Đức trinh nữ Maria và đời sống thánh hiến

Huấn từ của Đức thánh cha Gioan Phaolô II tại quảng trường thánh Phêrô, thứ Tư, 29/3/1995


1. Do sự kết hiệp với Đức Kitô nảy sinh nơi mỗi tín hữu mối tương quan với đức Maria ; điều này lại càng được nổi bật hơn nữa trong cuộc đời những người được thánh hiến. Đây là một khía cạnh căn bản trong linh đạo của một vài hội dòng được biểu lộ qua danh hiệu nhận tên của Maria, để nhận mình là những “con cái”, “tôi tá” hay “nữ tỳ”, “tông đồ” hay “thừa sai” của Mẹ. Không ít hội dòng đã nhìn nhận và công bố mối ràng buộc với Đức Maria như đâm rễ đặc biệt trong truyền thống đạo lý hoặc đạo đức ngay từ ban đầu. Tất cả mọi hội dòng đều thâm tín rằng sự hiện diện của Đức Maria mang một tầm quan trọng cơ bản, vừa đối với đời sống tâm linh của mỗi một linh hồn thánh hiến, vừa đối với sự bền vững, hiệp nhất và phát triển của tất cả cộng đoàn.

2. Có những lý do vững chắc trong Thánh Kinh cho niềm thâm tín đó. Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria được thiên thần Gabriel gọi với danh xưng “đầy ân sủng” (gratia plena, kecharitoméne : Lc 1,28), nói lên hành động toàn năng và nhưng không của ân sủng[1]. Đức Maria đã được chọn lựa nhờ quyền năng tình yêu vô song của Thiên Chúa. Sở dĩ Người đã thuộc trọn về Thiên Chúa và sống trọn cho Thiên Chúa, đó là bởi vì trước hết, Mẹ đã “được Thiên Chúa nắm bắt”,bởi vì Chúa đã muốn làm cho Mẹ trở thành một chỗ ưu tiên trong mối tương quan của Ngài đối với nhân loại trong mầu nhiệm nhập thể. Vì thế Đức Maria nhắc nhở những người được thánh hiến rằng ơn thiên triệu là một hồng ân được ban không do công trạng của họ. Chính Thiên Chúa đã yêu thương họ trước (x. 1Ga 4,10.19), do một tình yêu nhưng không, tình yêu này thôi thúc họ hãy tỏ lòng tri ân.

Đức Maria cũng là mẫu gương của sự đón nhận ân sủng về phía con người. Nơi Mẹ, chính ân sủng đã phát ra lời “vâng” đối với ý muốn của Thiên Chúa, sự gắn bó tự do, sự ngoan ngoãn đầy ý thức của tiếng “fiat”, đã đưa Mẹ tới sự thánh thiện càng ngày càng tăng trong suốt cuộc đời. Đức Maria không bao giờ ngăn chặn sự thăng tiến này ; Mẹ luôn luôn bước theo sự thúc đẩy của ân sủng và đã chấp nhận những ý định của Thiên Chúa như là của riêng mình. Mẹ luôn luôn cộng tác với Thiên Chúa. Bằng gương sống của mình, Mẹ dạy những người được thánh hiến đừng bao giờ phí phạm những ân huệ đã lãnh nhận, và hãy luôn đáp trả cách quảng đại hơn đối với ơn ban của Thiên Chúa, và hãy để Chúa Thánh Thần gợi ý, thúc đẩy, dẫn dắt.

3. Đức Maria là “người đã tin” như người chị họ Êlisabét đã nhìn nhận. Đức tin này cho phép Mẹ cộng tác vào việc hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa, mà theo sự tính toán của con người xem ra là “không thể được” (x. Lc 1,37) ; và nhờ thế mà đã diễn ra mầu nhiệm Đấng Cứu Độ đến trong thế gian. Công trạng vĩ đại của Trinh Nữ Rất Thánh là đã cộng tác vào việc Đấng cứu độ xuống thế theo một con đường mà chính Mẹ đã không biết phải đi như thế nào, cũng giống như những con người khác. Mẹ đã tin, và “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (x. Ga 1,14) nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần[2].

Cả những người đón nhận lời mời gọi sống đời thánh hiến cũng cần có một đức tin lớn lao. Để sống dấn thân trong con đường của các lời khuyên Phúc Âm, cần phải tin vào Đấng đã kêu gọi sống những lời khuyên ấy và tin vào một cuộc vận mệnh cao cả hơn mà Người cống hiến. Để dâng hiến toàn thân cho Đức Kitô, cần phải nhìn nhận Người là Chúa và Tôn sư tuyệt đối : Người có thể đòi hỏi tất cả bởi vì Người có thể làm được tất cả những gì cần thiết để thực hiện những gì mà Người yêu cầu. Vì thế Đức Maria, mẫu gương của đức tin, sẽ hướng dẫn những người được thánh hiến trên con đường đức tin.

4. Đức Maria là Trinh Nữ của các trinh nữ (Virgo virginum). Từ những thế kỷ đầu của Giáo hội, Mẹ đã được nhận biết là mẫu gương của đức trinh khiết thánh hiến.

Ý định của Mẹ muốn giữ mình đồng trinh thật đáng khâm phục ở trong một môi trường mà lý tưởng này không được phổ biến. Quyết định của Người là hoa quả của ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng đã mở cho trái tim Người ước muốn dâng hiến toàn thân mình, linh hồn và thể xác cho Thiên Chúa. Mẹ đã thực hiện, một cách cao cả nhất và khó tưởng tượng nổi, ơn gọi của dân Israel trở nên hôn thê của Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Ngài như là dân riêng của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị cho Người tiến tới thiên chức làm mẹ phi thường nhờ sự trinh khiết, bởi vì theo kế hoạch của Thiên Chúa, một tâm hồn trinh nguyên phải đón nhận Con Thiên Chúa đến nhâp thể. Mẫu gương của Đức Maria làm cho chúng ta hiểu được vẻ đẹp của đức trinh khiết và khuyến khích những người được gọi sống đời thánh hiến hãy bước theo con đường này. Dưới ánh sáng của Đức Maria, đã đến lúc phải tái đề cao đức trinh khiết. Đã đến lúc phải giới thiệu lại đức trinh khiết cho các thanh niên nam nữ như là một kế hoạch nghiêm túc cho cuộc sống. Đức Maria trợ giúp những ai cam kết sống điều ấy, Người sẽ mở mắt cho họ thấy sự cao quý của việc trao hiến con tim hoàn toàn cho Thiên Chúa, và Người tiếp tục tăng cường lòng trung thành của họ ngay cả trong những giờ phút khó khăn và hiểm nguy.

5. Đức Maria hoàn toàn tận tuỵ phục vụ Người Con từ năm này qua năm khác. Mẹ đã giúp Người được trưởng thành và chuẩn bị sứ vụ ở tại căn nhà và xưởng mộc Nagiarét[3]. Ở Cana, Mẹ đã xin Người bày tỏ quyền năng của Đấng Cứu Độ và đã đạt được phép lạ đầu tiên để giúp đôi tân hôn trong lúc gặp khó khăn (x. ibid., 18 và 23) ; Mẹ đã chỉ bảo cho chúng ta con đường việc tuân hành Đức Kitô, khi nói : “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Trên đồi Calvario, Mẹ đã ở bên cạnh Đức Giêsu như người mẹ. Trong phòng tiệc ly, cùng với các môn đệ của Đức Giêsu trong cầu nguyện, Mẹ đã trải qua thời gian chờ đợi Chúa Thánh Thần mà Người đã hứa ban.

Vì thế, Mẹ tỏ cho những người thánh hiến thấy con đường dấn thân cho Đức Kitô trong Giáo Hội như gia đình của đức tin, đức mến và đức cậy, và Mẹ cầu xin cho họ nhận được những việc lạ lùng làm tỏ hiện quyền uy cao cả của Con mình, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

6. Chức phận làm mẹ mới đã được ban cho Đức Maria trên đồi Golgotha là một quà tặng làm giàu cho mọi Kitô hữu, nhưng lại một giá trị đậm đà hơn đối với những người thánh hiến. Gioan, người môn đệ yêu dấu, đã dâng hiến tất cả con tim và sức lực cho Đức Kitô. Khi nghe những lời : “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26), Đức Maria đã đón nhận Gioan như con của mình. Mẹ cũng hiểu rằng tình mẫu tử mới này mở ra cho tất cả môn đệ của Đức Kitô. Việc Mẹ hiệp thông lý tưởng với Gioan và với tất cả những người thánh hiến, cho phép tình mẫu tử Người mở rộng cách viên mãn.

Đức Maria đã sống như một người mẹ rất nhạy bén trong việc giúp đỡ những người dâng hiến trót cả tình yêu của mình cho Đức Kitô. Mẹ rất quan tâm đến các nhu cầu tâm linh của họ. Mẹ cũng trợ giúp các Cộng đoàn, như lịch sử của các Hội dòng tận hiến đã ghi nhận. Mẹ đã hiện diện trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x. Cv 1,14) cũng thích có mặt giữa các cộng đoàn tụ họp lại nhân danh Con của Mẹ. Cách riêng, Mẹ trông nom cho họ luôn duy trì và phát triển đức ái.

Những lời của Đức Giêsu nói với môn đệ yêu dấu : “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27) mang một ý nghĩa sâu sắc đặc biệt trong cuộc đời những người thánh hiến. Ho được mời gọi hãy coi Đức Maria như mẹ của mình và yêu mến Mẹ như Đức Kitô đã yêu mến. Đặc biệt hơn nữa họ được mời gọi hãy rước Mẹ về nhà mình, giống như Gioan “đã rước bà về nhà mình” (dịch sát nghĩa : “đưa bà về làm gia sản”) (Ga 19,27). Nhất là họ phải dành cho Mẹ một chỗ trong lòng họ, trong cuộc đời của họ. Họ phải luôn tìm cách phát triển nhiều hơn nữa mối tương quan với Mẹ, là khuôn mẫu và Mẹ của Giáo Hội, khuôn mẫu và Mẹ của các cộng đoàn, khuôn mẫu và Mẹ của mỗi một người mà Đức Kitô kêu gọi bước theo Ngài.

Các con thân mến, thật là tốt đẹp biết bao, đáng quý biết bao, và một cách nào đó thật đáng ghen đi được, chỗ đứng ưu tiên của những người thánh hiến ở dưới tà áo và trong trái tim của Đức Maria ! Chúng ta hãy nguyện cầu xin Mẹ luôn luôn ở với họ và chiếu toả lên mãi như là ngôi sao chiếu sáng trên đời họ.

Ghi chú:

[1] x. Thông điệp Redemptoris Mater, 7.
[2] x. Thông điệp Redemptoris Mater, 12-14
[3] x. Thông điệp Redemptoris Mater, 17