Nến Chầu

Đs. M. Augustin, OP

Theo thời khóa biểu của Đan Viện thì chúng tôi chầu Thánh Thể Chúa mỗi ngày, bắt đầu từ sau Thánh Lễ và kết thúc sau giờ Kinh Trưa.


Ngoài ra có những ngày đặc biệt chúng tôi sẽ chầu Chúa cả ngày (như ngày Bổn Mạng của Đan viện, 24 giờ dành cho Chúa…). và khi chầu Thánh Thể thì sẽ luôn luôn có hai cây nến trước bàn thờ. Nhìn hai cây nến trên bàn thờ tôi như được mời gọi suy tư về cuộc đời người đan sĩ. Ở đây chúng tôi không đốt những cây nến bình thường có vỏ nhựa bọc bên ngoài. Nhưng đặc biệt hơn, chúng tôi đốt nến trong một cái ly thủy tinh. Tùy theo hình dạng của cái ly mà cây nến sẽ có hình thù như vậy. Tôi đã từng được nghe những chia sẻ đời sống của các linh mục, tu sĩ giống như những cây nến cháy tiêu hao đi để đem ánh sáng và hơi ấm cho cuộc đời. Vâng hay quá! Đời sống dâng hiến như nến cháy tiêu hao đi và người ta dễ dàng thấy được sự hy sinh đó qua hình ảnh cây nến. Cây nến bình thường khi bị đốt cháy sẽ chảy tràn ra bên ngoài và cháy đến khi không còn gì nữa. Dấu chỉ của sự hy sinh đó sẽ là những sáp nến chảy còn lại sau khi đốt. Người ta thường hâm mộ và trân trọng sự hy sinh đó. Nhưng ở đây, trong đan viện này những cây nến được đốt trong ly nên không dễ dàng thấy được và sự tiêu hao của các cây nến như cuộc sống của các nữ đan sĩ vậy. Các cây nến bị đốt cháy tiêu tan đi từ bên trong từ từ từng ngày từng ngày mà không dễ nhận ra. Nó âm thầm tiêu hao tan biến đi bay theo những làn khí nhẹ nhàng như chưa từng hiện diện. Vì vỏ bọc bên ngoài của nó là thủy tinh nên không bao giờ nến chảy ra ngoài được. Có những lúc nó cháy mạnh quá thì lại bị chị tập sinh phụ trách trông coi nhà nguyện cắt bớt đi ngọn bấc của nó hoặc là chị sẽ thêm một ít nến nhỏ để giảm độ cháy mạnh. Hoặc có những lúc nó cũng tự nhiên cháy nhỏ lại vì lượng nến trong ly cao hơn cái bấc thì liền được lấy bớt nến đi để có thể cháy tốt hơn. Rồi cũng có những khi cái bấc của nó bị xiêu vẹo sắp đổ mà trong ly vẫn còn nhiều nến thì sẽ được chị cho vài viên nến nhỏ chèn vào chân bấc nến để có thể cháy vững vàng hơn cho đến khi nó cháy hết.



Thế đấy, các đan sĩ từng ngày dâng hiến cuộc đời mình trong đan viện này trong bốn bức tường kín như lớp vỏ thủy tinh của cây nến. Nên sự hy sinh của các chị không dễ xem thấy mà tưởng chừng là nhẹ nhàng êm ả. Nhưng không các chị cũng từng ngày được cắt tỉa bởi đời sống cộng đoàn khi quá nhiệt tình hay có những lúc nó cháy yếu đi hoặc xiêu vẹo vì khô khan thì lại được chị em an ủi nâng đỡ. Như vậy từng ngày từng giờ người đan sĩ tiêu hao với thời gian để dâng hiến cho một mình Thiên Chúa và như những cây nến chầu nhỏ bé kia trong niềm hạnh phúc để làm chứng cho một điều duy nhất đó chính là sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa giữa thế gian này.

Ước mong sao sống trọn vẹn niềm vui ơn gọi của chính mình là cây nến chầu nhỏ trước bàn thờ Chúa mỗi ngày mà không so sánh với ai khác, không mộng tưởng với những hấp dẫn của những ánh đèn chiếu sáng khác hay những ánh đèn nhấp nháy đầy màu sắc nhiều lôi cuốn. Vì biết rằng cùng đích cuối cùng của con người được dựng nên là để được hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa.