Giai đoạn Thỉnh viện


Giai đoạn thỉnh viện là giai đoạn đầu tiên của đời đan tu được thực hiện với mục đích nhằm hướng dẫn thỉnh sinh cách tiệm tiến thử nghiệm lối sống chiêm niệm của Dòng. Hiến pháp các nữ Đan sĩ Dòng Giảng thuyết quy định về giai đoạn Thỉnh viện từ số 130 đến 138 một cách cụ thể như sau:

130. Giai đoạn thỉnh viện phải kéo dài 6 tháng trọn. Đan viện Trưởng, với phiếu quyết nghị của Ban cố vấn, có thể gia hạn, nhưng không được 6 tháng nữa, trừ khi Chỉ nam quy định cách khác.

131. Giai đoạn thỉnh viện nhằm mục đích hướng dẫn thỉnh sinh cách tiệm tiến thử nghiệm lối sống chiêm niệm của Dòng, nhờ những phương thức giáo huấn thích hợp, và những cuộc đối thoại liên vị về đời sống kết hợp với Thiên Chúa và kỷ luật đan viện.

132.
Thỉnh sinh được tham dự một phần nào vào sinh hoạt chung của đan viện và tập viện dưới sự hướng dẫn của chị Giám tập. Tuy nhiên, không được trao chức vụ hoặc một nổn phận chính thức nào cho chị trong giai đoạn này.

133. Giai đoạn thỉnh viện phải được thực hiện trong nội vi đan viện.

134. Chị Giám tập phải ghi tên thánh, tên gọi, ngày tháng năm sinh của các thỉnh sinh vào sổ thâu nhận, cùng với tất cả những gì chị mang theo. Chính đương sự, vị Giám tập và hai đan sĩ khác phải ký nhận.

135. Việc đóng góp và chi phí của thỉnh sinh trong thời gian thỉnh viện sẽ được quy định trong Chỉ nam.

136. Đan viện Trưởng cùng với phiếu quyết nghị của Ban cố vấn có quyền loại thỉnh sinh khi thấy chị không thích hợp với lối sống chiêm niệm của Dòng. Thỉnh sinh cũng có quyền tự do rời bỏ đan viện.

137. I. Ít nhất hai tháng trước khi chấm dứt giai đoạn thỉnh viện, thỉnh sinh phải chịu khảo hạch trước Ban cố vấn.

II. Việc khảo hạch và các thông tin liên quan đến việc thâu nhận thỉnh sinh phải được xem xét lại và nếu cần phải được bổ sung.

138. I.
Việc chấp nhận thỉnh sinh vào tập viện phải được biểu quyết do phiếu quyết nghị của Ban cố vấn trước, rồi đến Đan viện hội nếu Ban cố vấn chấp thuận. Trước khi biểu quyết Đan viện Trưởng phải thông tri cách tế nhị cho các cử tri biết về kết quả cuộc khảo hạch thỉnh sinh và hỏi xem có chị em nào báo cáo đặc biệt về thỉnh sinh hay không.

II. Để thỉnh sinh được thâu nhận cách hữu hiệu, chị phải được đa số phiếu chấp thuận của cả Ban cố vấn và Đan viện hội.

III. Nếu một trong hai cuộc bỏ phiếu không được đa số thành viên chấp thuận thì thỉnh sinh coi như bị loại.

IV. Các cuộc bỏ phiếu này phải ghi vào sổ thâu nhận, cho dù thỉnh sinh không được nhận vào tập viện.