CUỘC ĐỜI XOAY QUANH HUYỀN NHIỆM
Viết tắt: LCM (Liber constitutionum monialium Ordinis Praedicatorum)
Để tìm hiểu căn cước của các đan sĩ Đa Minh, người ta có thể sử dụng hai lối
tiếp cận khác nhau.
Theo đó, ta có thể nói:
1/ Nói chung, các đan sĩ là một dòng tu (chứ không phải tu hội đời hay tu đoàn tông đồ), có lời khấn trọng (chứ không phải khấn đơn), sống đời chiêm niệm (chứ không phải hoạt động tông đồ), và giữ nội vị giáo hoàng (vì thế quen gọi là “dòng kín”, dựa theo giáo luật điều 667§3).
2/ Những đặc trưng của dòng Đaminh có thể tóm lại trong bốn điểm (quen gọi là bốn cột trụ), được liệt kê trong thiên thứ nhất của Sách Hiến pháp (số 2-110):
a) Đời sống chung, nơi thực hiện sự thánh hiến qua ba lời khuyên Tin mừng (vâng lời, khó nghèo, khiết tịnh), cũng như những kỷ luật giúp thi hành ơn gọi (nội vi, thinh lặng, áo dòng, các việc sám hối).
b) Cầu nguyện: cử hành phụng vụ (Thánh lễ, phụng vụ giờ kinh), cầu nguyện thầm kín.
c) Lắng nghe Lời Chúa và học hành
d) Lao động.
Tuy nhiên, lối tiếp cận này chỉ cho thấy bộ mặt bên ngoài của đời sống đan sĩ, nhưng chưa làm nổi bật nét riêng của đan sĩ Đaminh. Thật vậy, nhìn dưới khía cạnh pháp lý, thì có thể nói được là “dòng nào cũng như dòng nào”, chỉ khác nhau về tên gọi và màu áo thôi: dòng Cátminh, dòng Clara cũng đều là “dòng kín”.
B. Vì thế chị Marie Ancilla O.P., thuộc đan viện Lourdes, đề nghị một lối tiếp cận khác[1], đó là đi thẳng vào cái gì độc đáo của đặc sủng Đaminh, dựa theo ý định của vị sáng lập, và được trình bày trong sách Hiến pháp hiện hành[2].
1. Đối với các anh em Dòng Giảng thuyết, cha Humbert Vicaire nêu bật rằng ý định nguyên khởi (trước khi nghĩ đến các cơ chế giáo luật) là vita apostolica: nếp sống tông đồ. Xin đừng vội liên tưởng đến “dòng hoạt động tông đồ”, nhưng hãy nghĩ đến cộng đoàn các thánh tông đồ đi theo Chúa Giêsu hoặc cộng đoàn của Hội thánh tiên khởi được thuật trong sách Tông đồ công vụ (4,32-35). Một cách cụ thể hơn, thánh Đaminh đã nghiền ngẫm “nếp sống tông đồ” dựa theo bản luật của thánh Augustinô, trong đó nhấn mạnh đến sự đồng tâm nhất trí (unanimitas), theo như cha Humbert de Romans giải thích. Nếu thiếu yếu tố đó thì đời sống Đaminh mất ý nghĩa (kể cả việc giảng thuyết). Theo mô hình này, việc “đi theo Đức Kitô” không khởi đi từ ba lời khuyên Tin mừng, nhưng bao gồm: yêu thương và hoà đồng, khước từ tư sản và đặt mọi sự làm của chúng - cùng với khiêm nhường, cầu nguyện, khiết tịnh và vâng lời. Tất cả những yếu tố ấy tạo nên “đời sống cộng đoàn tông đồ”. Việc giảng thuyết nảy sinh từ đó.
2. Đâu là yếu tố chính tạo ra sự thống nhấn trong đời đan sĩ Đa Minh? Điều này
có thể tìm thấy khi phân tích khái niệm đời đan tu (vita monastica) theo quan
niệm của thánh Augustinô mà thánh Đa Minh cũng muốn cho các đan sĩ tuân giữ.
Theo nguyên ngữ Hy-lạp, monachos có nghĩa là “một”. Các tác giả cổ điển giải
thích cái “một” theo nhiều chiều hướng: a) sống một mình (ẩn tu); b) sống độc
thân, không lập gia đình; c) chỉ chuyên lo một điều duy nhất là yêu mến Chúa.
Nhưng thánh Augustinô giải thích theo nghĩa là cộng đoàn sống “một lòng một ý
hướng về Chúa” (cor unum, anima una in Deum), dựa theo tư tưởng của sách Tông
đồ công vụ (4,42-44.46). “Đan tu” không có nghĩa là “tu một mình” nhưng là
“hợp nhất tâm hồn”. Bối cảnh này cần được gắn với ơn gọi Đa Minh là “phục vụ
Lời Chúa”. Từ đó, đặc trưng của đời đan sĩ Đa Minh là gắn bó với Lời Chúa.
Toàn thể đời sống đan sĩ Đa Minh xoay quanh “huyền nhiệm” (mysterium):
- chiêm ngắm Huyền nhiệm, đặc biệt trong Kinh thánh
- thấm nhuần Huyền nhiệm (hoà hợp trong cộng đoàn nhờ đức ái; sống vâng phục, khiết tịnh, khó nghèo; thống hối; tìm kiếm Thiên Chúa)
- cử hành Huyền nhiệm (cầu nguyện phụng vụ)
- loan báo Huyền nhiệm.
- thấm nhuần Huyền nhiệm (hoà hợp trong cộng đoàn nhờ đức ái; sống vâng phục, khiết tịnh, khó nghèo; thống hối; tìm kiếm Thiên Chúa)
- cử hành Huyền nhiệm (cầu nguyện phụng vụ)
- loan báo Huyền nhiệm.
“Huyền nhiệm” (Mysterium, cũng quen dịch là “mầu nhiệm”), theo nghĩa của Tân ước, là chính việc tỏ lộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch này đã có từ muôn thuở, nhưng được bộc lộ tiệm tiến, và đạt tới tột đỉnh nơi Đức Kitô (Cl 2,2-3; Ep 1,9-10). Đời sống đan sĩ tìm cách tiếp xúc với Huyền nhiệm này qua cảm nghiệm sống động, để từ đó tuyên xưng và truyền đạt. Được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, các đan sĩ tiếp xúc với “huyền nhiệm” hiện diện trong tâm hồn của mình, và nhờ đó hiệp thông với kế hoạch của Chúa Cha đã được mặc khải nơi Đức Kitô trong Hội thánh (LCM 3) . Trót cuộc đời của người đan sĩ là một lời tạ ơn Chúa Cha vì đã kêu gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng diệu kỳ của ngài (1Pr 2,9; LCM 74§4).
Việc kết hiệp với Huyền nhiệm là hoa trái của “con tim trong trắng”, một thuật ngữ quen thuộc của các đan sĩ Đông phương được Cassien thuật lại. Vì thế hiến pháp nhấn mạnh đến sự hoán cải. Các đan sĩ được mời gọi hãy hoán cải, trở về với Chúa (LCM 1§3; 84§1), để đáp lại tiếng gọi của Chúa.
I. CHIÊM NGƯỠNG HUYỀN NHIỆM
Đặt Huyền nhiệm làm trung tâm đời mình, các đan sĩ chiêm ngưỡng
và chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải Huyền nhiệm trong Đức Kitô. “Ngợi khen,
chúc tụng” (laudare, benedicere) là hai động từ đầu tiên trên khẩu hiệu của
Dòng Đa Minh. Hiến pháp vạch ra nhiều phương thế để các đan sĩ chiêm ngưỡng
Huyền nhiệm.
1) Nghe Lời Chúa
Thiên Chúa, Đấng đã nói nhiều lần nhiều cách , sau cùng đã nói trong Đức Kitô (Dt 1,1-2). Đức Kitô, khi cử Thánh Linh đến, đã mặc khải trong Hội thánh ý định của của Chúa Cha (Ep 1,9) và sáng soi tâm trí mọi người (x. Ga 1,9) (LCM 101§1). Trong Sách thánh, ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ (LCM 101§2). “Lời của Chúa là Đức Kitô. Chúng ta nghe Người trong Kinh thánh: Kinh thánh vọng lên tiếng của Đức Kitô” (LCM 97§2).Trong Thánh Linh, Hội thánh đón nhận Lời từ Chúa Cha trong cùng một đức tin, chiêm ngắm Lời trong cùng một trái tim và ca ngợi Lời cùng một miệng lưỡi (x. Rm 15,6) (LCM 3§1).
Cũng như chị Maria ngồi dưới chân Đức Kitô (LCM 1§3), các đan sĩ hướng về Đức Kitô, nuôi dưỡng bằng Lời của Người. Đây chính là chuyển động lao về phía trước mà thánh Phaolô nói đến (Pl 3,13): ơn gọi các đan sĩ, được thu hút bởi Lời Chúa, là quy hướng trọn cuộc đời về với Người.
Mỗi Dòng tu thích chọn lựa những đoạn Kinh thánh có liên hệ với đặc sủng của mình. Hiến pháp của Dòng Đaminh hướng các đan sĩ về với Huyền nhiệm, đặt đó làm trung tâm của đời mình, cũng tìm thấy nhiều tư tưởng Kinh thánh thích hợp.
2) Từ Chúa Cha, nhờ đức Kitô, đến Hội thánh, trở về với Cha
Đây là chuyển động của thần học các giáo phụ dựa trên kế hoạch cứu độ:
khởi đi từ Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, đến Hội thánh, rồi trở về với Cha.
a) Từ Chúa Cha
Nguyên uỷ và cùng đích mọi sự là tình thương của Thiên Chúa (Ep 3,18), Đấng đã yêu thương chúng ta trước (1Ga 4,19) (LCM 24§1). Đó là mầu nhiệm của thiên ý (Ep 1,9) (LCM 101§1), mầu nhiệm cứu độ (LCM 101§2); đó là kế hoạch cứu độ hằng hữu theo ý định của Cha (Ep 1,5) (LCM 101§1), muốn cho tất cả mọi người được cứu độ (1Tm 2,4) (LCM 74§4).
Đan sĩ nhắm tới việc “hiểu biết chiều rộng, chiều cao, chiều sâu của tình thương Chúa (Ep 3,18), Đấng đã phái cử Con của ngài đến thế gian để họ được cứu (Ga 3,16) (LCM 36). Thư Ephêsô còn thêm chiều kích thứ bốn là chiều dài, ắt hẳn là hiểu về sự khôn dò của ý định Thiên Chúa. Kế hoạch này (nghĩa là tình thương này) được biểu lộ qua việc sai Con đến thế gian để mang ơn cứu độ cho họ. Ý tưởng này được Sách Hiến pháp lặp đi lặp lại, để cho các đan sĩ tìm thấy nguồn mạch cuộc đời của mình nơi ý định của Chúa Cha.
b) Nhờ Đức Kitô
Huyền nhiệm được thực hiện nhờ
và trong Đức Kitô. Lời - tức là Con ở trong cung lòng của Chúa Cha (LCM 1§3)
-, đã đến giữa loài người để chu toàn sứ mạng được Cha trao phó: Lời được phát
ra từ miệng Thiên Chúa và không trở về mà không mang kết quả, nhưng là để chu
toàn sứ mạng được uỷ thác (x. Is 55,10) (LCM 1§2), đó là mạc khải tình yêu của
Chúa Cha để họ được cúu độ. Đây cũng là sứ mạng của Dòng. Hiến pháp nhiều chỗ
nhắc nhở các đan sĩ hãy nhìn cắm mắt vào đức Kitô, Đấng đã dâng hiến mình vì
ơn cứu độ chúng ta (LCM 1§2); Người đã trở nên khó nghèo để chúng ta được
phong phú (LCM 28§1); Người là Chiên đích thực, luôn luôn suy phục ý của Cha
vì sự sống thế gian (x. Ga 4,34; 14,31; Pl 2,8; Dt 10,7) (LCM 18§1), Đấng đã
chịu đóng đinh trên thập giá vì mọi người (LCM 74§4), và đã cứu chuộc chúng ta
bằng bửu huyết của mình (LCM 24§1).Khi còn ở dương thế, Người đã dâng những
lời khẩn nài, van lơn lên Thiên Chúa, với lòng tha thiết và thống khóc, ngày
nay Người ngự bên hữu Đấng uy linh, để chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 5,7;
1,3; 7,25) (LCM 74§1). Đức Kitô là Lương y (LCM 86): Người đến để mang lại sức
khoẻ cho nhân trần, nghĩa là lòng thương xót. Đức Kitô ở giữa trái tim của
cuộc đời các đan sĩ. “Mong sao cho Đức Kitô, kẻ đã chịu đóng chặt trên thập
giá vì mọi người, cũng được đóng chặt trong trái tim của họ” (LCM 74).
c) Đến Hội thánh
Nhờ máu của Đức Kitô, công trình tái sinh nhân loại được hoàn tất (LCM 42§1; 24 §1). Nhờ Người, Thiên Chúa đã thủ đắc một dân tộc mới (1Pr 2,9) (LCM 1§5), Hội thánh là chỗ hoà giải muôn vật trong Đức Kitô (2Cr 5,18) (LCM 2§2), là sự hiệp thông được xây dựng, củng cố trong cùng một Thần khí (x. Pl 1,27) (LCM 3§1). Trong Thần khí này, mọi người họp thành một thân thể (1Cr 12,12), vì cùng chia sẻ một tấm bánh (1Cr 10,17) (LCM 3§1), tất cả đều có một linh hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa (Cv 4,32) (LCM 2§1). Thần khí, nguyên ủy của sự hợp nhất của Hội thánh, cũng là Đấng đã tạo ra sự khác biệt trong Hội thánh qua việc ban phát những ân huệ khác nhau (LCM 20§2).
d) Trở về với Cha
Vào ngày chót, Thiên Chúa sẽ quy tụ hết mọi người trong thánh đô (Kh 22,19)
(LCM 1§5), thành Giêrusalem hạnh phúc (LCM 35§1), trong vương quốc trên trời
nơi mà Đức Kitô sẽ biểu lộ Hội thánh vinh quang như là Tân nương được trang
điểm (x. Kh 21,2) (LCM 24§3). Ngày nay, Đức Kitô là hạnh phúc duy nhất nhờ ân
sủng, bấy giờ sẽ là hạnh phúc nhờ vinh quang (LCM §1,5).
Đây là điều mà các đan sĩ loan báo bằng cuộc sống ẩn dật của mình.
Đây là điều mà các đan sĩ loan báo bằng cuộc sống ẩn dật của mình.
II. THẤM NHUẦN HUYỀN NHIỆM
Cũng như các tín hữu Giêrusalem, Hội thánh được quy tụ bởi lời giảng các
thánh tông đồ - nhờ Lời triệu tập - , họp nên một linh hồn và một trái tim và
hằng ngày hiệp ý cầu nguyện (x. Cv 2,42.46; 4,32) (LCM 1§4; 2§1).
Lý tưởng này cũng là lý do mà các đan sĩ tụ họp thành cộng đoàn. Lời khấn đưa các đan sĩ gia nhập vào cộng đoàn các tông đồ để đi theo Đức Kitô, chia sẻ cuộc sống của Người. Lời khấn đưa họ bắt chước nếp sống của Hội thánh tiên khởi tại Giêrusalem. Việc đi theo Đức Kitô mang chiều kích Hội thánh.
Các đan sĩ được kết hợp nên một (Tv 132,1), để sống hoà thuận trong một nhà (Tv 67,7), và có một linh hồn và một trái tim (Cv 4,32) trong Thiên Chúa (LCM 2§1). Sự đồng tâm nhất trí được bén rễ trong tình mến Chúa (LCM 2§2). Cũng như các tông đồ, họ sống cuộc Vượt qua của Đức Kitô trong Hội thánh và cho Hội thánh.
Được thúc đẩy bởi lòng mến Chúa, nghĩa là bởi tình bằng hữu đại đồng (LCM 26§2), các đan sĩ kiến tạo Hội thánh bằng việc dâng hiến chính bản thân mình (1Cr 14,4) (LCM 3§2). Nhờ sự vâng phục liên kết họ với Đức Kitô và Hội thánh, trót cuộc đời của họ trở nên một hy tế kéo dài hy lễ của Đức Kitô (LCM 19§2). Sự hiến dâng biểu lộ qua lời khấn khiết tịnh vì Nước Trời, biến họ thành những cộng sự viên của Thiên Chúa vào công cuộc tái sinh nhân loại (LCM 24§1). Nhờ lời khấn khó nghèo, họ trở nên giống Đức Kitô qua cuộc vượt thắng lòng ham muốn và đặt kho tàng nơi sự công chính của Nước Trời (LCM 28 §§1-2), nghĩa là sự thánh thiện, đức mến.
Nhờ vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo, các đan sĩ trở nên giống Đức Kitô, thông dự vào cuộc Vượt qua của Người. Các lời khấn biểu lộ ý định “từ bỏ tất cả” là điều kiện để đi theo Đức Kitô. Qua cuộc đời khổ chế (LCM 61§2), các đan sĩ vác lấy thập giá của mình (Mc 8,34) và mang những đau khổ của đức Giêsu trong thân thể của mình (x. Gl 6,17) và trong con tim, ngõ hầu mang lại cho mình và cho tha nhân vinh quang của Chúa phục sinh (LCM 61§1).
Họ khao khát được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa, ngõ hầu được biến đổi giống với hình ảnh của Người nhờ Thần khí (x. 2Cr 3,18) (LCM 1§4). Sự biến đổi này là tác động của Thần khí, nhờ đức ái mà ngài đổ vào tâm hồn ta, chính là đích điểm của Huyền nhiệm, khi chúng ta được trở nên giống Chúa để chiêm ngắm Chúa trong vinh quang. Đây là đối tượng của lòng ao ước của các đan sĩ, lòng ao ước Vương quốc Thiên Chúa, mà nay chúng ta chỉ có thể nếm hưởng phần nào.
Vì thế tất cả cuộc đời của các đan sĩ mang tính cánh chung: họ quy tụ với nhau, có một linh hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa (LCM 2§1), hướng về Đức Kitô (LCM 29). Họ đi tìm Chúa (LCM 1§3), tìm thánh nhan Thiên Chúa (LCM 74§4).
III. CỬ HÀNH HUYỀN NHIỆM
Cuộc tưởng niệm cái chết và phục sinh của Đức Kitô là nguồn mạch của tình bác ái huynh đệ (LCM 76). Vì thế việc long trọng cử hành phụng vụ là trọng tâm của tất cả cuộc sống, cội rễ của sự hợp nhất của cộng đoàn (LCM 75).
Phụng vụ đưa Hội thánh lữ hành kết hiệp với Hội thánh thiên quốc (LCM 75) vì diễn lại phụng vụ trên trời ở dưới trần gian này. Trong phụng vụ, Đức Kitô trở về với Chúa Cha, mang theo các em của mình. Phụng vụ trên trời bắt đầu bằng chuyển động trở về, tạ ơn, đem lại niềm vui cho Chúa Cha. Nhờ việc cử hành Thánh lễ và các giờ kinh, nhờ lectio divina và suy gẫm Sách thánh, nhờ kinh nguyện thầm kín (x. Mt 6,6), nhờ cầu nguyện liên lỉ (1Tx 5,19 trưng dẫn ở LCM 74 §2; Lc 18,1 trưng dẫn ở LCM 89), canh thức, chuyển cầu, các đan sĩ cố gắng mang lấy những tâm tình của Đức Kitô Giêsu (Pl 2,5) (x.LCM 74§4). Họ không ngừng van nài Thiên Chúa cứu độ ngõ hầu hết mọi người được cứu rỗi (1Tm 2,4) (LCM 74§4).
IV. LOAN BÁO HUYỀN NHIỆM
Các anh em dấn thân “loan báo Lời Chúa” (LCM 96§1), “loan truyền Danh Thánh
Chúa Giêsu khắp hoàn cầu” (LCM 1§2) bằng việc giảng thuyết. Các đan sĩ “loan
báo Tin mừng của Thiên Chúa bằng gương mẫu đời sống của mình” (LCM 96§1), bằng
chứng tá của cầu nguyện và sám hối (LCM 96§2). Cuộc đời hiệp thông với Huyền
nhiệm đưa họ đến hiệp thông với tất cả mọi người.
Tiếc rằng sách Hiến pháp của các đan sĩ bỏ qua chiều kích tông đồ cổ điển của các đan sĩ tiên khởi ở Prouille. Các đan sĩ được thánh Đa Minh cải hoán từ môi trường lạc giáo đã đón tiếp các thiếu nữ để giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Họ sử dụng một phương thế mà phía lạc giáo đã dùng để truyền bá học thuyết của mình: giáo dục các thiếu nữ. Có lẽ về sau, vai trò này đã được các nữ tu đảm nhiệm, vì thế các đan sĩ rút vào nội vi, khiến cho nếp sống của đan sĩ Đa Minh không khác đan sĩ Cát-minh.
Kết luận
Như vậy có hai cách đọc sách Hiến pháp của các đan sĩ. Một cách đọc chú trọng đến các thể chế (tiếp cận giáo luật), một cách đọc chú trọng đến chiều kích huyền nhiệm. Lối đọc thứ hai muốn đi sát với lịch sử, khám phá đặc trưng của Dòng Đaminh. Thực ra, hiến pháp được soạn thảo với sự đóng góp không nhỏ của các nhà sử học và thần học đan tu. Có điều là ít khi chúng ta nhận ra nét ấy, nếu không có ai hướng dẫn. Đàng sau các bản văn có rất nhiều trích dẫn Kinh thánh, các giáo phụ (đặc biệt thánh Augustinô với chú giải của cha Humbert de Romans). Hiến pháp trở thành một thủ bản của linh đạo. Đời sống đan tu, nhờ tiếp xúc với Huyền nhiệm (mystère), trở thành một cảm nghiệm “huyền bí” (mystique) như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2014) đã nói.
Chú Giải
[1] Tư tưởng được trình bày trong bài thuyết trình ngày 6/5/1997: Les moniales dominicaines et le Mystère. Théologie de la vie monastique dominicaine d’après le LCM. Chị Marie Ancilla, thuộc đan viện Lourdes, đã viết một tập chú giải hiến pháp năm 1992.
[2] Sau công đồng Vaticanô II, bản hiến pháp của các đan sĩ được duyệt lại, và được phê chuẩn vĩnh viễn ngày 7/11/1986.