thiên Chúa đã giải quyết vấn đề theo cách riêng của Ngài. Chính vì vậy chúng ta đang hiện diện, tại cửa ngõ của hai ngọn đồi nói trên, để kỷ niệm 10 năm thành lập đan viện Đa Minh. Cha giám tỉnh cũng vừa loan báo một tin vui: Tỉnh Dòng đã tìm ra khu đất khác tại đèo Bảo Lộc để xây dựng đan viện. Một số người cho biết cảnh sắc thiên nhiên và nhất là khí hậu nơi đó rất thích hợp cho đời đan tu. Kết cục Chúa sẽ muốn đan viện ở đâu? Và Ngài đã thầm thĩ những gì với Qúy chị?

Cuối cùng, giấc mơ đan viện trở thành chiếc nôi linh đạo và mái ấm tâm linh của gia đình Đa Minh sẽ ra sao? Bao giờ ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực? Làm sao sống đời đan tu Ki tô giáo với cung cách và tâm tình Đông phương? Đây là cả một tiến trình phức tạp và nhiêu khê. Chẳng có thể đưa ra một câu trả lời dễ dàng, tức thời và tiền chế.

Kỷ niệm 10 năm hiện diện của Đan viện Đa Minh tại Việt Nam thiết tưởng là thời gian ân phúc để "ôn cố tri tân": nhìn lại quá khứ để định hướng tương lai. Chắc chắn quý chị sẽ có cơ hội để định lượng và dự phóng: Những gì đã hoàn thành tốt đẹp cần tri ân cảm tạ, những gì chưa thực hiện được hay thực hiện chưa tốt cần cải thiện và trong tương lai sẽ định hướng ra sao để đáp lại lời mời gọi của Chúa, cũng như niềm trông đợi của gia đình Đa Minh? Xin Thần Linh luôn đồng hành và hướng dẫn quý chị, như Ngài đã từng dẫn đưa Đức Kitô ngày xưa trong hoang địa.