_ Đs. Mary Mai Hoa, OP._
Hôm nay, mừng lễ Chúa Ba Ngôi, thật là phù hợp để suy về mầu nhiệm Ba Ngôi
Thiên Chúa. Một mà là Ba, Ba lại là Một - Hiệp nhất, yêu thương. Trong bài
này, chỉ xin góp vài ý tưởng để suy nghĩ về ý nghĩa của mầu nhiệm Ba Ngôi và
những gì đụng chạm đến thực tế đời sống mình đang sống.
Mầu nhiệm Ba Ngôi - mầu nhiệm của sự Hiệp Nhất
Mầu nhiệm Hiệp Nhất của Ba Ngôi có lẽ là ý nghĩa quan trọng hơn cả. Trong sự
hiệp nhất này, cả Ba Ngôi đều không bị mất đi tính ngôi vị độc nhất của mình
cũng không bị tan loãng hay mờ nhạt nhưng được thành toàn và viên mãn trong
từng ngôi vị. Cả Ba đều tràn đầy, phong phú theo cách riêng nhưng cũng là sự
tròn đầy theo nghĩa chung trong chính bản thể Thiên Chúa. Nếu xét theo chức
năng thì Ba Ngôi có một sự phân biệt rõ ràng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu
chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhưng trên thực tế, không có sự làm việc
riêng rẽ một mình mà trong mọi sự đều có sự hiện diện của cả Ba.
Trong công trình sáng tạo:
“Thiên Chúa phán…. liền có như vậy.” (x. St 1). Ngoài ra, thánh Gioan
đã khẳng định:
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì
được tạo thành”
(Ga 1,3). Chúa Cha đã dùng Lời quyền năng là chính Chúa Con mà tác thành vạn
vật và cho Thần Khí của Người bay là là trên mặt nước để ban sinh khí cho địa
cầu (x. St 1,2). Sau khi tạo dựng con người, Ba Ngôi đã có một cuộc thảo luận
và đi đến thống nhất:
“Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh của chúng ta, giống như chúng
ta…”
(St 1,26). Ngay sau đó, Thiên Chúa đã lấy đất nặn ra con người rồi Người thổi
hơi vào lỗ mũi. Hành động thổi hơi vào lỗ mũi của Thiên Chúa là để ban Thần
Khí Sự Sống (x. St 2,7). Thần Khí Sự Sống không chỉ đơn thuần là sự sống của
một con vật nhưng là sự sống thần linh. Sự sống của chính Thiên Chúa là Chúa
Thánh Thần.
Trong công trình Cứu Chuộc: Rải rác trong
từng trang Tin Mừng, chúng ta đều thấy thấp thoáng bóng dáng của Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần đang cùng đồng hành với Chúa Giêsu cho đến giây phút cuối cùng
trên thập giá và cuộc phục sinh vinh hiển. Tôi vẫn thường nghe lời một bài
hát:
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, không thối đi…. nhưng nếu chết
đi và thối đi thì nó mới phát sinh ra nhiều bông hạt…”
và, tôi cũng vẫn hát như thế! [1] Nhưng tôi không đồng ý với tư
tưởng đó chút nào vì không phải mọi hạt lúa chết đi và thối đi đều có thể lên
thành cây và kết thành hạt. Tôi làm nghề nông nên biết rõ: Có một số hạt, khi
gieo xuống đất thì bị chết và thối rữa tuy vậy chúng không thể mọc thành cây.
Còn những hạt có thể đâm chồi thì không thể được gọi là “chết” và “thối” bởi
nó vẫn sống và đang sống. Đó chỉ là một bước chuyển mình của sự sinh trưởng.
Khi hội đủ các điều kiện cần thiết thì mầm sống đó sẽ xé toạc lớp vỏ bọc bên
ngoài để nhú ra và phát triển thành cây. Tôi không biết phải nói thế nào nhưng
tôi hình dung cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu cũng như vậy. Sự sống
của Đức Kitô là bất diệt, vĩnh cửu như chính Người đã khẳng định: “Chính Thầy
là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Vậy, có phải Chúa Giêsu đã tự mình
sống lại hay ai đã làm cho Người sống lại? Đấng đã làm cho Người trỗi dậy từ
cõi chết là Chúa Cha hay là Chúa Thánh Thần? Tôi nghĩ là cả Ba Ngôi. Thật vậy,
cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng đi vào cuộc khổ nạn và cả Ba Ngôi đã cùng sống
lại bằng chính sức sống nội tại nơi bản tính Thiên Chúa (x.GLHTCG số 648-650).
Trong công trình thánh hóa: Có phải Chúa
Thánh Thần đã và đang hoạt động một mình và làm điều gì đó khác với những gì
Chúa Cha và Chúa Con đã làm? Tôi nghĩ là không. Chúa Giêsu đã dạy tôi rằng:
Chúa Thánh Thần sẽ lấy những gì là của Chúa Con mà loan báo cho tôi và Ngài sẽ
làm cho tôi nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói (x.Ga 16,14). Thật vậy,
trong công trình thánh hoá, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục công trình mà Chúa Cha
và Chúa Con đã làm và Ngài sẽ đưa nó tới hoàn tất.
Thật là tuyệt vời khi suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi - mầu nhiệm của sự Hiệp
Nhất. Chính trong Ba Ngôi mà từng ngôi vị đã được thành toàn và hoàn tất sứ
mệnh của mình trong không gian và thời gian cụ thể cũng như vĩnh cửu. Dù vậy,
Ba Ngôi không bao giờ làm việc riêng rẽ một mình mà luôn làm cùng với nhau, bổ
túc cho nhau.
Ứng dụng vào đời sống:
Cũng như Ba Ngôi Thiên Chúa, con người có “xã hội tính”. Mỗi người chỉ có thể
lớn lên và phát triển như một con người khi sống chung và liên đới với những
người khác. Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, con người được hiệp thông với Thiên Chúa
và với nhau, nhờ đó mà hoàn thành ơn gọi của mình. Và điều này lại càng cấp
thiết hơn trong bối cảnh của thế giới ngày nay. Nhưng ngược lại nếu con người
loại trừ lẫn nhau và giẫm đạp lên nhau để chứng tỏ bản thân; tìm hư danh bằng
cách phá hủy những nền tảng văn hóa đạo đức truyền thống hay của những người
đi trước … Khi đó người ta làm như thế người ta tưởng là người ta có thể vươn
tới sự phát triển và thành toàn của chính mình. Nhưng không! Chính khi làm như
vậy con người đánh mất phẩm giá của mình và quay lưng lại với sự thành toàn
đích thực và vĩnh cửu trong Thiên Chúa để ôm lấy một chút sự thành toàn méo
mó, tạm bợ của thế gian này.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, chỉ trong Ngài chúng con mới có được sự hiệp nhất và
thăng tiến đích thực. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con hiểu và sống mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đời sống để chúng con giúp nhau thành toàn ơn gọi làm
người và xây dựng thế giới này như Chúa ước mong. Amen.
[1] Hạt Giống Tình Yêu, sáng tác: Lm Phương Anh.