1. Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II tuyên bố rằng đời sống thánh hiến, dưới nhiều hình thức phong phú, biểu lộ “quyền năng vô hạn của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội” (GH 44). Một cách tương tự, sắc lệnh của Công Đồng về việc canh tân đời tu cũng nhấn mạnh rằng chính “sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần” làm phát sinh đời sống ẩn tu và việc thành lập biết bao “Dòng Tu đã được Giáo Hội hân hạnh đón nhận và phê chuẩn bằng quyền bính của mình” (DT 1).
Dĩ nhiên, linh đạo của việc cam kết tu trì (là linh hồn của tất cả mọi Hội Dòng sống đời thánh hiến) đặt trung tâm nơi Đức Kitô, nơi bản thân Người, nơi cuộc sống thanh khiết và khó nghèo của Ngài, dẫn đến hy lễ cao cả là hiến chính mình cho anh em, trong sự vâng phục hoàn hảo đối với Chúa Cha. Tuy vậy,xét theo một nghĩa chặt chẽ, đó cũng là linh đạo được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, không thể nào bước theo Đức Kitô trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục nếu không có sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, là Đấng chủ động của mọi sự tiến triển nội tâm và Đấng ban phát mọi ân sủng trong Giáo Hội. Công Đồng còn thêm rằng : “Bởi được thúc đẩy nhờ đức mến mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng, những người thánh hiến càng ngày càng sống cho Đức Kitô và Thân Thể Người là Giáo Hội” (DT 1).
2. Thật vậy, trong đời tu trì và trong mỗi đời sống thánh hiến, luôn có một hoạt động quyền năng và quyết định của Chúa Thánh Thần, mà các linh hồn nhạy bén có thể cảm nhận được cách khó tả nhờ một thứ bản năng do đức ái tạo ra, theo ý kiến của thánh Tôma muốn nói[1].
Trong Giáo Hội, mỗi khi Chúa Giêsu Kitô gọi những người nam nữ bước theo Người, thì Người làm cho họ cảm thấy tiếng nói và sự thu hút của mình nhờ tác động nội tại của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người trao cho nhiệm vụ giúp họ hiểu lời mời gọi và thúc đẩy họ ước muốn đáp trả bằng cuộc đời dâng hiến hoàn toàn cho Đức Kitô và vương triều Người. Chính Chúa Thánh Thần phát triển ân sủng của ơn thiên triệu trong nơi sâu kín của tâm hồn, khai mở con đường cần thiết để cho ân sủng này đạt tới mục đích. Chúa Thánh Thần là nhà giáo dục chủ chốt của các ơn gọi, là Vị hướng dẫn các linh hồn được thánh hiến trên con đường trọn lành, là tác giả của lòng đại lượng, kiên nhẫn và trung thành của mỗi người và của mọi người.
3. Ngoài tác động ở trong mỗi tâm hồn, Chúa Thánh Thần cũng còn là nguyên uỷ của các cộng đoàn những người thánh hiến, như chính Công Đồng đã nói (x. DT 1). Chúa Thánh Thần đã làm như thế ở trong quá khứ và ngày nay cũng vậy. Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn luôn ban đặc sủng sáng lập cho một số người. Chúa Thánh Thần luôn luôn sắp đặt sao cho vị sáng lập quy tụ được chung quanh mình những người cùng chia sẻ ý hướng của hình thức đời sống thánh hiến, lời dạy dỗ, lý tưởng, sự hấp dẫn về công tác bác ái hay giáo dục, hoặc tông đồ mục vụ. Chúa Thánh Thần luôn luôn tạo ra và làm tăng trưởng sự hài hoà giữa những người được quy tụ, và giúp họ phát triển đời sống chung đượclinh động bởi đức ái, theo định hướng riêng của đặc sủng của vị sáng lập và của các môn đệ trung thành. Thật là điều phấn khích khi nhận thấy rằng cũng trong thời gần đây, Chúa Thánh Thần đã làm phát sinh trong Giáo Hội những hình thức cộng đoàn mới và khơi dậy những kinh nghiệm mới về đời thánh hiến.
Đàng khác, cũng cần nhớ rằng trong Giáo Hội, chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các nhà Chức Trách trong việc đón tiếp và nhìn nhận theo giáo luật những cộng đoàn của những người tận hiến, sau khi đã xem xét, và chỉnh đốn nếu cần, và cuối cùng phê chuẩn hiến pháp của họ (x. GH 45), để rồi khuyến khích, nâng đỡ và không ít lần đã gợi ý cho họ những chọn lựa hoạt động. Biết bao sáng kiến, biết bao việc thành lập các Hội Dòng mới, giáo xứ mới, biết bao cuộc hành trình truyền giáo đã xuất phát từ những yêu cầu hay hướng dẫn mà các mục tử Giáo Hội đã ngỏ cùng các vị sáng lập và các Bề trên cao cấp của các Hội dòng !
Tác động của Chúa Thánh Thần thường làm phát triển và thậm chí khơi gợi những đặc sủng của các tu sĩ qua hàng giáo phẩm. Dù sao đi nữa, Ngài dùng hàng giáo phẩm để đem lại cho các dòng tu một sự bảo đảm rằng định hướng của họ phù hợp với ý muốn của Chúa và lời dạy của Tin Mừng.
4. Hơn nữa, chính Chúa Thánh Thần thi hành ảnh hưởng của mình trong việc huấn luyện các ứng sinh bước vào đời sống thánh hiến. Chính Ngài thiết lập sự kết hợp hài hoà nơi Đức Kitô tất cả những yếu tố tâm linh, tông đồ, giáo lý thực hành mà chính Giáo Hội cho là cần thiết cho một nền đào tạo tốt[2].
Cách riêng, chính Chúa Thánh Thần giúp hiểu được giá trị của lời khuyên Phúc Âm về khiết tịnh, nhờ những soi sáng bên trong vượt lên trên điều kiện bình thường của trí tuệ con người (x. Mt 19,10-12). Chính Ngài gợi lên trong các tâm hồn niềm ao ước dâng hiến triệt để cho Đức Kitô trong con đường độc thân. Chính nhờ tác động của Ngài mà “những người đã được thánh hiến bằng các lời khấn dòng phải đặt ở trung tâm đời sống tình cảm của mình một mối tương quan trực tiếp hơn với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, như hiệu quả của lời khuyên Phúc Âm về khiết tịnh”[3].
Cũng vậy, nơi hai lời khuyên Phúc Âm kia, Chúa Thánh Thần làm cho ta cảm thấy quyền năng hoạt động và nhào luyện của mình. Ngài không chỉ ban sức mạnh để từ bỏ những của cải trần thế và những lợi lộc của chúng, nhưng còn hình thành trong thâm tâm ta tinh thần nghèo khó, bằng cách tiêm nhiễm lòng ham muốn tìm kiếm một kho tàng trên trời vượt xa những tài sản. Ngài cũng ban ánh sáng cần thiết cho việc phán đoán đức tin, để nhận biết trong ý muốn của các bề trên, thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, và để nhận ra trong việc thực hành sự vâng phục, một sự cộng tác khiêm tốn nhưng quảng đại vào việc hoàn thành chương trình cứu độ.
5. Là linh hồn của Thân Thể mầu nhiệm, Chúa Thánh Thần cũng là linh hồn của mỗi đời sống cộng đoàn. Ngài bày tỏ những điểm ưu tiên của bác ái có thể góp phần vào sự hiệp nhất và bình an trong đời sống cộng đoàn. Ngài sắp đặt để cho lời nói và gương sống của Đức Kitô về tình yêu huynh đệ trở thành sức mạnh hoạt động trong cõi lòng, như thánh Phaolô đã nói (x. Rm 5,5). Bằng ân sủng, Ngài làm cho tình yêu của trái tim hiền dịu và khiêm tốn, thái độ phục vụ, lòng tha thứ anh hùng của Đức Giêsu thấm nhuần trong cách ăn nết ở của những người được thánh hiến.
Tác động bền bỉ của Chúa Thánh Thần cũng không kém quan trọng đối với sự kiên trì của những người thánh hiến trong cầu nguyện và trong cuộc sống kết hiệp thân mật với Đức Kitô. Chính Ngài ban cho chúng ta niềm khao khát sống thân tình với Chúa, tăng gia niềm thích thú cầu nguyện, gợi lên sự thu hút hướng về bản thân Đức Kitô, về lời dạy và nếp sống gương mẫu của Người.
Hơn nữa, chính làn gió của Chúa Thánh Thần đã nuôi dưỡng sứ vụ tông đồ của những người thánh hiến xét như cá nhân và như cộng đoàn. Sự tiến triển của đời sống tu trì trong lịch sử, với đặc trưng là sự hăng say không ngừng đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, xác nhận tác động ấy của Chúa Thánh Thần trong việc nâng đỡ nhiệt khí truyền giáo của các Dòng Tu trong Giáo Hội.
6. Về phần những người được thánh hiến, họ phải vun trồng sự ngoan ngoãn đối với những gợi hứng và đề nghị của Chúa Thánh Thần, hiệp thông liên lỉ với Ngài, cầu nguyện không ngừng để có thể lãnh nhận những ân huệ dồi dào luôn mãi, kèm theo một sự phó thác cho sáng kiến của Ngài. Đây là con đường mà các thánh mục tử và tiến sĩ của Giáo Hội đã khám phá, trong sự hài hoà với đạo lý của Đức Giêsu và các tông đồ. Đó là con đường của các vị sáng lập nam nữ, những người đã mở ra trong Giáo Hội nhiều hình thức cộng đoàn khác nhau, từ đó nảy sinh những linh đạo khác nhau : linh đạo Basiliô, Augustinô, Biển Đức, Phanxicô, Đa Minh, Cát Minh và nhiều linh đạo khác. Tất cả những kinh nghiệm, con đường, trường phái làm chứng cho sự phong phú của các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, và mở ra nhiều lộ trình khác nhau dẫn đến cùng một Đức Kitô duy nhất trong một Giáo Hội duy nhất.
[1]x. Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II q. 45, a. 2.
[2] x. Potissimum institutioni, Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng tận hiến.
[3] Potissimum institutioni, 13.